Đời buồn…nghiệp diễn

Thứ Hai, 28/02/2011, 16:01
Ngày mới chập chững lên Sài Gòn, mướn nhà trọ học, tôi vẫn có thói quen chạy lăng quăng vào sâu những con đường nhỏ ở các quận ngoại thành của TP HCM để nhìn cảnh hắt hiu phố thị. Tự nhiên thích, thế thôi.

Ở ngay khu đất trống cạnh Đại lộ Nguyễn Văn Linh bây giờ, cứ đúng dịp cuối tuần là lại nghe tiếng kèn la trống phách. Người đàn ông trung niên dựng chiếc xe wave đỏ cũ mèm sang một bên, bật cái máy cát-sét cũ rích và thay trang phục biểu diễn. Trang phục đồng màu đỏ, quần võ áo ngắn tay, thắt thêm dây thắt lưng màu vàng…

Cậu nhóc đi cùng người đàn ông này sẽ chạy lăng xăng vòng quanh đám đông hiếu kỳ đang nháo nhào chen chân vào coi người đàn ông biểu diễn để mời mua cao dán, thuốc nhức răng, thuốc trị hói. Giữa sân, là con khỉ nhỏ bị cột chặt vào chiếc rương thông qua chiếc dây xích, sáng loáng. Họ là những người Sơn Đông mãi võ tại Sài Gòn cách đây hơn một thập kỷ… Giờ, mọi chuyện đã khác.

1. Giữa trưa, Phú Thảo gọi tôi chạy sang 81 Trần Quốc Thảo ngồi chơi. Tình thực là hễ mỗi lần nghe đến cái địa chỉ ấy thì mình hãi lắm, quán của dân nghệ sĩ tại Sài Gòn, ai cũng uống nhiều, nói cũng nhiều nên không hợp "tông" với mình lắm. Nhưng nghĩ Phú Thảo chạy xa lắc từ Long An lên, gọi mà không qua thì cũng kỳ. Chặc lưỡi, đành thôi.

Người ta quen gọi Phú Thảo là nghệ sĩ Phú Thảo, cái tên của anh đã được bảo chứng từ năng khiếu đặc biệt của mình. Phú Thảo là mẫu nghệ sĩ lang bạt giang hồ đúng nghĩa cơm hàng cháo chợ mà tôi biết.

Cái hồi xa tít Phú Thảo bỏ học nửa chừng, nói theo kiểu của anh thì chữ nghĩa nó không chọn mình để kết bạn. Hết cách, gia đình gửi cho anh theo học đủ nghề, Phú Thảo cũng xắn tay áo lao vào học, học rồi nghỉ, rồi lại học. Cái chuỗi luẩn quẩn ấy cứ kéo dài cho đến khi bố anh, nhà văn Mặc Tuyền cáu. Ông cáu đến mức bắt Phú Thảo vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bái sư một người bạn của ông để theo học nghề cắt bóng.

Thời chưa có máy ảnh kỹ thuật số, theo nghề cắt bóng cũng dễ sống. Chỉ cần một ít giấy màu, thêm cái kéo, mắt quan sát tốt, tư duy nhanh và đôi tay khéo léo là sống tàm tạm. Học nghề với thầy được ít lâu, hai thầy trò dắt nhau rong ruổi xuôi ngược từ Đông Nam Bộ về Tây Nam Bộ kiếm đường mưu sinh.

Hễ chỗ nào có mùi nhang khói đình chùa, cúng bái làng xã, hội hè chợ búa… là nơi đó có mặt hai thầy trò của Phú Thảo. Hôm nào kiếm được nhiều tiền, thì ăn cơm có thêm rượu. Ít tiền thì ăn cháo, uống nước không. Họa hoằn nữa thì… ai cũng có thể nghĩ ra được.

