Nhà báo Phạm Thị Thu Thủy- Báo Thể thao và Văn hoá:

"Hiện nay người mang danh nhà báo xuất hiện hơi nhiều"

Thứ Năm, 10/11/2011, 16:06
"Theo quan điểm riêng của mình, tôi cho rằng những người viết đó không phải là nhà báo. Một người bình thường có thể mổ gà, mổ vịt nhưng không phải bác sĩ. Nếu là bác sĩ, họ sẽ không đè người ra mổ như mổ gà, mổ vịt. Đáng buồn là, tôi có cảm giác hiện nay người mang danh nhà báo xuất hiện hơi nhiều.", nhà báo Phạm Thị Thu Thủy- Báo Thể thao và Văn hoá cho biết.

Thưa nhà báo Thu Thủy, dẫu muốn dẫu không thì chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng, hiện tại đã có sự xáo trộn trong việc cung cấp thông tin đến bạn đọc. Đặc biệt, là ở những tờ báo mạng mới xuất hiện trong khoảng thời gian tính từ đầu năm trở lại đây. Theo chị, tính hai mặt của sự xáo trộn thông tin trong thời điểm này lợi và hại chỗ nào đối với bạn đọc?

- Trong thế giới đa thông tin hiện nay, việc đưa thông tin nhiều chiều, nhiều góc độ rõ ràng mang tới cho bạn đọc sự dân chủ về thông tin. Nhưng đa chiều, nhiều góc độ mà vẫn cần sự rõ ràng, sự chọn lọc, để mang lại những thông tin hiệu quả cho bạn đọc. Cũng giống như khi bạn bước vào một siêu thị lớn, một cửa hàng băng đĩa hay một cửa hàng sách với việc sắp xếp khoa học các mặt hàng, các thể loại; khu hàng hạ giá không được nằm lẫn trong hàng mới ra thị trường…

Thực tế, cái mà bạn gọi là sự “xáo trộn thông tin”, theo tôi, nên gọi đúng hiện tượng này là sự lẫn lộn, sự nhiễu kênh thông tin, nói vui là “thông tin (thịt) ba rọi”. Những thông tin lá cải, thay vì chỉ xuất hiện trên những tờ báo lá cải, những trang web lá cải, thì nay được “độn” một cách tùy hứng.

Và không chỉ còn là chất “độn”, thông tin lá cải đang có xu hướng bành trướng, tới mức gần như ai, cái gì, thông tin gì cũng có thể được/bị “lá cải hóa”: nói tới người mẫu thì chỉ có “lộ hàng”, ca sĩ thì “khoe hàng”, diễn viên điện ảnh thì “cảnh nóng”, tới con của diễn viên điện ảnh cũng bị “lộ quần…”. Những thông tin kiểu như vậy tất nhiên làm thỏa mãn một bộ phận nào đó những bạn đọc tò mò, rảnh rỗi, song nó làm mất thời giờ của một bộ phận đông đảo hơn - những bạn đọc cần chất lượng thông tin. 

- Với một vụ việc thời sự nóng, cảm giác nhiều đồng nghiệp của chúng ta hơi quá đà trong khai thác. Ví dụ, vụ Lê Văn Luyện ra tay sát hại gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích. Sau khi khai thác chán chê các tình tiết, có phóng viên báo mạng còn cả bài viết với cái tít “Trước khi gây án: Lê Văn Luyên đã ăn mì tôm”. Chị có thể cho biết ý kiến riêng của mình về việc khai thác thông tin đến độ bấn loạn trong một vấn đề được dư luận quan tâm?

- Theo quan điểm riêng của mình, tôi cho rằng những người viết đó không phải là nhà báo. Một người bình thường có thể mổ gà, mổ vịt nhưng không phải bác sĩ. Nếu là bác sĩ, họ sẽ không đè người ra mổ như mổ gà, mổ vịt. Đáng buồn là, tôi có cảm giác hiện nay người mang danh nhà báo xuất hiện hơi nhiều.

- Trước đây, tôi có bài báo tiêu đề “Ai đang ẩn đằng sau các clip sex”. Đại khái, bài báo đặt ra nghi vấn, liệu truyền thông có tiếp tay cho việc “quảng bá” những cái mà một số đồng nghiệp gọi là “suy đồi đạo đức trong giới trẻ”. Vì với những clip phòng the được phát tán hoặc sự cố lộ hàng của các nhân vật trong làng giải trí, giả như truyền thông không thông tin đến bạn đọc, thì cái sự cố ấy nhanh chóng bị quên lãng và rất ít người biết. Đằng này, đồng nghiệp lại cật lực lên án cái mà đồng nghiệp đang vô tình khuếch tán. Rõ ràng, nhiều đồng nghiệp đang mâu thuẫn với chính mình.

- Tôi nghĩ, vấn đề đơn giản thế này. Nếu anh là một nhà báo chuyên nghiệp thì anh phải luôn kiểm soát và buộc phải kiểm soát được việc đưa thông tin, liều lượng thông tin cũng như những ảnh hưởng “hậu thông tin” của mình

Nguyệt Lãng -Hoàng Nhân- Trí Minh (thực hiện)
.
.