Hot girl phủ sóng

Thứ Sáu, 17/03/2017, 17:11
Chuyện mấy tháng trước tưởng đã êm êm rồi, bất thần đến giờ lại khiến giang hồ chao đảo, chuyện về hot girl làm lãnh đạo cấp phòng của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, người có dư luận cho rằng là bạn gái của một lãnh đạo to của tỉnh này.

Có lúc, vị lãnh đạo to phải đăng đàn huy động nhiều cách phủ nhận tin đồn. Vậy mà, cuối cùng thì hot girl vẫn phủ sóng thông tin.

1. Hàng loạt trang báo có chung cái title, “Thanh Hóa sẽ làm rõ quy trình bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh”.

Bà Trần Vũ Quỳnh Anh này được báo Thanh niên gọi là hotgirl trong bài phát pháo đầu tiên, “Quan lộ thần tốc của ‘hot girl’ xứ Thanh”

Theo đó thì bà Trần Vũ Quỳnh Anh không biết vì lý do gì hay do năng lực xuất chúng như thế nào mà được đề bạt vô cùng thần tốc, “Từ năm 2008 - 2010, với tấm bằng Cao đẳng (CĐ) Công nghệ thông tin ở Nghệ An, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. 

Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học (hệ tại chức) Trường ĐH Vinh, đầu năm 2011, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa (không qua thi tuyển). Năm 2012, bà Quỳnh Anh được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của sở này. Từ tháng 10-2013 -đến tháng 4-2014, bà nghỉ sinh con đầu lòng.

Tháng 4-2015, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, và chỉ 6 tháng sau (tháng 10-2015), được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Việc bổ nhiệm một người không có trình độ chuyên ngành làm lãnh đạo cấp phòng đã gây nhiều dị nghị trong nội bộ Sở Xây dựng Thanh Hóa vào thời điểm đó.

Bởi thực tế, với trình độ chuyên môn như trên, bà Quỳnh Anh không đủ cả tiêu chuẩn để được tuyển dụng làm công chức của Sở (thông qua thi tuyển), chứ chưa nói đến chuyện liên tiếp được bổ nhiệm làm lãnh đạo phòng”.

Đồng thời, Báo Thanh niên cũng đề cập đến khối tài sản của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, “Sự thăng tiến bất thường trên cũng chưa gây ngạc nhiên về bà Quỳnh Anh. Bởi với thu nhập hằng năm khoảng 60 triệu đồng như trong hồ sơ tự khai của mình, gia đình không mấy khá giả, nhưng bà này được cho là có khối tài sản “khủng” lên tới hàng chục tỉ đồng. 

Bà Quỳnh Anh từng sở hữu một căn biệt thự lớn 3 mặt tiền tại khu đô thị bắc đại lộ Lê Lợi (khu đô thị Bình Minh), P. Đông Hương, TP. Thanh Hóa (hiện căn biệt thự này đã được bà Anh chuyển nhượng cho... mẹ ruột của mình) và một chiếc xe Cadillac Escalade trị giá nhiều tỉ đồng”.

Sau quả bom này của Báo Thanh niên, hàng loạt các tờ báo khác vào cuộc. Nhưng thủ khẩu như bình, lãnh đạo các ban ngành tỉnh Thanh Hóa đều nhất mực im lặng, mãi cho đến hôm nay thì mới hứa sẽ trả lời. Câu trả lời như thế nào thì chắc chắn còn phải chờ, chỉ mong không để lâu quá để có thứ gì đó hóa bùn.

Bởi theo thiển ý của Mr. Bim thì còn niềm tin là còn tất cả, mất niềm tin là mất tất cả. Quan trọng nữa là công tác cán bộ là công tác được xác định vô cùng quan trọng, là động lực để phát triển hay là định kiến để kéo lùi cũng từ đây mà ra cả. Nhưng không sao, còn sống là còn hy vọng, còn sống là còn tin tưởng.

2. Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự vừa trả lời trên Vietnamnet, “Tôi từng bị dọa đốt nhà vì dẹp vỉa hè”.

Câu chuyện vỉa hè tuy quen mà xa lạ của hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM phút chốc lại trở nên ồn ào hơn bao giờ hết với lần xuất tướng của ông Phó Chủ tịch Quận 1 (TP.HCM) Đoàn Ngọc Hải.

Cá nhân Mr. Bim ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm, chuyện biết thì cũng đã biết, chuyện hiểu thì cũng đã hiểu nên Mr. Bim không bàn luận nhiều. Tuy nhiên, M., Bim nghĩ rằng đập phá vỉa hè chỉ là một biện pháp chứ hoàn toàn không có tính giải pháp, kiểu như ngăn chặn xe máy chạy trên vỉa hè bằng cách lắp barie vậy, chỉ là tạm thời chứ không có tính căn cơ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói trên Báo CAND về “căn bệnh vỉa hè” tại Hà Nội như sau, “Tôi đề nghị các đồng chí lần này làm phải cương quyết, phải bền vững. Hà Nội tôi xin nói là không ồn ào, các đồng chí cứ ồn ào, cứ ra quân nghe có vẻ, xuống không khéo lại làm ùn tắc thêm đường”.

