Mong ước năm mới

Định hướng bằng sự chuyên nghiệp

Thứ Tư, 02/01/2019, 10:53
Mùa Giáng sinh 2018 này, tụi trẻ con nhà tôi đặc biệt thích bộ phim Christmas Chronicles và chúng cứ bắt tôi mở cho xem đi xem lại trên Netflix.

Rủ rỉ rù rì mà hết tháng hết năm, một năm với nhiều khó khăn thách thức mà cũng đầy hy vọng đã trôi qua. Năm 2018, theo quan sát của chúng tôi, là một năm hết sức quan trọng của quốc gia. Khi mà những kỷ cương tưởng chừng quên lãng đã được siết chặt lại, khi mà tinh thần chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư nhất quán hành động như lời nói, khi mà những cán bộ lãnh đạo suy thoái đã phải trả giá cho những sai phạm của mình…

Tất cả là tiền đề để quốc gia đón thêm sinh khí vào năm mới. Cuối năm không nhắc chuyện buồn, trong chuyên đề này chúng tôi chọn những câu chuyện liên quan sát sườn với cuộc sống nhân dân để lạm bàn và mong ước.


Bộ phim kể về một cô bé luôn tin rằng có ông già Noel tồn tại và hành trình của cô cùng anh trai mình, cậu bé sắp bước vào ngưỡng hư hỏng sau cú sốc về cái chết của người cha, và dĩ nhiên là ông già Noel trong một đêm Giáng sinh diệu kỳ. Để rồi ở sau hành trình ấy, niềm tin thần thoại được khẳng định, người anh trai trở nên chín chắn và tử tế trong niềm hạnh phúc của người mẹ.

Cô con gái nhỏ của tôi, mới năm tuổi hơn, cứ luôn hỏi tôi rằng “ông già Noel có thật hay không?” và cũng như mẹ nó, tôi luôn trả lời “Có thật”. Đó không phải là đánh lừa con trẻ mà đó là việc giữ cho chúng một niềm tin trong sáng, thơ ngây. 

Vợ chồng tôi sợ rằng khi còn nhỏ quá mà con trẻ mất đi niềm tin thơ ngây và trong sáng ấy, nó có thể sẽ bắt đầu hoài nghi tất cả, một cách hoài nghi tiêu cực.

Và cô con gái nhỏ đã làm cái việc đầu tiên trong đời mình: viết thư cho ông già Noel, để vào bít tất. Mọi năm nó không thể viết, vì nó không biết chữ. 

Minh họa: Hùng Dingo.

Còn năm nay, nó đã có thể nguệch ngoạc viết một bức thư ngắn cho ông già Noel mà nó tin có thật, để xin một món quà nhỏ bé, một điều ước nhỏ bé. Đọc lá thư của con, tôi chợt nghĩ đến một điều ước của mình, một điều ước không cho riêng mình nếu như điều đó linh nghiệm.

Tôi sẽ ước gì đây, khi điều ước ấy mình không phải là người thụ hưởng duy nhất? Và quay trở lại với suy nghĩ về niềm tin thơ ngây trong trẻo kia, tôi buộc phải thở dài để ước một điều mà tôi tin sẽ rất nhiều người cũng như tôi muốn ước.

Nếu quay lại nhìn cả năm 2018 đi qua, chắc chắn rất nhiều người trong chúng ta sẽ tiếp tục nhận thấy giáo dục vẫn là một câu chuyện buồn rất dài chưa thể có hồi kết. Chúng ta mất hoàn toàn phương hướng khi cuộc tranh luận dữ dội về sách giáo khoa nổ ra. 

Những văn bản về sách giáo khoa được tung lên mạng xã hội khiến ai cũng hoảng hốt, lo sợ rằng con mình sẽ phải học một thứ tư liệu vớ vẩn như thế. Nhưng thực tế, có phải đó là những trang sách mà trẻ con sẽ được học hay không?

Thực chất là không bởi hai đứa con lớn của tôi, cháu tôi đang học ở đúng cấp ấy, lớp ấy và không hề có dấu vết nào của một thứ sách giáo khoa gây hoang mang như thế trong cặp của con, của cháu cả. Chị của tôi cũng là giáo viên tiểu học, và cũng khẳng định chẳng có thứ tư liệu nào như thế đang bị bắt buộc phải giảng dạy trên học đường. Nhưng có phải ai cũng như tôi, tức là có điểm tựa để kiểm chứng đâu.

Người ta hoang mang vì không có một tiếng nói kịp thời nào từ Bộ Giáo dục, khẳng định sự thật và trấn an dư luận cả. Dường như, những quan chức ở Bộ ấy đang bận rộn rất nhiều vì hàng ngàn việc khác thì phải?

Rồi sau sách giáo khoa là những cái tát mà cô giáo bắt học sinh phải tát vào mặt bạn mình. Bạo lực học đường là thứ chúng ta đã nói tới hàng chục năm nay. Từ thời tôi còn đi học phổ thông, chúng tôi đã rùng mình khi nghe chuyện một anh (lớn tuổi hơn lứa bọn tôi) học cấp III một trường ở trung tâm Hà Nội bị đánh chết ngay trước cổng trường, bằng đòn gánh.

