7X sự tự vấn thế hệ:

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Chúng tôi là… thế hệ phân vân

Thứ Tư, 12/05/2010, 11:11
Tôi không thể kết luận hộ cho cả một thế hệ, nhưng tôi biết nhiều cuộc đời, những cuộc vật lộn, đấu tranh tư tưởng của thế hệ 7X để tồn tại, để không bị tan biến, tự khẳng định mình và tìm cho mình một con đường đúng đắn.

Những thay đổi xã hội đúng vào thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn, từ vô tư tồn tại đến ý thức phải tồn tại đã có những tác động dữ dội và sâu sắc đến nhận thức và lý tưởng sống của mỗi cá nhân và nó tạo thành những điển hình mang tính xu thế nhất định.

Có thời các bạn tôi đổ xô đi học tiếng Anh, tiếng Nhật thay vì học tiếng Nga. Phải mất nhiều năm cho tôi để chấp nhận và “tiêu hóa” Michael Jackson hay Madonna sau nhiều nhiều năm lớn lên với những bài hát tiếng Nga trầm hùng, sâu lắng. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác đầu tiên khi được uống lon Coca - Cola, sự ngọt ngào đầy xa xỉ không làm tôi bớt nghẹn ngào và cay xè nơi sống mũi khi nghĩ đến những ấm trà xanh mà bà nội còng lưng của tôi vẫn ủ ngày nào. Tuổi trẻ bao giờ cũng háo hức và dám tiếp thu những cái mới, thế nhưng cũng không tránh khỏi những hoang mang và hoài nghi. Làm sao chúng tôi dám phủ nhận hoàn toàn quá khứ, nhất là những gì đã gắn bó, nuôi nấng tâm hồn chúng tôi trong suốt cả những năm thơ ấu. 

Tôi còn nhớ như in, đêm đăng quang hoa hậu, trong giải thưởng của tôi có rất nhiều các chuyến đi nước ngoài do các nhãn hàng tài trợ trong đó có một chuyến  đi Mỹ, đã có một người đàn ông giấu tên gọi điện thoại và hỏi tôi thế này: “Cô nghĩ sao khi sắp tới cô đặt chân đến một đất nước mà chúng tôi đã bao năm qua hy sinh xương máu chiến đấu để bảo vệ cho chính những con bé như cô được lành lặn sung sướng mà đi thi hoa hậu?”. Một thiếu nữ 18 tuổi là tôi lúc đó quả thật rất lúng túng và không thể không suy nghĩ, trăn trở.

Có lẽ tôi là hoa hậu được mời ra nước ngoài nhiều nhất sau khi đăng quang tính đến thời điểm đó. Đi đến đâu tôi cũng được báo chí các nước rất quan tâm và đặt ra rất nhiều các câu hỏi liên quan đến chính trị hết sức nhạy cảm. Tôi đã bị giữ lại ở cửa xuất nhập cảnh sân bay JFK - New York, Mỹ rất lâu vì lý do tại sao một con bé sinh viên 18 tuổi như tôi lại xin được visa vào Mỹ trong khi giữa Việt Nam và Mỹ lúc đó chưa bỏ lệnh cấm vận và bình thường hoá quan hệ. Tôi lúc đó chỉ là một tân sinh viên đại học ngoại giao với ước mơ trở thành nữ đại sứ. Trọng trách là người đại diện cho một thế hệ mới của đất nước Việt Nam lúc đó đối với tôi quả là rất nặng nề.

Mặc dù có ý thức về điều đó và sẵn sàng học hỏi bằng mọi cách, nhưng tôi không có ai hướng dẫn hay tư vấn, có chăng cũng chỉ là các anh các chị nhà báo đi cùng đứng ra đỡ lời khi tôi đang lúng túng trước một rừng micro và máy quay của báo chí với thứ vốn liếng kiến thức và tiếng Anh quá ít ỏi. Tôi được bay, được ăn cùng mâm với các VIP, gặp gỡ các nhân vật tầm cỡ thế giới, được tiếp đón có lúc cỡ ngang nguyên thủ, có những lúc tôi được cả trăm người vây quanh để xin chữ ký, chụp ảnh cùng… Mọi thứ vừa như một giấc mơ quá đẹp lại vừa như một cơn ác mộng đối với một con bé 18 tuổi vốn hay bị mẹ mắng vì vụng dại và đãng trí như tôi. Thế mà tôi cũng vượt qua được tất cả những thử thách đó.

Đến bây giờ nghĩ lại, tôi chắc có lẽ nhờ vào bản năng và nội lực là nhiều. Mà cả hai thứ đó thì đều được thừa hưởng hoặc từ gia đình hoặc từ sự giáo dục, ảnh hưởng của xã hội. Đấy là lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, sự ham học hỏi và tinh thần cố gắng vượt qua khó khăn cộng với sự dịu dàng, tinh tế có được từ bà, từ mẹ và từ rất rất nhiều những người phụ nữ Việt khác nữa.