Có lẽ, giải pháp căn cơ nhất cho vỉa hè phải có lộ trình lâu dài, vừa dọn dẹp lại vừa bố trí quy hoạch lại sao cho hài hòa nhất. Bởi điều cơ bản là có một nền kinh tế vỉa hè đang tồn tại, đó là điều chắc chắn.

Quan điểm của Thạc sĩ – Kiến trúc sư Lê An Giang trên trang Kiến trúc Việt Nam rất hay, “Vậy, tại sao phải “làm sạch” nguồn kinh tế, nguồn thu và nguồn văn hóa dồi dào ở vỉa hè các đô thị Việt Nam. Để các đô thị Việt Nam lạnh băng, không khác gì một góc nào đó của Singapore, Malaysia hay nơi nào đó hoàn toàn xa lạ, không thuộc về Việt Nam? 

Chúng ta không nên đánh đồng toàn bộ các vỉa hè và “dọn sạch” chúng để trở thành một đô thị nào đó xa lạ trên thế giới. Điều này vô hình trung đã đánh mất luôn những giá trị nhân văn, tính hỗ trợ lẫn nhau, sự giàu có về văn hóa của vỉa hè và tính đặc thù của đô thị Việt Nam, là đặc trưng riêng và chính là điều đang hấp dẫn các du khách tham quan”.

Có lẽ, đây cũng là quan điểm mà theo Mr. Bim cần được nhìn nhận một cách bình tĩnh, thấu đáo.

3. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có chỉ đạo được tờ Tuổi trẻ đưa tin, “Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải khởi tố một số vụ cát tặc”.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực thì, “Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê tội phạm”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định cát sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, cần nhiều năm để tái tạo.

Với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác như sói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân sinh sống xung quanh, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, gây bức xúc dư luận...

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.

“Nguyên nhân khách quan là địa bàn khai thác cát trái phép trải rộng, kéo dài qua nhiều tỉnh, thành, số đối tượng khai thác cát trái phép nhiều, sống ven sông, thông thạo sông nước, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đổi hình thức, quy luật hoạt động và có tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch đối phó, né tránh khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý” - Phó Thủ tướng nêu”.

Trước đó, Báo Tuổi trẻ đã có loạt điều tra dài kỳ rất công phu về thủ đoạn trục lợi từ việc khai thác tài nguyên cát trên sông. Tài nguyên bản chất chính là tài sản tích trữ của quốc gia, đó là phần mà quốc gia để dành lại cho cháu con, đó là phần bắt buộc phải chắt chiu dè xẻn khi sử dụng.

Tài nguyên quốc gia chính là tài sản một chiều, nghĩa là chỉ có mất đi chứ rất khó có khả năng tái tạo nếu bị khai thác, mà muốn tái tạo thì cũng phải trải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm.

Cát tặc chưa bao giờ là một câu chuyện nhỏ, Mr. Bim chỉ không hiểu vì sao phương hướng xử lý thường rất không nghiêm khắc. Những con sông bị hút trơ đáy, những dòng chảy bị biến đổi, những đoạn lở nguy hại. Trên hết vẫn là, phần của cháu con ngày càng bị hiện tại ngoạm những miếng cắn rất to.

4. Giữa bộn bề những thông tin thời sự chan chát ấy, có thông tin này rất yêu. Đó là câu chuyện nữ nhân viên điện lực trả lại một tỷ đồng nhặt được. Trên đường đi làm về, nữ nhân viên thu ngân của Điện lực Sơn Trà (Đà Nẵng) nhặt được túi nylon có một tỷ đồng bên trong. Chị đã đứng đợi dưới trời mưa để trả lại của rơi, chị tên là Trần Thị Anh.

Sau lúc đứng chờ người đánh rơi, chủ nhân của số tiền ấy quay lại tìm và được chị trả lại toàn bộ. Câu chuyện đạo đức vỡ lòng nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất ai cũng nằm lòng, chắc là cũng nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, cho dù có bình thường hay không thì hành động tốt đều xứng đáng được ngợi khen.

Tin khuyến mãi, “Xăng giảm 76 đồng/lít”, cũng biết là làm sao có giảm là được rồi, có giảm là tốt rồi. Giả như mà không giảm 76 đồng là tăng lên bảy nghìn sáu trăm đồng thì cũng làm gì được nhau?

Mr. Bim
.
.