Theo thầy giang hồ mãi chơi được một thời gian thì Phú Thảo đâm ra… nghiện đi. Giã biệt thầy xong là Thảo đi. Đi biền biệt, đi như mây như gió, đi là vắng bặt vài năm mới mò về nhà. Mỗi lần mò về là mỗi lần mẹ anh khóc như người vừa nhặt được báu vật của đời mình mà nhỡ tay đánh rơi đâu đó. Bà làm mọi cách để giữ con trai, từ khóa cửa canh cổng, cho đến ép anh học cái này cái kia…

Mặc, anh vẫn cứ đi. Bói đâu ra một cái điện thoại di động ở thời điểm ấy, nên người đi cứ vui, người ở nhà cứ khóc. Cơm đường cháo chợ thì thoát thế nào cảnh "những tưởng đầu đường thương xó chợ, nào ngờ xó chợ cũng chơi nhau", Phú Thảo cũng đụng độ ít nhiều. Nhẹ nhẹ thì thoát thân, nặng nặng thì có người bất tỉnh…

Đa phần trong những trận huơ chân múa tay ấy, Thảo luôn là người chiến thắng. Anh khoe với tôi là anh có một ít công phu. Tôi nghe chỉ cười cười, tướng Phú Thảo hầm hố, râu ria như người đứng trước cổng đình thế kia, thì chắc đấm bên Tây, đá bên Đông cũng thắng được vài người, cần gì võ với thuật.

Như một quy luật không cần phải thăm dò khảo sát, kẻ đi nhiều mà nếu là giống đực thực thụ thì tình ái bên đường một đêm rồi quên là chuyện ai cũng có. Đố ai dám nói, ta đi ta cứ đi không cần ai réo gọi(!). Phú Thảo cũng chẳng nằm ngoài cái quy luật nghiệt ngã đối với… những người đã có gia đình ấy.Thảo đi biền biệt như thế, tính theo anh thì đã quá nửa đời người. Một đôi tay cũ, hai bàn chân mỏi…

Sang "xiếc".

Hơn hai mươi năm lang bạt cho anh nhiều gió bụi hè phố hơn là vật chất. Đời sống của mỗi cá nhân mà, biết thế nào là được, biết thế nào là mất. Thảo nói với tôi chắc là anh nhiễm tính bố, nên cái máu nghệ sĩ chạy rần rần trong người nên đi riết quen chân. Ở cái tuổi 40 có chẵn, của cải anh để lại cho thiên hạ biết là cái bằng Kỷ lục Việt Nam dành cho người bịt mắt cắt bóng và xé bóng bằng tay nhanh nhất. Tôi biết Thảo chẳng mê gì cái bằng cấp được đóng mộc đỏ chói ấy, nhưng anh vui vì tài năng của mình đã được công nhận.

Đập chân cho bay bớt bụi đường, Thảo trở về làm… Giám đốc công ty truyền thông kiêm luôn chuyện sản xuất phim tài liệu, phim quảng cáo… Tiền mở công ty là do bố anh bỏ ra, ông cũng kiêm luôn cả khâu làm người "thuyết khách" tìm hợp đồng cho công ty. Phú Thảo điều hành, kiếm thêm một ít bạn bè, tay nhiều sẽ vỗ kêu to hơn. Thi thoảng, Phú Thảo vẫn nhét một ít đồ vào balô, lang thang đây đó cho đỡ nhớ cảm giác rong ruổi. Mà dạo này, hình như Phú Thảo cũng đi gần thôi, cắm đầu từ Long An chạy ngược lên Sài Gòn, rồi khom lưng chạy một mạch từ Sài Gòn về dưới đó…

Phú Thảo bỏ giang hồ biến ngay thành giám đốc, còn những người bạn khác của tôi, nếu bỏ giang hồ thì biết đi về đâu(?!).--PageBreak--

Nghệ sĩ tạp kỹ nổi tiếng Mạc Can.

2. Kim Tuấn là một người đặc biệt, anh có những kỹ năng vượt xa khả năng mường tượng của mọi người. Kim Tuấn lấy nghề diễn làm kế mưu sinh, anh cũng rong ruổi nhiều nơi, lúc thì thượng đài khi biểu biễn…  Đi mãi từ ngày trai trẻ sung mãn đến lúc tóc phơ phất trên đầu, cái anh có được vẫn là đôi bàn tay trắng. Cái nghèo cứ bám rịt lấy anh như một định mệnh.

