Nhan sắc làng ta:

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan: Có phải do chúng ta qua kỳ vọng

Thứ Tư, 25/12/2013, 10:15

- Câu chuyện nhan sắc Việt dự thi đấu trường nhan sắc quốc tế toàn trở về… tay trắng đã quá quen thuộc, đến nỗi công chúng gọi đó là lẽ bình thường. Với riêng cá nhân mình, cũng là một nhan sắc thì Loan nghĩ gì về việc này?

- Loan nghĩ rằng bất cứ ai dự thi đều mong muốn đem vinh quang về cho đất nước. Hơn nữa, áp lực đại diện cho vẻ đẹp của một quốc gia là rất lớn, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để trân trọng họ rồi. Thực tế chúng ta còn nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nhan sắc đi dự thi, ngay cả các cuộc thi sắc đẹp trong nước cũng là tìm kiếm những gương mặt “tự nhiên” chứ đâu có đào tạo bài bản hay “lò luyện”. Đến khi ra đấu trường quốc tế, đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn mà ít có sự tập dượt thì cũng không thể trách riêng gì các nhan sắc.

Loan nghĩ cần một quá trình rèn luyện lâu dài. Đương nhiên là ai đi thi cũng đã có thời gian luyện tập nhất định, nhưng điều kiện của ta không thể bằng các nước khác được. Trong khi đó, các đấu trường quốc tế lại rất đông thí sinh, rất nhiều người đẹp sáng giá… Chúng ta không được rèn luyện theo từng tiêu chí của cuộc thi, rồi những “khó khăn” mang tính cố hữu thì cũng vô vàn.

- Vậy theo Loan với một đại diện dự thi đấu trường nhan sắc quốc tế thì yếu tố tiên quyết cần đảm bảo là gì?

- Với Loan, các cuộc thi quốc tế cũng như cuộc thi trong nước là luôn đề cao vẻ đẹp toàn diện bao gồm cả hình thức, trí thức và tâm hồn. Đương nhiên, tiêu chí để đánh giá ở mỗi cuộc thi là khác nhau. Có những cuộc thi đề cao vẻ đẹp hình thể hơn, nhưng có cuộc thi lại đánh giá cao vẻ đẹp tâm hồn, tính nhân văn, hiểu biết về xã hội, nền tảng tư duy vững chắc… Thêm nữa theo Loan thì một yếu tố cũng rất quan trọng đối với đấu trường quốc tế, đó là làm nổi bật văn hóa, bản sắc dân tộc khi tham dự cuộc thi.

Nhưng quan trọng hơn cả, Loan vẫn khẳng định đó là tri thức. Một ví dụ nhỏ là người đẹp nên biết ngôn ngữ phổ thông là tiếng Anh để dễ dàng giao tiếp. Tất nhiên, thí sinh đó vẫn có thể dùng phiên dịch nhưng việc sử dụng tiếng Anh thành thạo sẽ giúp họ thể hiện mình một cách tốt nhất. Đó là ví dụ nhỏ nhất để thấy rằng, người đẹp luôn phải rèn luyện để có kiến thức về cuộc sống, để ứng biến trong mọi tình huống. Xã hội luôn trân trọng những vẻ đẹp có tri thức!

- Còn việc bảo vệ hình ảnh đại diện một quốc gia của bản thân nhan sắc đó, Loan nghĩ sao?

- Bất cứ ai đi thi cũng đều hiểu và mang tâm thế này. Họ sẽ biết cách làm sao để có thể tỏa sáng nhất, tất nhiên là trong khả năng của họ. Loan chưa từng tham dự một “sàn đấu” quốc tế nào nên không thể ngồi một chỗ phán xét. Nhưng vào ai cũng thế thôi, lúc đó là tinh thần vì dân tộc, vì “màu cờ sắc áo” quốc gia rồi.

- Lẽ thông thường thì càng ngày sẽ càng phải tiến bộ do có sự… rút kinh nghiệm. Thế nhưng nhan sắc Việt tại các đấu trường nhan sắc quốc tế lại càng ngày càng thụt lùi. Nếu như trước đây các người đẹp đại diện của Việt Nam dù không được giải cao nhưng cũng nằm trong top quan trọng, còn giờ thì không. Theo Loan thì lý do vì sao thế?

- Có phải do chúng ra quá kỳ vọng? Đã là thi cử thì không thể nói trước được điều gì và mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí riêng. Nên mới có chuyện người khen đẹp, người bảo không đó thôi. Loan nghĩ, chúng ta nên dự thi với tâm thế học hỏi, bởi xét cho cùng thì việc cử người đi dự thi của chúng ta cũng đã rất non trẻ so với các quốc gia khác rồi. Nên không cần đặt nặng tính ăn thua, trước mắt nên chăng đúc rút kinh nghiệm, học hỏi và rèn luyện, đào tạo dần dần có lẽ khả quan hơn.

- Chứ không phải chất lượng nhan sắc của chúng ta ngày càng kém đi sao? Đã có nhiều mối lo ngại cho rằng, tầm trí thức của hoa hậu ngày càng thấp đi, văn hóa ứng xử… nhan nhản những bất cập ngay chính trong mặt bằng chung của đội ngũ hoa hậu ở xứ ta!

- Nếu là những ý kiến thì Loan không phán xét. Nhưng không thể vì một vài lý do mà đánh đồng chung rằng chất lượng hoa hậu kém đi hay tầm tri thức yếu… Như vậy có vẻ phiến diện. Ở môi trường nào cũng vậy thôi, yếu kém thì sẽ bị đào thải hoặc đánh giá thấp, đó là hiển nhiên. Còn ra quốc tế lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thực tế chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn trong đào tạo và cũng chưa có một lực lượng nhan sắc thực sự hùng hậu để có thể tha hồ chọn lựa. Còn bảo làm sao thì cũng thực sự khó, vì chúng ta chưa phải “chuyên nghiệp” về nhan sắc.

- Lại có chuyện, trách những đơn vị cử người đi dự thi. Dường như việc chọn người chưa thực sự đúng đắn lắm, đơn cử là có trường hợp đi dự thi quốc tế lại không nhận được sự ủng hộ của chính công chúng trong nước?

- Thực sự là đi thi đã là một áp lực rất lớn rồi. Nên Loan nghĩ khi một ai đó đã được chọn đi và dám đi thì họ đều xứng được động viên, cổ vũ. Còn việc từ các đơn vị đào tạo, đương nhiên họ sẽ phải có cái nhìn mang tính chuyên môn và chuyên nghiệp. Sau nhiều năm thì Loan nghĩ rằng họ đều có những nhìn nhận của riêng mình

Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.