Đường xa ướt mưa

Thứ Tư, 29/06/2016, 16:10
Năm xửa năm xưa, ông Đức Huy viết bản tình khúc thiệt hay nhan đề “Đường xa ướt mưa” với mấy câu rất dụ khị gái kiểu, “Vì đường xa ướt mưa / Đừng bắt anh đưa em về”.


Mr. Bim đọc tin để điểm báo, phát hiện có con đường mà không cần mưa thì cũng cố anh đưa em về được. Chuyện thật cứ như bịa mà bịa có khi lại rất thật ấy.

1. Tờ Công an nhân dân Online (www.cand.com.vn) đưa tin, “Con đường 8km “ngâm” 14 năm”. Theo đó, “Dự án đê bao kết hợp đường giao thông tuyến Ngã tư Đông Sơn – Bưng Cây Sắn đi qua địa bàn 3 xã Đông Phước, Phú Hữu, Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) kéo dài trên 14 năm, đến nay chưa hoàn thành để phục vụ người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Dự án trên được triển khai thực hiện từ năm 2002, dự kiến hoàn thành vào năm 2006 với 8km đường giao thông, 7 cây cầu, tổng số vốn đầu tư 17 tỉ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ. Dự án do BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư. Đến nay, sau hơn 14 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân.

Được biết, tuyến đường Đông Sơn - Bưng Cây Sắn khi hoàn thành góp phần quan trọng vào việc lưu thông, vận chuyển, mua bán nông sản, góp phần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 14 năm, hàng ngàn người dân của 3 xã này vẫn phải chịu cảnh “sang sông lụy đò” vì một số cây cầu trong dự án đã được xây dựng nhưng không thể đưa vào sử dụng.

Nguyên nhân là do cầu chỉ hoàn thành các hạng mục ở nhịp giữa, còn phần chân cầu chưa được thi công. Người dân muốn qua lại phải bắc các nhịp nối bằng gỗ lên mố cầu để trèo lên.

Bà Lê Thị  Tiến (nhà cạnh chân cầu Số 4), bức xúc: “Do thấy dự án làm cầu, đường mang lại lợi ích chung cho bà con trong vùng, nên tôi quyết định đốn 10 cây xoài đang thu hoạch để phục vụ cho công trình. Nhưng đến nay, đường chẳng thấy đâu, chỉ thấy cỏ mọc cao hơn đầu, còn các cây cầu thì đi bộ còn khó hơn đi ghe… Trẻ em, người già qua lại cầu thì vô cùng nguy hiểm vì phải leo từng bậc gỗ, nhìn mà thêm tức”.

Dự án chỉ hoàn thành được 4,48km đường và 6/7 cây cầu. Mặt khác, các hạng mục trên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng”.

Hà Nội thì không vội được đâu, còn Hậu Giang thì điêu tàn quá đỗi. Cái may lớn nhất của người dân đang sinh sống tại khu vực 3 xã Đông Phước, Phú Hữu, Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) nơi có dự án này đi qua, theo Mr. Bim,  là họ chỉ chịu có 8km đường trong vòng 14 năm vẫn chưa hoàn thành.

Giả như dự án có chiều dài 14km thì không biết người dân phải chịu đựng bao nhiêu lâu mới được thấy đường nhựa sáng lòa quê hương.

Vì sao lại có chuyện kỳ lạ vậy? Chắc chắn là câu trả lời của các bên liên quan sẽ vô cùng hợp lý rồi, chỉ có điều bất hợp lý thì lại không bao giờ có câu trả lời đó chính là, “Tất cả đều hợp lý, vậy thì tại sao dân vẫn phải chịu đựng sự hợp lý ấy một cách vô cùng khó khăn và bức xúc?”. Nhẽ ra, càng hợp lý thì dân phải càng mừng chứ, Mr. Bim hỏi có đúng không ạ?

2. Báo Tiền Phong vừa có loạt bài về các dự án BOT rất hay, nhưng hay nhất vẫn là bài tổng kết, “Tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả BOT, cách nào?” - Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT”.

Theo đó, “Đề cập đến sự minh bạch, công khai dự án BOT mà các đại biểu có ý kiến, ông Trường cho rằng, các dự án BOT được đầu tư bằng hình thức thu phí của người dân. Và người dân hoàn toàn có quyền kiểm tra. Nhưng đối với quy định của pháp luật thì Bộ GTVT là cơ quan thay mặt Nhà nước để quản lý dự án đó.

Cho ý kiến về nội dung này, TS Nguyễn Đình Cung chất vấn: “Thứ trưởng nói vậy, tại sao anh không sử dụng thông tin người dân phản ánh để điều chỉnh những bất cập tại các dự án BOT hiện nay. Vừa qua, dư luận rồi quần chúng nhân dân cung cấp thông tin thực tế về lưu lượng xe trên đường, sao Bộ GTVT từ chối tiếp nhận?”.

Trả lời nội dung này, ông Trường cho rằng, hoạt động thu phí cũng tương tự như hoạt động người dân đóng thuế để đầu tư BOT. Đã là người dân thì không thể vào kiểm tra hoạt động của BOT được… Ông Trường dẫn chứng thêm, vừa rồi Công ty Thái Sơn (cổ đông của Tổng Công ty Cienco1) tổ chức đếm xe là một hành động đúng, nhưng theo quy định là không đúng, hành động này phải được Bộ GTVT cho phép.