Tôi gặp Kim Tuấn lần đầu ở quán cà phê Cowboy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM. Khi ấy, anh biểu diễn cho tôi coi tiết mục đóng đinh vào gỗ bằng tay và đầu. Đinh là cây xú-báp xe máy được gọt nhọn một đầu, Kim Tuấn dùng nội công đánh mạnh cây đinh ấy vào cái kệ làm bằng gỗ thông, loại kệ dùng để đựng giầy. Khách ngồi cà phê lẫn chủ quán hôm ấy cứ tròn xoe mắt trước màn biểu diễn của Tuấn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Kim Tuấn chỉ có vậy, không nhạt nhòa cũng không sâu đậm.

Chơi với nhau thêm ít lâu, tôi ngạc nhiên hơn trước những khả năng kỳ lạ của Kim Tuấn. Anh có thể dùng hai ngón tay chẻ đôi trái cau tươi, dùng một ngón tay đẩy xe hơi bảy chỗ đi một đoạn đường dài, hoặc dùng chân đá vỡ trái dừa tươi, dùng răng lột dừa, dùng sắt xây dựng đâm vào yết hầu khi đang hát qua mic-rô…

Thậm chí, cánh tay anh rắn đến mức độ, khi anh gồng nội công, người ta không thể dùng kìm để kẹp phần thịt dưới khuỷu tay, nó rắn như thép nguội. Nghĩa là tất tần tận những gì liên quan đến công phu, mà anh gọi là thiết nội công đều biểu diễn rất đạt. Điều đặc biệt là ở chỗ, anh diễn thật. Diễn không cần đồ nghề chuẩn bị, không kỹ xảo ánh sáng, không tiếng kèn trống nhằm phân hóa người xem… Càng chơi thân, càng biết anh nghèo hắt hiu.

Đâu chừng hơn 30 năm về trước, Kim Tuấn mang một thân võ công trong người lang bạt các tỉnh miền Tây để thượng đài. Võ đài ngày ấy được dựng trên những bãi đất trống, người ta mở võ đài vào những dịp cuối tuần hay lúc mùa màng đã xong lễ hội sắp bắt đầu. Tuấn không có đối thủ ở những trận thượng đài như vậy.

Giang hồ gọi Kim Tuấn là "con quỷ đầu vàng" hoặc "con gà khét miền Tây", những năm xuôi ngược, căn bệnh sốt rét đã khiến tóc anh trở nên vàng cháy và rụng dần. Ở mỗi trận thắng khi thượng đài, Kim Tuấn được hưởng 20 đồng thời ấy. Người thua được phân nửa giá tiền. Thượng đài cũng ký giấy tử, nghĩa là đối thủ không chịu trách nhiệm nếu như võ sĩ kia lăn đùng ra chết.

Tuyệt chiêu của Tuấn là những đòn gối và chỏ, 2 kỹ thuật quan trọng nhất khi thượng đài trong đấu võ tự do, dùng để nhập nội hạ gục đối phương. Kim Tuấn có nói với tôi anh là con trai một, gia đình cưng như trứng mỏng, nên anh thượng đài không phải vì tiền. Anh thượng đài chỉ để thỏa mãn sở thích của mình.

Cái sở thích ấy theo anh dằng dặc vài chục năm liền, để gần cuối đời nhìn lại, anh chẳng có gì ngoài cô con gái với người vợ trước đang ở quê, một căn nhà trọ, chiếc xe máy Bonus sắp thành đồ phế liệu, cái Iphone "dỏm" giá hơn 1,5 triệu và tấm bằng kỷ lục Việt Nam dành cho người dùng răng lột dừa với thời gian nhanh nhất. Kim Tuấn theo nghiệp diễn, nên những mối tình thoắt hiển hiện thoắt biến mất đến với anh cũng nhiều, như chỉ vậy rồi thôi. Mấy ai ở với nhau được khi hôm nay cười cười nói nói, ngày mai phải câm lặng trước cơm áo gạo tiền.

