Tìm người tài, gài người nhà

Gài người nhà, không tìm người tài

Thứ Bảy, 01/10/2016, 18:01
Yêu cầu "tìm người tài chứ không phải tìm người nhà" của Thủ tướng được đưa ra ngay giữa thực tế là công tác cán bộ của chúng ta lâu nay có khá nhiều bất cập, nhất là tình trạng "gài người nhà, chứ không chọn người tài".


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không ngừng biểu thị quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính và kiến tạo. Đặc biệt là trong công tác quy hoạch, xây dựng cán bộ với phát ngôn đầy tính kiên định đại ý: "Tìm người tài, không gài người nhà". 

Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều nỗi khó trong quyết tâm này của Chính phủ bởi lá bùa "đúng quy trình" vẫn được xem như là thần dược cứu nhân vật cho những trường hợp "gài người nhà".

1. Trong bất cứ giai đoạn nào của đất nước cũng cần người tài. Ngày xưa, nhân sĩ Thân Nhân Trung đã nói: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.

Bởi thế các đức thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên...". Tất cả những lời này đã nói lên rõ ràng rằng, người tài quan trọng như thế nào đối với vận mệnh đất nước.

Nhiều tài liệu ghi lại vào ngày 20/11/1946, nổi bật trên trang nhất Báo Cứu quốc - Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ tranh đấu Việt Minh - có thông cáo "Tìm người tài đức" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung thông cáo viết rằng: "Tìm người tài đức. Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những hiền tài, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ".

Rồi đến mới đây, về vấn đề công tác cán bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua rằng: "Tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà". Thủ tướng đề nghị phải chấn chỉnh tất cả các khâu từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ... với mục tiêu "đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ".

Thủ tướng đề nghị phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, phải làm sao để mọi người tài đều có cơ hội tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.

Minh họa: Hữu Khoa.

Yêu cầu này của Thủ tướng được đưa ra một cách mạnh mẽ trong giai đoạn đất nước có hàng loạt vấn đề lớn cần có nhiều người tài tham gia đóng góp công sức cùng thực hiện. Thủ tướng cũng tích cực xây dựng chính phủ kiến tạo và chủ trương đó khó có thể thực thi nếu thiếu những con người đủ tài năng.

Đáng chú ý hơn, yêu cầu "tìm người tài chứ không phải tìm người nhà" của Thủ tướng được đưa ra ngay giữa thực tế là công tác cán bộ của chúng ta lâu nay có khá nhiều bất cập, nhất là tình trạng "gài người nhà, chứ không chọn người tài". 

Vấn đề này đã từng không ít lần được nhân dân phản ánh, truyền thông lên tiếng và ít nhiều gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì thế mà yêu cầu này của Thủ tướng đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân.

Lâu nay, chúng ta "đau đầu" về nạn "chảy máu chất xám", hàng loạt giải pháp làm sao để chiêu mộ nhân tài, thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài phục vụ đất nước đã được đưa ra. Song, nếu trong công tác cán bộ lại làm ngược, tức là "gài người nhà, chứ không tìm người tài" thì khi đó, chuyện thu hút nhân tài chẳng phải đã trở thành bịp hay sao?! Và chuyện "chảy máu chất xám" cũng chính là hệ quả tất yếu khi niềm tin đã bị xói mòn vì những khuất tất trong công tác cán bộ lâu nay.

2. Có thể nói thời gian qua đã có nhiều vụ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bất thường được đưa ra ánh sáng khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc, hoang mang.

Đó là chuyện đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Tổng Công ty Sabeco. 

Rồi chuyện ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định bị tố cáo là sắp xếp cho người nhà, cụ thể là vợ, em ruột vào vị trí lãnh đạo tại các sở một cách bất thường. Rồi chuyện ông Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Võ Thành Long đề nghị vợ mình làm cục phó. 

Không những vậy, ông Long còn bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt họ hàng thân thích khác của ông và vợ vào các sở. Mới đây nhất là trường hợp Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh có ít nhất 8 người thân được bố trí vào vị trí chủ chốt của nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Những người này là vợ, anh em ruột thịt, em rể, anh em họ hàng của ông Triệu Tài Vinh.

Tất nhiên, khi mọi chuyện được đưa ra ánh sáng thì mỗi trường hợp đều được người trong cuộc giải thích giống nhau bằng câu: "Đúng quy trình"; tất cả đều được bổ nhiệm dựa vào điều kiện, năng lực, hiệu quả làm việc. Nhưng vấn đề là, quy trình ấy đặt dưới sự kiểm soát của những ai?

Trên thực tế thì có không ít nơi mà vị trí lãnh đạo thuộc về người nhà trong một gia đình. Ví dụ, từng có một gia đình có tới hai người làm thủ tướng hoặc tổng thống như Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc hay Mỹ... 

Thế nhưng ở các nước này không hề có dư luận ngờ vực chuyện "gài người nhà" bởi đó là sự lựa chọn của chính nhân dân chứ không phải là của vài người với một quy trình được cho là đúng nhưng nhân dân không biết quy trình ấy tròn méo như thế nào mà lại cho ra kết quả toàn người nhà được chọn?!

Nói như vậy để thấy rằng, nếu chỉ nhìn bề ngoài của hiện tượng "người cùng một nhà" cùng làm việc trong một bộ máy chính quyền rồi phán xét đó là tiêu cực thì cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng. Điều quan trọng là quy trình đó có đảm bảo minh bạch, công bằng và dân chủ hay không? 

Còn chuyện một bộ máy chính quyền mà trong đó toàn anh em họ hàng trong gia đình làm lãnh đạo thì ắt hẳn có khuất tất. Bởi ở một địa phương mà chỉ có con em cán bộ mới là người tài giỏi và đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm còn những người ngoài thì không là một chuyện hết sức vô lý!

Dẫu là vô lý đấy, nhưng vẫn có một thực tế đã và đang tồn tại là lắm khi người tài bên ngoài dòng họ của cán bộ cao cấp ở một bộ máy chính quyền nào đó thì rất khó để được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.

Một tín hiệu đáng mừng là Chính phủ đã nhìn ra và đang có những động thái quyết liệt với vấn đề công tác cán bộ. Hy vọng là những sự việc được đưa ra ánh sáng vừa qua sẽ được giải quyết đến nơi đến chốn một cách công khai và thỏa đáng, từ đó làm gương cho công tác cán bộ về sau.

Hoàng Lãm
.
.