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi hỏi là quy định nào buộc người dân phải có sự cho phép của anh mới được làm việc đó?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Cái đó theo quy định của pháp luật …

Ông Nguyễn Đình Cung (lắc đầu)…

Ông Nguyễn Hồng Trường nói tiếp: Bởi vì anh (người dân) muốn làm gì phải được sự cho phép của pháp luật. Làm sao có chuyện một tổ chức, cá nhân nhảy vào trạm thu phí để kiểm tra…

Góp ý kiến phản biện, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, lập luận của Thứ trưởng đang mâu thuẫn. Theo ông, tuân theo pháp luật là đúng, nhưng pháp luật không cấm các tổ chức dân sự kiểm soát”.

Tự bé đến lớn, Mr. Bim chưa một lần dám hồ nghi vào trình độ cũng như những phát biểu đầy cẩn ngôn, thận trọng của các cán bộ lãnh đạo. Nói kiểu như Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường là vô cùng chính xác, “Dân muốn làm gì thì phải được sự cho phép của pháp luật”.

Bộ dân muốn giám sát cái gì thì giám sát, kiểm tra cái gì thì kiểm tra à? Dân mà đụng đâu cũng đòi giám sát, đòi kiểm tra, nói theo cách của cô Ngọc Trinh thì, “Họ cạp đất mà ăn” à?.

3. Tờ VnExpress đưa tin, “Giám đốc sở xin nghỉ việc sau khi bị điều chuyển công tác”.

Theo đó, “Sau khi nhận quyết định điều chuyển công tác, bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã làm đơn xin nghỉ việc.

Trong đơn xin nghỉ việc, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường còn kiến nghị thanh tra bốn dự án mà lãnh đạo tỉnh cho rằng bà giải quyết chậm trễ. “Tôi luôn nghĩ đến lợi ích của dân, lợi ích của nhà nước, không dính dáng đến lợi ích nhóm. Cần làm sáng tỏ các vụ việc, tránh thất thoát tài sản nhà nước”, bà Công nói.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lý do mà Ban thường vụ Tỉnh ủy có quyết định điều chuyển công tác là bà Công “giải quyết công việc rất chậm, chưa làm thỏa mãn các nhà đầu tư”.

“Chị Công có phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức rộng nhưng hành động kém, sợ trách nhiệm, vai trò tham mưu chưa hiệu quả. Mặc dù chị ấy không bị kỷ luật gì nhưng tính hiệu quả không có, năng lực không phù hợp với vị trí này thì phải chuyển qua vị trí khác”, ông Lĩnh nhận xét.

Về bốn dự án mà bà Công kiến nghị thanh tra, ông Lĩnh cho biết đã giao cho UBND tỉnh xem xét để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. “Tuy nhiên, qua trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh thì được biết một dự án này được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ủng hộ, còn 3 vấn đề còn lại tỉnh vẫn đang trong quá trình xem xét”, ông Lĩnh nói”.

Bình luận về câu chuyện này, Mr. Bim xin được trích dẫn lại title một bài viết trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây, “Phải quyết tâm phòng, chống tham nhũng như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc”.

Đúng là chống tham nhũng bao giờ cũng gian nan, nhưng nếu ai cũng sợ gian nan thì làm sao có hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn được.

4. Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, “Hàng trăm công nhân bị chặn đường vì không chịu ở trọ”.

Theo đó, “Hàng trăm công nhân làm việc tại các nhà máy Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị một số người dân chặn đường đến công ty, theo tìm hiểu ban đầu là vì lý do… công nhân không chịu ở trọ.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân người dân địa phương chặn đường các xe chở công nhân là vì họ… không ở nhà trọ của người dân đã xây cạnh khu công nghiệp này.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Nghi Xá, Công an, CSGT huyện Nghi Lộc nhanh chóng có mặt để ổn định trật tự và đảm bảo an toàn giao thông. Đại diện ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng tới hiện trường để thuyết phục người dân cho các xe chở công nhân vào làm việc, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy.

Ông Hoàng Duy Dương, trưởng Công an xã Nghi Xá, cho biết trên địa bàn xã có hơn 1.000 nhà trọ tự phát của người dân xây quanh khu công nghiệp để công nhân thuê, giá dao động từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng, tùy diện tích sử dụng. Theo ông Dương, sự việc người dân chặn xe chở công nhân vào Khu công nghiệp Nam Cấm diễn ra từ ba ngày qua.

“Nguyên nhân bắt đầu từ việc một số hộ dân đầu tư xây nhà trọ cho công nhân, một số công ty, nhà máy có xe đưa đón công nhân nên công nhân ở trọ ít, dẫn đến việc phòng trọ trống nhiều. Hiện chúng tôi chưa thống kê chính xác được bao nhiêu phòng trọ đang bỏ không”, ông Dương nói”.

Khi Mr. Bim đọc được bản tin này, thú thật là Mr. Bim cũng không biết phải nói sao nữa. Chỉ biết vò đầu lẩm nhẩm, “Còn chuyện hoang đường nào mà không thể xảy ra ở thời điểm này nữa không?”. Thời đại thật đáng sống, thật thú vị đến tận cùng.

Tin khuyến mãi:

Tờ VietNamNet đưa tin, “Hy hữu: Rút đinh tay phải, bác sĩ mổ nhầm tay trái”, theo đó, “Một bác sỹ ở BV Đa khoa 115 Nghệ An mổ rút đinh tay phải cho một bệnh nhi, nhưng lại mổ nhầm sang tay trái”.

Bình luận của Mr. Bim: “Có những cá nhân mà chỉ cần ngồi yên thôi thì cũng đã là giúp ích cho xã hội lắm rồi”.

Mr Bim
.
.