Kim Tuấn quý tôi lắm, anh cứ gọi suốt. Lúc là khoe sắp thực hiện thêm tiết mục này, khi là rủ ra quán bia để… ăn mồi uống nước ngọt. Thi thoảng, Kim Tuấn cũng có cát-sê, cát-sê ít thôi đủ để bớt khốn khó vài ngày. Mùa này là mùa kiếm tiền của Tuấn, vài tuần trước, anh thông báo là nhận được nhiều show trong dịp Tết Tân Mão 2011.

Nghe thì mừng cho anh, bởi tôi biết diễn show theo kiểu mãi võ này hên xui lắm. Có khi, bầu show gọi điện thoại thông báo một đêm diễn giá cát-sê 1 triệu đồng, nhưng sáng mai đưa 500 nghìn kèm theo câu năn nỉ. "Anh cầm đỡ, đêm qua ế quá", là chuyện rất đỗi bình thường.

Tuấn nuôi nghiệp diễn của mình bằng nhiều hy vọng. Như anh đang tập môn khí công mà anh được một sư phụ ở miền Tây truyền dạy để có thể đi trên mặt nước, hoặc ngưng khí để có thể đu trên hai sợi chỉ cột ngang bóng đèn dài 1,2m. Anh tin là sau khi anh luyện thành công hai kỹ năng đó, anh sẽ kiếm được nhiều tiên hơn, bằng cách xin phép quây một đoạn sông Sài Gòn lại để bán vé cho những người hiếu kỳ muốn vào xem anh biểu diễn. Còn đu trên bóng đèn, anh sẽ biểu diễn trong sân vận động nào đó. Đương nhiên, tất cả đang ở thì tương lai.

Nguyễn Văn Diệu.

Mà đã là tương lai, thì vẫn là điều ẩn chứa nhiều hứa hẹn. Có thể thành sự thật, có thể không. Dẫu sao đi chăng nữa, vẫn biết là ở thời điểm này, Kim Tuấn vẫn gọi cho tôi lúc khuya chỉ để "Mai em rảnh chở anh lên Quân khu Bảy tham dự Hội thảo về khả năng của con người với. Xe anh hư rồi".

Kim Tuấn có nụ cười hiền khô, hiền đến mức kỳ lạ… Có khi anh hiền quá nên khổ chăng(!?). Của gia bảo Kim Tuấn đang sở hữu giờ là mảnh giấy giải nghĩa số điện thoại di động, cách tính lằng nhằng theo công thức nhất định sẽ cho thấy chủ nhân của số điện thoại kia sẽ gặp điều may mắn hay xui rủi.

Tuấn ngồi gạch gạch chép chép, xóa xóa bôi bôi một lát rồi đưa cho tôi kết quả hai số điện thoại tôi đang sử dụng, toàn là số xấu. Tôi cười, tỏ vẻ không tin. Kim Tuấn gạt ngang: "Em phải tin, phải tin. Đúng lắm à em. Anh mới tìm được một số phúc chủ, đời anh sắp khá rồi". Tôi cũng mong điều đó, anh Kim Tuấn ạ! Tích tắc mấy năm nữa là cuối đời rồi, anh có còn lại được gì cho mình đâu(?!).--PageBreak--

3. Tôi ngồi với Sang "xiếc" vào một chiều của những ngày Sài Gòn mưa gió dầm dề, không khí ảo não từ khu lao động nghèo bên cây Cầu Đá (quận 7) cứ xộc thẳng vào ý nghĩ. Mưa lất phất bay ngoài quán nhỏ, trong này Sang cứ nói mãi về sự ảo diệu của nghề diễn.

Anh bảo, anh diễn theo kiểu cinema, tức là diễn phải lấy yếu tố hành động rùng rợn, câu khách giật gân làm điều kiện hàng đầu. Phải làm sao khi xuất hiện trên sân khấu, khán giả thấy mình đẹp lộng lẫy, khi mình biểu diễn họ phải lóa mắt vì kinh ngạc, phải rúm ró người vì không nghĩ mình có thể làm được như vậy.