Rồi chúng tôi vào cấp III, chứng kiến cảnh băng nhóm trong chính trường mình học dùng dao, lưỡi lê để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Mà trường tôi học thuộc diện trường điểm của TP Hà Nội. 

Bây giờ, đã gần 30 năm trôi qua so với lúc tôi còn học phổ thông trung học, chuyện bạo lực học đường còn nổi cộm hơn, với sự trợ giúp đắc lực của mạng xã hội, để những hình ảnh video chia sẻ cảnh học sinh hành hạ nhau đầy rẫy trên facebook, youtube…

Có lúc, chúng ta còn nghĩ đơn giản rằng bạo lực học đường đến từ môi trường sống của một số học sinh cá biệt, và các em mang cách hành xử của nơi mình sinh ra, lớn lên đến trường. Nhưng bây giờ, khi chúng ta đọc, xem cảnh giáo viên dùng quyền lực của mình yêu cầu học sinh tát vào mặt bạn học, chúng ta sẽ cảm nhận rằng vẫn đang tồn tại một môi trường giáo dục bạo lực như thế dù chỉ là thiểu số.

Khi đứa trẻ được dạy cái cách công khai xâm phạm thân thể người khác, nó sẽ mặc nhiên cho nó cái quyền thực hiện lại điều đó thêm lần nữa. Bạo lực được dạy dỗ trở thành một thói quen như vậy và nó hủy hoại tính cao cả của giáo dục mất rồi.

Và khi câu chuyện những cái tát còn chưa lắng xuống, vụ hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ có hành vi xâm hại tình dục các học sinh nam của mình lại nổ ra để đẩy sự giận dữ lên tới đỉnh điểm. Đáng sợ hơn nữa là chính ông hiệu trưởng ấy đã từng đứng trên diễn đàn để phổ cập cho những nạn nhân của mình về phòng chống xâm hại tình dục.

Các em học sinh là nạn nhân, là đối tượng liên quan đến những vụ việc kia, và cả những em đọc được những dòng tin tức về các vụ việc ấy sẽ còn giữ được niềm tin nào vào cuộc sống này hay không? 

Chắc chắn là không thể, vĩnh viễn. Và khi chính những người có nhiệm vụ dạy dỗ các em lại đổ mực đen vào niềm tin trong sáng của các em, chắc chắn họ phải bị coi là những kẻ tội đồ hủy hoại nền giáo dục.

Và lúc ấy, tiếng nói của những người quản lý ngành giáo dục là gì? Chỉ có vài tiếng “đây là bài học xương máu” mà thôi và bài học đó ai sẽ học, ai sẽ trả nợ bài, ai sẽ thay đổi để chúng ta không phải học thêm những gì “xương máu” nữa? 

Không một ai cụ thể cả. Và đối tượng cụ thể duy nhất chỉ là những người phải trả giá mà đó lại chính là các em, những đứa trẻ lớn lên với một tuổi thơ thương tổn.

Nếu có một điều ước bây giờ, tôi chỉ ước sớm mai tỉnh dậy, chúng ta có một nền giáo dục khiến cho trẻ em cảm thấy thích thú được đến trường, được giữ trọn vẹn một niềm tin tích cực vào cuộc đời, được cảm nhận mình không bị nhận bất kỳ một bất công nào, kể cả là các em có phải học ở một trường vùng hẻo lánh nào đó đi chăng nữa. Và tôi cũng ước rằng sẽ không còn chuyện trẻ gọi “thầy cô” và xưng “em” nữa.

Thay vào đó, gọi “thầy cô” và xưng “con”, như bao thế hệ cha mẹ chúng tôi đã từng. Nhưng để thay đổi cách xưng hô như thế không hề dễ. Nó không chỉ đơn thuần thay một từ bằng một từ khác, mà nó phải là sự cải cách tận bản chất để các em tự thân cảm thấy kính trọng người thầy của mình hết mực, kính trọng đến độ các em tự lựa chọn cách xưng hô làm sao để thể hiện lòng tôn kính của mình.

Điều ước của tôi muốn thành sự thực có thể phải mất rất nhiều năm và không chỉ đơn giản là thay một con người cụ thể nào đó ở một cương vị cụ thể nào đó. Nó là cả một bộ máy cần ý thức tự làm sạch lại mình, tự nâng cấp lấy mình, tự đảm nhận lấy nghĩa vụ cao cả nhất của giáo dục là dung dưỡng niềm tin tích cực trong lòng trẻ thơ.

Và vì khó, rất khó, nên tôi đã thực sự mong mỏi rằng, ông già Noel là có thật, để tôi sẽ viết một bức thư và đặt trong bít tất chờ đợi sự đền đáp thần kỳ.

Hà Quang Minh
.
.