Thay đổi lớn lao nhất là thay đổi nhận thức trong mỗi con người. Nhận thức quyết định cho lối sống, hành vi ứng xử, thái độ sống của mỗi người tức là gián tiếp quyết định cả số phận. Tính cách làm nên số phận, mặc dù những can thiệp của hoàn cảnh là tất yếu nhưng tôi tin rằng mỗi con người vẫn có thể định đoạt và quyết định được cho cuộc đời của chính mình thông qua khả năng nhận thức và duy trì những giá trị sống căn bản. Đúng là có những thay đổi là cần thiết, thậm chí là tất yếu và cũng đúng là những thay đổi đột ngột hay quá nhanh sẽ dẫn đến những mất cân bằng xã hội, kể cả mất cân bằng đạo đức, một sự mất cân bằng nguy hiểm nhất cho một xã hội văn minh.

Quả là trước đây tôi cũng rất day dứt đến chuyện vì những ràng buộc, những khuôn phép, hay những ảnh hưởng níu kéo làm mình có những sự chậm trễ trong việc ra quyết định hay lựa chọn nào đó. Nhưng đến giờ tôi hiểu ra rằng việc lựa chọn thực ra không quan trọng bằng việc mình chú tâm và cam kết đi đến cùng với lựa chọn đó. Thế hệ chúng tôi sự phân vân quá lớn so với các thế hệ trẻ 8X và 9X bây giờ. Nhân viên của tôi phần lớn đều rất trẻ và gần đây tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ qua Facebook cũng như một số các chương trình cộng đồng mà tôi đang tham gia, có những lúc tôi choáng và ghen tỵ bởi khả năng tư duy và sự sáng tạo của các bạn trẻ.

Chưa bao giờ trong nhận thức tôi nghĩ rằng mình không còn trẻ, thế nhưng có lẽ ở thế hệ chúng tôi, các khuôn khổ, các ám ảnh đói nghèo và quan niệm giáo điều của một thời đã biến thành những cột mốc giới hạn của tấm bản đồ tư duy và sáng tạo trong tâm trí chúng tôi. Thế hệ 8X, 9X họ táo bạo, tươi mới và không bị bất cứ một thứ ràng buộc nào giới hạn các ước mơ của họ. Và bạn cũng biết, ước mơ mới là thứ làm cho con người ta bay bổng vượt lên khỏi những khó khăn thực tại, những thứ tầm thường để làm nên những điều kỳ diệu.  

Tôi đúng là người chậm chạp. Nếu ai đó hỏi tôi tự đánh giá về mình thế nào tôi xin được dùng đúng 3 tính từ sau: cả tin, chậm chạp và nhạy cảm. Tôi cũng không thể sống và hít thở chung không khí với những người mà tôi không tin, dù rất nhiều lần tôi bị lừa, bị chơi khăm. Tôi làm gì cũng chậm hơn người khác, có nhiều lúc tôi đã học cách để làm sao làm nhanh hơn hay đốt cháy giai đoạn nhưng hậu quả thường là nghiêm trọng hơn cái việc chậm chạp rất nhiều. Còn sự nhạy cảm thì làm khổ tôi nhiều nhất.

Nhưng tôi ngộ ra rằng, thay vì cố gắng phi nước đại cho bằng người, tại sao không biết tận hưởng, chiêm nghiệm từng phút giây ý nghĩa từ chính cái sự chậm chạp. Thay vì cố gắng biến mình thành một kẻ khôn ngoan đầy nghi kị, tại sao không dồn hết lòng tin chân thành cho những gì mà mình đang nỗ lực và cho những người xứng đáng. Thay vì sự sụt sùi bi kịch nào đó tại sao không biến nó thành một hành động chia sẻ, gạn bớt nỗi đau. Lúc đó sự nhạy cảm sẽ trở thành sự thấu cảm và lòng trắc ẩn.  

Tôi yêu cuộc sống này lắm và tôi đang biết cách tận hưởng từng phút giây với nó. Tôi đã hiểu ra rằng đôi khi nỗi buồn còn có ích hơn niềm vui. Tôi biết chấp nhận và sống chung với sự cô đơn chứ không còn tảng lờ nó bằng cách chạy theo cuộc vui ồn ào hay huênh hoang đem khoe sự cô đơn như là một thứ trang sức trí tuệ và cái gọi là tâm hồn nghệ sỹ. Tôi biết cách vui vẻ và cười như nắc nẻ ở giữa một đám đông mà trước kia tôi cứ tự tách mình ra vì không thể vui nổi. Tôi cũng biết cách để không cảm thấy sợ hãi hay buồn bã những khi phải một mình.