Tôi nghe anh kể, lặng thinh. Có chuyện mình chưa biết, có chuyện mình hiểu rõ. Có chuyện mình biết là chính xác, có chuyện không…. Nhưng có sao đâu chứ, bởi đôi lúc, lời nói an ủi phận người. Vậy thì việc gì phải so đọ cho nhau thêm buồn.

Sang ở một mình trong căn nhà trọ nhỏ, khuất sâu mãi trong con hẻm ngoằn ngoèo, đường vào đá xanh lởm chởm, đất bùn đặc quánh. Anh ở chung với vài con rắn lục, một mớ quần áo biểu diễn màu sắc sặc sỡ, thêm đồ nghề cho các buổi diễn. Sở trường của Sang là cho rắn bò qua đường mũi, xong để rắn thò đầu ra khỏi miệng. Ngậm chặt đầu rắn, Sang sẽ quay tròn đầu buộc rắn phải quay theo.

Một trò biểu diễn có vẻ rất bá đạo. Thêm nữa, Sang có thể dùng móc thép, móc vào mắt để nâng hai quả tạ sắt, nặng đâu chừng hơn chục cân. Sang cũng có thể nuốt kiếm, dùng đuôi kiếm giữ thăng bằng với vật nặng trên mũi kiếm… Tất cả những trò xiếc hè phố Sang đều có thể thực hiện được.

Không có thầy dạy, Sang chủ yếu học từ cách nhìn người khác biểu diễn và thông qua các đĩa CD biểu diễn của các võ sư Trung Quốc bán đầy ở chợ đĩa Huỳnh Thúc Kháng. Dĩ nhiên, khi tự học cũng có nhiều cái khó, như nuốt kiếm thì sẽ ói đến rạc người. Dùng mắt nâng tạ sẽ buốt mắt đến mở không ra được, để rắn bò qua đường hô hấp sẽ đau đến đổ máu… Nhưng, đã chọn lấy cái nghề mê tiếng vỗ tay, tiếng suýt xoa của đám đông thì đâu còn cách hành xác nào tốt hơn.

Cát-sê cho mỗi lần diễn của Sang thấp lắm, chừng hơn 200 nghìn/show. Mà đâu phải khi nào cũng có người gọi đi diễn. Anh hay nói với tôi về những "yếu nhân trên sàn diễn" mà anh quen, hoặc là em anh, hoặc là bạn thân, nói để câu chuyện bớt trở nên nhàm chán hơn là để khoe khoang.

Sang cho đôi mắt dìu dịu, tôi nhớ là màu nâu nhạt. Ít khi trong đôi mắt đó ánh lên một ánh nhìn lóe sáng. Anh hay vận cái áo thun trắng cũ dài tay, có in những dòng chữ nổi đủ thứ tiếng, cái quần jeans xanh nước biển bạc thếch, chân mang đôi xăng-đan…

Sang bảo là anh kén gặp báo chí lắm, nhiều người đòi phỏng vấn mà anh cứ từ chối hoài cho đến khi gặp tôi, anh thấy nói chuyện hợp nên anh thích. Suốt buổi trò chuyện hầu như tôi chẳng nói gì, đa phần là anh nói. Mãi cho đến khi chia tay, tối về đến nhà, anh vẫn gọi điện thoại ầu ơ ví dầu những câu chuyện buồn rười rượi.

Cuộc sống khốn khó và đôi khi người ta buộc phải bấu víu vào những điều huyễn hoặc xung quanh mình. Lớp người như Sang, sống chết với nghiệp diễn ở Sài Gòn cũng chẳng còn mấy ai. Nhiều người cứ ảo tưởng rằng, cứ bước ra đường là gặp được người như Sang, nhưng nếu nghĩ vậy là lầm.

