Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Cần sự thống nhất về tiêu chí

Thứ Ba, 08/03/2011, 15:18
Vào nghề khá lâu, khả năng diễn xuất được ghi nhận là khá tốt, nhưng Trương Ngọc Ánh vẫn khá vô duyên với các giải thưởng. Bên lề Cánh diều vàng 2011, trao đổi câu chuyện nghề với cô Dần của "Áo lụa Hà Đông" là một câu chuyện mang nhiều sự chia sẻ, cảm nhận và niềm tin vào tương lai của một nền điện ảnh phát triển cũng như giá trị của những giải thưởng sẽ thực sự "tỏa sáng".

- Chị chờ đợi gì ở một giải thưởng?

- Nói một cách thật lòng là tôi không chờ đợi gì nhiều! (cười).

- Nói thế tức là ngay cả trong quá trình làm nghề thì những giải thưởng cũng không phải là điều chị quan tâm?

- Trong quá trình lao động của bản thân, tôi chưa bao giờ có ý định hoặc mảy may nghĩ rằng mình làm phim này, phim kia vì trông mong sẽ được giải thưởng này giải thưởng kia. Còn về những ngày hội điện ảnh thì cảm xúc của tôi cũng như những đồng nghiệp khác, cũng có sự hào hứng, cũng có sự phấn khích khi tham gia vào một ngày hội nghề. Có những lúc cũng cảm thấy nôn nao khi những sự kiện đó kế cận, nhưng để mong ngóng vinh danh mình thì chưa.

- Vậy chị có niềm tin vào giải thưởng điện ảnh Việt Nam?

- Mỗi giải thưởng có một tiêu chí riêng và quyết định của Ban Giám khảo (BGK) sẽ dựa trên những tiêu chí đó nên cảm xúc của tôi cũng không thể đúng được. Có những lúc tôi thấy đúng nhưng cũng có những lúc thấy chưa được chuẩn xác lắm và tôi chắc chắn rằng tôi không phải là người duy nhất.

Trương Ngọc Ánh cùng chồng tại Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất.

- Theo chị, các giải thưởng điện ảnh chúng ta đang có liệu có thực sự là nơi tôn vinh những cống hiến của đội ngũ làm nghề, các nghệ sĩ?

- Đó hiển nhiên là điều nên làm. Không nói riêng gì giải thưởng điện ảnh mà với tất cả các giải thưởng khác từ truyền hình cho tới âm nhạc, sân khấu, v.v... Các giải thưởng phải là nơi tôn vinh các nghệ sĩ nói chung chứ không phải là diễn viên hay đạo diễn. Chính những giá trị đó sẽ kích thích những người lao động trong ngành nghề này thấy được giá trị đích thực của bản thân, là một động lực để họ tiếp tục lao đông và cống hiến.

- Vì sao chị lại dùng từ "nên"? Phải chăng vì các giải thưởng chưa đạt được tiêu chí như đề ra và cũng chưa theo những gì chị trông mong và kì vọng?

- Chắc chắn là kết quả của các giải thương chưa thực sự được như mình mong muốn nhưng nếu chỉ phán xét một chiều, nhìn bề mặt thì đó là sự phán xét có phần áp đặt, bởi sâu bên trong là sự cộng hưởng, sự hợp tác của nhiều bộ phận, nhiều ban ngành khác nhau. Chúng ta cũng có quyền hi vọng chứ!

- Chị lo sợ sự nghiệp dư hay "bóng ma cơ cấu" như chúng ta vẫn thường nói đến?

- Nghiệp dư thì không hẳn nhưng chuyên nghiệp thì cũng chưa đến. Và vẫn còn đó rất nhiều điều để chúng ta phải thực sự cố gắng và phấn đấu để mỗi giải thưởng thực sự mang trong mình một giá trị không chỉ với dân trong nghề mà cả với công chúng. Đó là điều chúng ta nên hướng tới.

- Là một người có cơ hội được tham gia nhiều LHP trên thế giới ở cả cương vị diễn viên lẫn nhà sản xuất, theo chị đâu là điều thiếu và yếu của các giải thưởng điện ảnh Việt Nam so với các giải thưởng khác?

- Nói thế thì nó rất vô cùng và mơ hồ. Tôi đã từng tham dự nhiều LHP và có những năm phim đoạt giải mình thấy không hay, có thể do mình chưa cảm được hoặc cũng có thể chất lượng phim gửi đến năm đó chưa tốt nhưng phim chắc chắn một điều phim đoạt giải vẫn đảm bảo những tiêu chí tốt nhất mà LHP đó đề ra.

Mỗi người có một ý thích khác nhau nhưng sau mỗi phim đoạt giải thì mình vẫn thấy cái để mình học hỏi và ngẫm nghĩ vì sao họ đoạt giải. Về khía cạnh cá nhân, tuy rằng, mình không thích dòng phim đó nhưng mình vẫn phải coi để học hỏi. Các yếu tố yếu và thiếu như bạn nói tùy thuộc vào sự đánh giá của mỗi người, không thể nào có mẫu số chung được. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy càng ngày nền điện ảnh Việt Nam càng sản xuất được nhiều phim hơn.

Vậy, cái chúng ta cần là sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các hãng phim, đừng có quá rạch ròi phim tư nhân, phim nhà nước. Có thể các hãng tư nhân bắt tay với nhau (như chúng ta đang có) hoặc hãng phim nhà nước hợp tác cùng các hãng phim tư nhân một cách công bằng hơn bởi chính sự hợp tác đó sẽ tạo ra những sản phẩm tốt, cho một thị trường điện ảnh sôi đông, chất lượng hơn và dẫn đến giá trị của những giải thưởng cũng sẽ ngày một cao hơn.

