Điểm hẹn tháng sáu

Thứ Năm, 13/05/2021, 08:26
“Đó là hy vọng và là điều tôi trông đợi. Chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện nó”. Ngày 4-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo giới về khả năng tổ chức một cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông có vẻ thực sự muốn cuộc hội nghị thượng đỉnh đó có thể diễn ra tại châu Âu, vào khoảng tháng 6-2021, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi tiếp nhiệm.


Trên “lằn ranh đỏ”

Từ đầu năm, cụ thể là ngày 26-1, bình luận về thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Bondarev đã nhấn mạnh: "Nhờ những công việc mà Tổng thống và Chính phủ của chúng ta đã thực hiện, mức độ tin cậy (giữa Nga và Mỹ) đang tăng lên. Chúng ta phải chấm dứt tranh cãi, chúng ta phải tìm ra những điểm chung để tạo điều kiện củng cố hơn nữa hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Tất cả những biện pháp được triển khai hiện nay đều khẳng định thiện chí của các chính trị gia và quân đội".

Trước đó 2 ngày, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết: Nga tin tưởng về khả năng thiết lập thành công một cơ chế đối thoại giữa Moskva và Washington. Ông Peskov nhấn mạnh: Đây sẽ là cuộc đối thoại mà trong đó những bất đồng được đề cập sâu rộng hơn, đồng thời mở ra khả năng tìm kiếm một số vấn đề cốt lõi hợp lý để hai bên tăng cường quan hệ. Theo ông, Nga hoàn toàn có thể ứng xử một cách linh hoạt trong mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, nhưng Moskva vẫn sẽ có những "giới hạn đỏ".

“Giới hạn đỏ” ấy, một lần nữa, được Tổng thống Nga Vladimir Putin “gạch chân” trong Thông điệp Liên bang năm 2021 (đọc ngày 21-4), rằng: “Moskva sẽ có đủ kiên nhẫn, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và sự tự tin khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Tôi hy vọng rằng, không ai nghĩ đến việc vượt qua cái gọi là lằn ranh đỏ trong mối quan hệ với Nga”. Và với ông, “lằn ranh đỏ” trong quan hệ giữa Nga và các nước khác sẽ do chính Moskva xác định cho từng trường hợp cụ thể.

Vì sao người đứng đầu nước Nga lại thể hiện rõ sự cứng rắn của mình đến như vậy, trong Thông điệp Liên bang, cho dù ông vẫn đề cập đến việc Moskva “chủ trương xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nước trên thế giới”?

Có lẽ là bởi trước đó, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Washington đã cùng Ba Lan và Czech liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao Nga (ngày 15-4), đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt lên những cá nhân cũng như thực thể Nga. Đương nhiên, Moskva cũng đáp trả ở mức độ tương xứng, đánh dấu đợt “ăn miếng trả miếng” gay gắt nhất với phương Tây kể từ năm 2018.

Vòng xoáy đối đầu ấy tiếp diễn song song với sự “nhập cuộc” của Liên hiệp châu Âu (EU). Tháng trước, Nghị viện châu Âu tuyên bố Nga không còn là đối tác chiến lược của EU. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: Nếu EU còn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc, Nga “sẵn sàng cắt đứt toàn bộ quan hệ”.

Ngày 3-5, EU triệu Đại sứ Nga tại khối tới để phản đối việc Moskva cấm 8 quan chức châu Âu nhập cảnh (ngày 30-4) - hành động trả đũa các lệnh cấm vận mà Brussels áp đặt lên Nga, cũng như việc cấm 6 quan chức Nga nhập cảnh từ tháng 3-2021. Hành động đó của EU, như Bộ Ngoại giao Nga đánh giá, là “đi ngược lại Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Đồng thời, phía Nga cũng “kết tội”: Tất cả các đề xuất từ phía Moskva, nhằm giải quyết những khúc mắc giữa Nga và EU thông qua đối thoại trực tiếp, đều bị phớt lờ hoặc từ chối.

Một “Bức màn sắt” của thời Chiến tranh Lạnh dường như đã lại sập xuống. Bởi vậy, ngày 25-4, Điện Kremlin thông báo hai nguyên thủ quốc gia Nga và Mỹ “có thể gặp nhau, song quyết định cuối cùng sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”. Ngày 27-4, Bộ Ngoại giao Nga hé lộ đã đề xuất đối thoại với phía Mỹ về ổn định chiến lược. Tuy vậy, thực tế là cho đến lúc ấy, hai bên vẫn chưa có các cuộc thảo luận ở cấp chuyên viên.

Nghĩa là, bên “lằn ranh đỏ”, mọi kế hoạch đều vẫn chỉ là những gạch đầu dòng sơ sài.

Vòng xoáy bất tận

Bối cảnh hiện tại khiến không có nhiều nhà quan sát quốc tế có thể thực sự lạc quan về triển vọng của một tiến trình “cài đặt lại quan hệ” đích thực giữa Nga và Mỹ.