Bởi ít ra đường, nên người ta đoán rất hồ đồ. Mấy nhóc thổi lửa, nuốt lửa ở quán bia vỉa hè không thể gọi là mãi võ, không thể xếp chung vào lớp người chấp nhận khốn khó bởi mê tiếng vỗ tay. Mà chắc là mươi năm nữa, sẽ chẳng ai còn theo cái nghề thừa thãi lời nói, khó khăn về kinh tế như kiểu nuốt rắn, nuốt kiếm, hay dùng mắt nâng tạ sắt nữa đâu, anh Sang nhỉ(?!).--PageBreak--

4. Diệu, tên thật là Nguyễn Văn Diệu. Diệu ở trong cùng xóm lao động với Sang. Nhưng đường vào nhà anh quang đãng hơn, chỗ trọ cũng có vẻ sạch sẽ hơn. Kim Tuấn nói với tôi hơn một lần là "Thằng Diệu số nó sướng". Không biết sướng theo nghĩa của anh Kim Tuấn ra sao, chứ theo quan sát của tôi, Diệu vẫn không thoát khỏi lời nguyền "đời nghèo nghiệp diễn".

Trong giới quái khách ở Sài Gòn mà tôi biết, hình như Diệu là người ít gọi điện thoại cho tôi nhất. Có lẽ, anh quẳng đâu mất số điện thoại của tôi rồi cũng nên. Diệu tướng người nhỏ thó, tóc cột dài, mặc bộ đồ diễn là cái áo khoác đuôi tôm trắng, áo sơ mi trong màu cam…  Diệu lên Sài Gòn đã vài năm, mang cả vợ con lên ở cùng. Vợ Diệu bị nhiều bệnh cùng lúc, chị ở nhà may gia công lặt vặt kiếm thêm ít tiền, tất cả thu nhập của gia đình trông chờ vào… đôi mắt của Diệu.

Diệu có khả năng đặc biệt là mắt có thể thổi khí. Luồng khí từ mắt Diệu mạnh đến mức anh có thể thổi sáo, thổi bong bóng hoặc phun sữa xa vài mét nếu anh ngậm sữa sẵn vào miệng. Diệu nhận được khá nhiều show, anh có cả show diễn định kỳ ở Công viên văn hóa Đầm Sen. Bởi nhiều người thích thú khi xem đôi mắt kỳ lạ ấy.

Diệu kể là hồi khoảng 9 hay 10 tuổi gì đó, Diệu đã biết khả năng kỳ lạ của mình. Nhưng biết đó rồi thôi, anh không nghĩ đến chuyện gì khác. Anh vẫn thích được sáng ra đồng, chiều về ngắm khói bếp bay, tối đi lang thang trong ngõ huýt gió trêu ghẹo cô gái quê xinh tươi nào đó. Vậy thôi…, nhưng, đã là nghiệp thì biết tránh thế nào.

Trong một lần huýt gió ghẹo gái ấy, Diệu gặp cô gái mà giờ là vợ anh. Hai vợ chồng quê lấy nhau, dựng nhà ra riêng. Gia đình anh chị thương em, gom góp cho vợ chồng Diệu một ít làm vốn để nuôi vịt chạy đồng. Đó là tất cả gia sản của Diệu. Vậy mà, khi vịt đang băng băng trên cánh đồng cụt gốc rạ, vịt xõa lông chuẩn bị cho trứng và thịt thì cả đàn lăn quay ra… chết. Diệu không phải là "nạn nhân" duy nhất của đại dịch cúm gia cầm H5N1.

Cụt vốn cùng đường, Diệu chán nản không thiết tha chuyện gì khác. Suốt ngày, anh chỉ biết nằm trên võng hết trách trời đến giận đất, chán chuyện trời đất anh giận lây qua con người… Giận mãi cho đến khi, anh phát hiện khả năng của mình cũng chẳng khác gì những người được Đài truyền hình Việt Nam VTV phát trong tiết mục Chuyện lạ Việt Nam.

Để thoát khỏi bi kịch, Diệu chỉ còn mỗi con đường ấy. Chứ thật ra, anh cũng sẽ chẳng biết làm gì ngoài chuyện tiếc thương đàn vịt hồi môn kia. Thông qua sự trợ giúp của địa phương và khả năng đặc biệt của mình, Diệu được lên sóng truyền hình. Ngay lập tức, anh tạo nên cơn sốt trong giới biểu diễn tạp kỹ. Cái tên Nguyễn Văn Diệu được ưu tiên hàng đầu trong lịch mời diễn của các bầu show ở những trung tâm văn hóa… Diễn ở Sài Gòn nhiều lần, Diệu quyết định cắc ca cắc củm thu xếp đưa vợ con lên Sài Gòn ở trọ để mưu sinh.