- Giải thưởng điện ảnh quốc nội hình như chưa bao giờ là niềm tự hào tột độ với chính số đông nghệ sĩ trong nước. Trong khi đó, nhìn ra xung quanh, chúng ta sẽ thấy những giải thưởng, dù là đề cử thôi cũng được in ấn, quảng bá một cách trân trọng, uy tín trên các poster, trên các bìa đĩa phim nước ngoài. Hay thậm chí như các tác phẩm trong nước cũng chọn in những giải thưởng quốc tế trên bề mặt sản phẩm của họ hơn là một giải thưởng quốc nội dù bộ phim đó họ chỉ phát hành trong nước. Đó là một nghịch lí đáng xấu hổ, thưa chị?

- Đúng như vậy, thường thì các giải thưởng, các đề cử là sự công nhận, là sự yêu mến, đánh giá cao của công chúng đối với người diễn viên, đạo diễn hay ê-kíp sản xuất một tác phẩm điện ảnh.

Những giải thưởng đó dù có được trao trước đó khá nhiều năm nhưng trong những sản phẩm mới họ vẫn mang những điều đó ra như một sự đảm bảo về chất lượng diễn viên, chất lượng đạo diễn, chất lượng bộ phim trong công tác quảng bá, tiếp thị chào bán bộ phim. Ít nhiều điều đó cũng tạo dựng được niềm tin nơi người mua hoặc phát hành và sâu hơn nữa mới là sự ảnh hưởng đến doanh thu phòng vé.

Nhưng điều đó lại chưa thực sự tỉ lệ thuận với môi trường Việt Nam. Thực tế là chúng ta còn có nhiều vấn đề cần coi và rà soát lại như cơ chế, tiêu chí để thống nhất. Lí giải cho chuyện nhiều nghệ sĩ lẫn công chúng thờ ơ vì giải thưởng chưa được nhân rộng, chưa được quảng bá một cách xứng tầm. Ngay cả trong diễn viên cũng vậy, cũng chỉ có những diễn viên tiêu biểu mới được tham dự.

Nếu có điều kiện thì mời tất cả để họ biết những hoạt động nghề nghiệp, học hỏi đàn anh đàn chị. Với công chúng cũng vậy, cần đầy mạnh công tác quảng bá để mọi người biết đến nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn tới giải thưởng. Khi chúng ta đã làm được những điều đó thì những thông tin như bạn nói ở trên sẽ phát huy tác dụng.

- Nếu chị được mời ngồi ghế BGK của một giải thưởng nào đó thì chị sẽ quan tâm tới điều gì nhất và vì sao?

- Trước tiên, tôi quan tâm tới tiêu chí của giải thưởng đó. Mỗi LHP cần có một tiêu chí rõ ràng để những người làm nghề chọn cho mình con đường, quyết định hướng đi cho tác phẩm của mình hướng về giải thưởng đó. Nếu tiêu chí thay đổi hết năm nay qua năm khác thì cũng giống như những người đi đường gặp ngã tư không biết rẽ hướng nào, không có "kim chỉ nam" cho sự nghiệp và họ sẽ rơi vào sự hoang mang.

Sự công tâm và có tầm của những người ngồi BGK cũng là điều tôi đặc biệt chú trọng. Chỉ cần BGK thực sự làm việc công tâm, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào và hoàn toàn công bằng với tất cả tác phẩm khi lựa chọn cũng như loại bỏ. Sự công tâm là điều tạo dựng niềm tin và tín nhiệm của mỗi giải thưởng.

- Còn nếu đặt chị vào vị trí trưởng BTC của một LHP thì điều gì sẽ khiến chị quan tâm nhất? Trẻ hóa đội ngũ BGK hay rút gọn cơ cấu giải thưởng hoặc Quốc tế hóa LHP đó?

- Mỗi LHP cần có một cái tầm riêng từ thành phố, khu vực, quốc gia hay quốc tế để xác lập được các tiêu chí và tầm vóc cụ thể đến đâu. Vấn đề không phải trẻ hóa BGK và tôi cũng không muốn nói sâu vào các vấn đề chi tiết. Cái cần là phải có một cơ chế, kinh phí cụ thể và mọi thứ phải rõ ràng.

Ví dụ khu vực thì kinh phí ở đâu, tầm vóc như thế nào, mời đạo diễn quốc tế và khu vực ngồi ghế BGK, phim lựa chọn cũng phải chất lượng hơn, phải nói được những cái rất quốc tế nhưng cũng rất Việt Nam. Công tác tổ chức không bao giờ đơn giản, vướng nhiều thứ, rất khó nói khi không có cái gì đó cụ thể rõ ràng.

Theo tôi thì Nhà nước nên hỗ trợ, đẩy mạnh về các LHP vì phim ảnh cũng là văn hóa và kéo theo quảng bá đất nước sâu rộng, từ đó sẽ nhân ra được vấn đề kinh tế. Hi vọng một tương lai gần, điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển rầm rộ, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh sự hỗ trợ và bắt nhịp cùng các đơn vị sản xuất.

- Câu hỏi cuối, theo chị, các giải thưởng điện ảnh hiện chúng ta đang có là "ngày hội" với tiêu chí vui cả làng hay là những cuộc đua tranh giành vinh quang đích thực?

- Để định nghĩa một cách rạch ròi như vậy thì tôi chịu vì quả thực tôi thấy mỗi thứ đều có một chút trong đó (cười).

- Cảm ơn chị!

Nguyễn Hà (thực hiện)
.
.