Bàn tay nhám trong làng giải trí Việt

Giảng viên thanh nhạc – ca sĩ Lan Anh: “Lương tâm mỗi người sẽ biết họ nên làm gì”

Thứ Tư, 18/04/2012, 10:30
"Minh Hằng không nói gì, cô ấy im lặng, nhưng thôi hãy để cho khán giả hiểu và đánh giá. Tôi muốn dừng lại ở đây. Và lương tâm mỗi người sẽ biết họ nên làm những gì cho hợp lý và thuyết phục", ca sĩ Lan Anh chia sẻ.

- Sự việc Minh Hằng và Minh Quân “mượn” giọng chị mà không xin phép đến nay đã hai tuần và được “nhẹ nhàng” chìm trong quên lãng. Cảm giác của chị bây giờ thế nào?

- Câu chuyện này đã qua rồi nên tôi không muốn nhắc lại nữa, nếu cứ bàn ra tán vào thì mình chưa thực sự rộng lượng. Trong chuyện này, Minh Quân và ban tổ chức đã có lời với tôi rồi, tất nhiên cũng chưa thỏa đáng theo như những gì được đề cập trên báo chí, nhưng bây giờ tôi cũng không muốn khuấy lại làm gì, vì nó cũng sẽ vẫn diễn ra như thế. Minh Hằng không nói gì, cô ấy im lặng, nhưng thôi hãy để cho khán giả hiểu và đánh giá. Tôi muốn dừng lại ở đây. Và lương tâm mỗi người sẽ biết họ nên làm những gì cho hợp lý và thuyết phục.

Ca sĩ Lan Anh.

- Một số người biện giải, hát nhép (lipsync), hát chồng (hát đè lên phần nhạc có thu sẵn lời để không bị lộ sự hụt hơi, chênh phô) là một kỹ thuật để tăng hiệu quả biểu diễn chứ không phải tệ nạn trong nghệ thuật ca hát, đồng thời viện dẫn nhiều trường hợp danh ca thế giới như Whitney Houston (hát quốc ca Mỹ tại Super Bowl năm 1991), Luciano Pavarotti (tại Thế vận hội mùa Đông ở ý năm 2006) cũng đã từng hát nhép, hát chồng mà chẳng người Mỹ nào phàn nàn vì bị lừa. Chị nghĩ sao?

- Thực ra diễn giải này chưa rõ ràng. Tôi được biết một số chương trình của quốc tế người ta hát lipsync một nửa vì cần rất nhiều vũ đạo, nhưng họ có công bố rõ ràng với khán giả trước buổi biểu diễn như thế. Tùy vào đặc thù văn hóa mỗi nước thì nghệ sĩ có cách thể hiện, diễn đạt trước công chúng khác nhau. Bản thân tôi cũng có một số bài nhạc thu sẵn phần bè của chính mình, giai điệu bè chỉ là một đoạn rất ngắn, không giống giai điệu chính, giúp làm dày và hấp dẫn bài hát hơn thôi. Nhưng khi diễn là hát thật. Nếu có điều kiện thì hát thật vẫn là hay nhất. Vì sao? Vì lúc hát nhép, ca sĩ sẽ rất căng thẳng, không tự nhiên, cứ phải tập trung hát sao cho khớp, luôn lo lắng lỡ có sự cố gì xảy ra, băng đĩa có vấn đề, cho nên họ sẽ không thể thanh thản khi đứng trên sân khấu và không thể hiện được hết mình. Còn khi hát thật, ca sĩ hát bằng cả trái tim và tâm hồn, hát thật là lúc mình thoải mái nhất và cống hiến nhiều nhất. Một số chương trình mang tính chất chính trị, truyền hình, hoặc do không có thời gian, điều kiện để chuẩn bị và tập luyện (như biểu diễn ngoài trời, âm thanh không đảm bảo, kinh phí không cho phép…), thì người ta cũng có sử dụng việc hát lipsync. Đôi khi cũng phải thông cảm. Bản thân tôi cũng không thích nhưng vẫn phải làm như thế vì nhiều lý do khác nhau. ở nước ngoài, các ca sĩ nổi tiếng phải tập luyện ròng rã suốt một đến hai năm trời để cho ra một chương trình riêng của họ. Còn ở ta, chương trình nào cũng quá gấp gáp, bài thì mới, cũng rất khó cho ca sĩ, nên là việc hát nhép, hát dối đôi khi vẫn xảy ra. Bản thân tôi là giảng viên thanh nhạc nên nói ra điều này rất khó, không khán giả nào muốn bỏ tiền ra xem ca sĩ hát giả vờ cả.

- Theo như chị nói, thì các đơn vị tổ chức biểu diễn, các đài truyền hình vô can trong việc này, với lý do để đảm bảo an toàn, để âm thanh lên sóng hay hơn. Tuy nhiên nếu người nghệ sĩ đủ vững vàng trong chuyên môn và đạo đức, họ vẫn có thể từ chối. Sự cả nể đôi khi sẽ khiến người nghệ sĩ chân chính bị đánh đồng với những ca sĩ hạng hai chỉ biết cậy nhờ kỹ thuật phòng thu.

- Nhiều ca sĩ trẻ bây giờ ỷ lại vào những kỹ thuật và điều kiện đó, không chịu rèn luyện và phấn đấu. Kể cả trong việc đào tạo, tôi luôn bảo học trò rằng phải luôn cố gắng hết sức với khả năng của mình, để khi đứng trên sân khấu có thể tự tin mà hát trực tiếp. Không phải là cả nể, nhưng đài truyền hình yêu cầu như thế, vì không có điều kiện tập dượt nhiều, không đủ kinh phí... Trong giai đoạn hiện tại ở Việt Nam, câu chuyện nó đang là như thế, mọi thứ lẫn lộn, để định hướng đúng đắn thì phải có quá trình lâu dài
Thực hiện: Hoàng Thụy Yên - Nguyệt Lãng
.
.