Diệu có biệt tài khác lạ, nên khi khán giả chán những món công phu tuyệt kỹ, thì Diệu sẽ là khẩu vị thay đổi được tung hô. Cuộc sống của Diệu so với những quái nhân khác, có vẻ dễ thở hơn. Chắc là do cuộc sống dễ thở hơn mà trong câu chuyện với tôi, anh thường chỉ cất lời khi cần thiết(?!).

5. Tôi nhìn vào màn hình tivi hàng giờ liền, để xem đi xem lại tiết mục biểu diễn của một nhà văn lớn tuổi từng được coi là hiện tượng của văn đàn Việt Nam, đang diễn ảo thuật hài cho một trung tâm ban nhạc tư ở hải ngoại. Tiết mục biểu diễn không có gì đặc sắc, ông cũng chẳng khác lạ so với khi còn ngồi với tôi tại Hội nhà văn TP HCM. Có khi, là già hơn, yếu hơn. Ông là Mạc Can.

Mạc Can có thể là nghệ sĩ tạp kỹ nổi tiếng nhất trong giới biểu diễn ở Sài Gòn. Ông nổi tiếng đến mức người ta cứ nghĩ ông là nhà văn, là diễn viên truyền hình chứ họ quên bẵng thời ông đạp xe đạp, đi diễn ảo thuật ở chợ, ở trường học. Hay thời ông theo cha bán những viên thuốc chữa đau răng được pha chế bằng cơm nguội tẩm mật ong, là ông kể với tôi như vậy.

Tôi thích ngồi với Mạc Can để nghe những câu chuyện về ngày xưa hơn là những tác phẩm đình đám. Không hiểu là vì lý do gì, bởi tôi vẫn tin rằng, một con người chân chính không bao giờ tư duy lại quá khứ của mình.

Bẵng đi ít lâu, nghe anh em nghệ sĩ đồn rằng Mạc Can đã sang nước ngoài định cư. Có người nói ông ở Nhật, có người xác tín ông đang ở Mỹ… Gọi điện thoại cho ông theo số cũ, cái điện thoại ông vẫn luôn đeo toòng teng trước ngực không thấy có người nhấc máy. Chắc là, Mạc Can đã đi ra nước ngoài thiệt.

Rồi thi thoảng, thấy ông xuất hiện diễn cùng nhân vật được mệnh danh là "Đệ nhất MC Việt Thảo". Tôi không thích tay MC này, tôi chỉ xem người quen của mình biểu diễn. Và nhiều lần như một, cứ xem Mạc Can biểu diễn là tôi lại nhớ về một Mạc Can lang thang trên đường phố Sài Gòn với cái xe máy cũ mèm cùng câu chuyện về cái laptop và máy in hỏng.

Và khi mình vẫn đang hồi tưởng về những tháng ngày ấy, trên màn hình tivi, Mạc Can vẫn đang chạy qua chạy lại sân khấu với cái trứng gà giả trong màn ảo thuật chủ yếu mang lại tiếng cười.

Có ai đồn rằng Mạc Can đang ở Việt Nam nhưng không thích gặp bạn bè, tôi không biết tin này có đúng không? Chỉ biết, tôi đã gọi hàng chục cuộc điện thoại cho những văn nghệ sĩ thuộc hạng "cái gì cũng biết" ở Sài Gòn, nhưng tiếc là không nhận được câu trả lời chính xác. Chẳng ai biết Mạc Can đang ở đâu, chỉ biết ông đang xuất hiện trong chương trình được thu hình trực tiếp của Trung tâm Vân Sơn.

Rời khỏi Sài Gòn, ông lại trở về cái nghiệp mãi võ mà tôi tưởng rằng ông đã quên từ thời xa lơ xa lắc

Ngô Kinh Luân
.
.