Phụ nữ thiếu gì?

Đường Thu Hương: "Vì tôi cầu toàn nên tôi đa đoan"

Thứ Tư, 17/03/2010, 10:44
Cách đây vài năm, có một tờ báo gọi Đường Thu Hương là "cô gái nghìn đô" khi đánh giá cô là một trong những nữ doanh nhân thành đạt nhất trong địa hạt kinh tế liên doanh với nước ngoài ở Việt Nam. Ngày ấy, đó đã là một điều rất ghê gớm đối với dư luận xã hội về thành công của một người phụ nữ...

Trong một hội nghị thương mại quốc tế diễn ra gần đây, tôi đã tình cờ gặp lại cô trong vai trò Giám đốc điều hành và đối ngoại của Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam. Vẫn là sự tự tin, sắc sảo của một nữ doanh nhân thành đạt, vẫn vẻ đẹp kiêu sa, mặn nồng của một phụ nữ bước sang tuổi 30, vẫn vẻ quyến rũ tỏa ra từ cách cư xử tinh tế, dịu dàng được kế thừa từ một gia đình trí thức danh giá đất Sài thành, nhưng dường như đằng sau sự tròn vẹn và hoàn hảo bề ngoài này, tôi cảm nhận được một muộn phiền, dù là rất mỏng mảnh đọng lại trên gương mặt, giọng nói và cử chỉ của chị.

Với một phụ nữ tài sắc như Đường Thu Hương, thì điều chị mong muốn nhất chính là những trải nghiệm trong công việc, tình yêu và cuộc sống, dù không phải lúc nào cũng êm đẹp như là món quà của tạo hóa dành cho những người đàn bà đẹp.

PV: Người ta vẫn có quan niệm rằng áp lực công việc ở môi trường kinh doanh dễ khiến người phụ nữ mất đi ít nhiều nữ tính và thời gian chăm sóc hạnh phúc bản thân, chị nghĩ sao về điều này?

Đường Thu Hương (ĐTH): Trong cuộc sống hiện đại, sự bận bịu, áp lực công việc, gia đình chính là điều đáng nói đối với người phụ nữ, và càng áp lực hơn đối với những phụ nữ kiêm nhiều nghĩa vụ đối với gia đình, bạn bè và xã hội… Ở nước ngoài, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh stress, trầm cảm rất cao và tình trạng này cũng diễn ra không ít ở các nước châu Á. Nhưng cũng có những dấu hiệu đáng vui là không ít những phụ nữ thành công và bận bịu nhưng vẫn biết cân bằng tâm lý cho chính mình và dành thời gian chăm sóc hạnh phúc bản thân. Theo tôi, ý nghĩa tốt đẹp nhất ở hai chữ "con người" chính là sự cố gắng hoàn thiện về mọi mặt, sẽ có lúc vất vả, mệt nhọc, nhưng cũng sẽ có lúc ngọt ngào, hạnh phúc. Điều quan trọng nhất không phải là ngồi lo lắng suy tính, mà phải tự tạo cho mình sự thoải mái trong mệt nhọc, sự lạc quan trong vất vả dù rất nhỏ… và quan trọng nhất là luôn yêu quý và phải biết tiếc chính mình…

PV: Chị có cho rằng việc hưởng thụ hạnh phúc trong cuộc sống sẽ phải nhường chỗ ít nhiều cho mục đích thành công trong sự nghiệp?

ĐTH: Tôi nghĩ việc gì cũng có cái giá của nó. Chắc chắn sẽ khó vẹn toàn nhiều thứ cùng một lúc. Tôi biết có nhiều người tìm hạnh phúc trong thành công nhưng cũng không ít người thành công lại thấy bất hạnh. Riêng tôi, thành công đồng nghĩa với hưởng thụ hạnh phúc. Không nhất thiết cái này phải nhường chỗ cho cái kia, mà mình phải biết khi nào sự hưởng thụ hay thành công được ưu tiên.