Mỗi ngày qua đi đối với tôi không còn lãng xẹt và vô bổ nữa. Những gương mặt, những con người mà tôi đã gặp không còn nhòe nhoẹt mờ nhạt mà là những cuộc đời, những số phận đáng trân trọng, đáng nâng niu. Mỗi vùng đất tôi đã đặt chân tới cũng sẽ để lại những dấu ấn đẹp đẽ trong tâm trí.

Tôi có một người bạn rất giàu có và thành đạt theo quan niệm chung của xã hội đánh giá. Anh có một sự nghiệp đáng mơ ước, một gia đình vợ đẹp con ngoan, anh được mọi người tôn trọng, kính nể và bản thân anh cũng làm từ thiện rất nhiều. Vậy mà lúc nào tôi cũng thấy anh buồn trống vắng. Gần đây nhất anh nhắn cho tôi một cái tin khi đang ngồi chờ ở sân bay quốc tế nào đó: "Em vẫn còn thích đi du lịch thế cơ à? Anh thì chán ngấy rồi… Chẳng có gì làm anh thích thú nữa. Tự nhiên hôm nay anh chợt nhận ra, cuộc đời anh là một chuỗi những sai lầm mà ở giữa những sai lầm đó là những chuyến bay và các khoảng trống…". Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc tin nhắn ấy. Có bao nhiêu người sau khi đã đi quá nửa cuộc đời rồi mới nhận ra điều ấy? Thật bất hạnh. Ít nhất tôi sẽ không bao giờ để tôi, các con tôi hay những người thân, bạn bè xung quanh mình trở thành người bất hạnh như thế.

Có những thời gian tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tôi đánh mất lòng tin vào nhiều thứ, nhiều người, không còn biết đâu là đúng sai, phải trái nữa. Cảm giác đó rất đáng sợ và đó là một trong những điều tôi sợ nhất. Tôi không bao giờ chấp nhận cho việc tự sát hay tự làm tổn thương mình vì bất cứ lý do gì. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ  phần lớn những người quyết định tự sát khi họ không còn gì để tin tưởng bấu víu nữa.

3. Các thế hệ sau này như 8X, 9X và  sau nữa như thế hệ các con tôi, cuộc sống dễ dàng hơn nhiều, không còn phải đối diện với các khó khăn cơm áo như chúng tôi lúc trước. Điều này hiển nhiên sẽ làm cho các bạn phát triển hoàn thiện hơn, có sức bật tốt hơn và năng lượng sáng tạo dồi dào hơn.

Tôi còn nhớ khi trước mình tích cóp từng đồng để mua sách, hồi hộp chờ đợi từng số Báo Hoa Học Trò hay mong ngóng đến 7h tối để mở tivi. Bây giờ mọi thứ thừa thãi, ê hề, mà có khi thế các bạn lại không biết trân trọng. Một điều nữa tôi rất băn khoăn và khá lo lắng về sự trải nghiệm thực tế của các thế hệ sau này. Ví dụ như con cái tôi tiếp xúc với tivi, máy tính hay các phương tiện, máy móc hiện đại khác từ rất sớm. Thế nhưng con trai tôi trong một lần đưa về quê chơi thì cứ vác ghế ra ngồi cạnh chuồng bò để ngắm "con chó to". Con gái tôi mới hơn một tuổi đã đọc tên vanh vách các con vật được vẽ ngộ nghĩnh trong quyển sách. Tôi hơi băn khoăn liệu đến khi nó gặp một con khỉ thật ở ngoài đời mà không được thơm tho hay dễ thương được như trong hình vẽ thì không biết con tôi có thất vọng lắm không.

Tôi có người bạn cứ lăn ra cười khi kể lại rằng cô gái 15 tuổi của cô bạn giặt quần áo bằng tay mà thao tác xoay xoay tròn y như một cái máy giặt cửa đứng. Chúng ta có thể thấy những thứ đó hài hước, vui vui và chỉ nhận ra được khi nó xảy ra đối với chính mình hoặc những người xung quanh mà không nghĩ đến những hậu quả lâu dài hơn liên quan đến nhận thức hoặc sự sinh tồn của cả một thế hệ, thậm chí giống nòi đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh chúng ta một cách lặng lẽ, chậm chạp nhưng bền bỉ. Tôi không muốn mình hay con cái, thậm chí cháu chắt mình phải chịu hậu quả cho những sự vô tâm và vô cảm của chúng ta ngày hôm nay.

Tôi đã từng viết khá nhiều các câu chuyện về những can thiệp của cuộc sống hiện đại làm cho con người mất dần đi trí tưởng tượng, các bản năng sinh tồn và trở nên vô cảm với đồng loại, với chính mình, như mới đây có "chuyện về cái tổ kiến" đã nhận được sự đồng cảm, ủng hộ của khá nhiều bạn bè trên Facebook. Đối với tôi đó chính là những món quà hết sức giá trị và làm cho tôi vững tâm để bước tiếp trên con đường mình đã lựa chọn

D.B.N.
.
.