PV: Có một câu nói rằng, với đàn ông thì sự nghiệp và tình yêu là hai con đường riêng rẽ, còn với phụ nữ thì tình yêu chính là sự nghiệp của họ? Chị nghĩ như thế nào về quan điểm này?

ĐTH: Có lẽ phụ nữ thiên về tình cảm, còn đàn ông lại thiên về lý trí. Hai khách thể riêng rẽ thì không thể nào hoàn hảo, do đó phải có sự kết hợp cả tình cảm và lý trí, sự nghiệp và tình yêu, cũng như đàn ông và đàn bà.  

PV: Nếu có một ngày do mình chọn, một ngày trong mơ đó của chị sẽ có bao nhiêu giờ? Và có bao nhiêu giờ trong đó chị sẽ dành cho riêng mình?

ĐTH: Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn.

Có người hỏi tôi: "Nếu chỉ có 4 giờ trong một ngày thì Hương ước gì?".

Tôi trả lời: "Ước ao luôn được vui vẻ, suy tư trong giờ mùa xuân, giờ mùa hạ, giờ mùa thu, và giờ mùa đông".

"Ba giờ thì sao?".

"Hạnh phúc, nổi loạn trong giờ của hôm qua, giờ của hôm nay và giờ của ngày mai".

Hai giờ? "Yêu thương giận hờn giờ buổi sáng và giờ buổi tối".

Một giờ? "Từng giờ sống có ý nghĩa!".

Và cho dù một ngày có 4 mùa hay là quá khứ, hiện tại, tương lai; bình minh hay hoàng hôn, thì từng thời khắc đó đều là của mình, của gia đình mình, của bạn bè mình, của những yêu thương mình… Tất cả đều có chữ "mình" đấy chứ, có tách riêng được đâu…

PV: Chị nghĩ như thế nào về áp lực thành công trong sự nghiệp và gìn giữ hạnh phúc gia đình của người phụ nữ Việt Nam hiện nay?

ĐTH: Người phụ nữ ôm đồm nhiều thứ thì gọi là "đa đoan". Nhiều lúc nghĩ lại tôi cũng thấy mình là người đa đoan. Có người nói với tôi là nếu Hương bớt đa đoan một chút chắc có lẽ sẽ sướng hơn nhiều. Nhưng khổ nỗi vì cầu toàn nên đa đoan. Phụ nữ Việt Nam ngày nay vừa muốn có sự nghiệp riêng nhưng bản chất thuần túy nên cũng lại muốn chu toàn hạnh phúc gia đình. Chẳng có gì sai và cũng không phải là điều không thể. Do đó nếu chọn lựa đa đoan mà mình thấy vui và không phải cố quá sức mình để trở thành áp lực thì cũng đâu có gì là không tốt. Tuy nhiên, tôi cũng có cảm nhận rằng tư tưởng Nho giáo cho rằng phụ nữ phải đứng sau nam giới và không thể vượt nam giới trong vai trò là người trụ cột về tài chính trong gia đình đã gây không ít khó khăn cho người phụ nữ Việt Nam trên con đường lập nghiệp.

PV: Nếu phải hy sinh một phần thành công sự nghiệp vì hạnh phúc riêng tư, liệu chị có chấp nhận thỏa hiệp?

ĐTH: Chưa một nhà hiền triết siêu phàm hay một khoa học gia uyên bác nào có thể cho chúng ta biết chuẩn mực đo lường của thành công và hạnh phúc là thế nào. Do đó, đơn vị "một phần" có thể quá nhỏ hoặc cũng quá lớn. Vì vậy, câu trả lời sẽ là không thỏa hiệp mà phải cố gắng, cố gắng để có cả sự nghiệp và hạnh phúc ở mức chính mình hài lòng - chẳng dễ chút nào, nhưng nếu tất cả mọi thứ đều đạt được một cách dễ dàng thì có lẽ cuộc sống sẽ không còn thú vị nữa, phải không bạn!

PV: Xin cảm ơn chị

PV
.
.