Nói một cách chính xác, Mỹ không chỉ đại diện cho chính mình, mà còn dẫn đầu cả một làn sóng căng thẳng với Moskva từ phương Tây nói chung. Tuy vậy, sẽ là phiến diện nếu quy toàn bộ trách nhiệm về trạng thái thấp nhất trong mối quan hệ Nga - Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh này cho những chính sách của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump, dù chiến lược đối ngoại mà ông lựa chọn thực sự mang tính “gây hấn”, cũng như bất kể việc đương kim Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đảo chiều chiến lược đó.

Ông Donald Trump chỉ là người công khai xác nhận một vị thế mà nước Mỹ cũng như phương Tây dành cho nước Nga, đặc biệt là khi khối lãnh thổ cũng như dân cư khổng lồ trải dài từ Hắc Hải đến Thái Bình Dương ấy trỗi dậy mạnh mẽ và trở lại là chính mình như một cường quốc đích thực (nhất là về mặt quân sự). Vị thế của một kình địch và vị thế của một mối đe dọa. Vị thế của một cực tương lai trong thế giới đa cực đang dần định hình, chống lại trật tự đơn cực cũng như những hệ giá trị phương Tây mà nước Mỹ muốn duy trì. 

Đó mới là yếu tố cốt lõi khiến suốt 20 năm qua, những vòng xoáy căng thẳng giữa phương Tây với nước Nga chưa bao giờ thực sự chấm dứt, mà chỉ tạm thời chìm lắng xuống, rồi lại lập tức có thể bùng lên gay gắt. Đó cũng là lý do để đan xen với những Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa (như Donald Trump hay cha con gia đình Tổng thống Bush), thì các Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ cũng vẫn có một cách tiếp cận tương đối nhất quán với Moskva. Như thể là mối nghi ngại và tâm lý thù địch kể từ Chiến tranh Lạnh chưa từng bị xóa sổ.

Phương Tây, xét cho cùng, sẽ chỉ yên tâm với một nước Nga suy yếu trong hỗn loạn, như thời Boris Yeltsin. Vả chăng, NATO - công cụ quân sự của phương Tây - cũng đã không bỏ qua những cơ hội thuận lợi để bành trướng khu vực ảnh hưởng đến sát nách nước Nga. Và điều đó, dĩ nhiên, khiến chủ nhân Điện Kremlin hiện tại không thể nào cảm thấy thoải mái.

Việc Nga - Mỹ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) làm tăng lên mức độ tin cậy giữa hai nước.  Ảnh: L.G

Ông Joe Biden đã ngỏ ý muốn chìa tay với người đồng cấp ấy nhưng liệu ông có thể đơn phương chọn lựa một cách tiếp cận khác, so với quan điểm phổ biến trong chính trường Mỹ, để thực sự kiến tạo một mối quan hệ hữu hảo với nước Nga? Có lẽ, điều đó là không thể, cũng như việc nước Mỹ không thể ngăn cản xu hướng đa cực hóa toàn cầu. Những cáo buộc hay tin đồn kéo dài 4-5 năm qua, về chuyện Nga can thiệp và thậm chí là thao túng các kỳ bầu cử ở Mỹ, cho thấy sự nghi kỵ hằn rõ như thế nào.

Chỉ có điều, hiện tại, trong bối cảnh tê liệt của mọi nền kinh tế dưới những tác động khủng khiếp từ đại dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu, đến cả những “người khổng lồ” cũng phải cân nhắc từng động thái của mình. Căng thẳng có thể dẫn đến cạnh tranh quân sự, cạnh tranh quân sự có thể dẫn đến chạy đua vũ trang và cho dù chắc chắn chẳng ai mạo hiểm đến độ đẩy cao căng thẳng thành xung đột quân sự trực tiếp thì ngân sách dành cho cuộc so kè này vẫn là con số rất đáng để tính toán. Chưa kể, trong bất cứ cuộc “chiến tranh thương mại” nào, tổn thất cũng là điều đến với cả hai phía.

Ngày 4-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova - nhận định: “Sự leo thang của áp lực trừng phạt lẫn nhau có tác động tiêu cực phức tạp đối với cả nền kinh tế Nga và phương Tây. Mặc dù các con số đưa ra là khác nhau và mang tính chủ quan nhưng thiệt hại kinh tế đã lên đến hàng trăm tỷ USD”. Và trước đó, ngày 25-4, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc tiếp tục trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn. Nghĩa là, nước Đức - trái tim của EU - cũng đã mệt mỏi. Còn nước Mỹ, thực tế, cũng đã quá đủ mệt mỏi với việc “căn chỉnh” lại ngân sách để phục vụ các mục tiêu hỗ trợ chống dịch COVID-19 nội tại.

Bởi vậy, những động thái ngăn cản căng thẳng leo thang là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, đến tháng 6, nhiều khả năng cuộc gặp gỡ thượng đỉnh ấy - cho dù có trở thành hiện thực trong sự tán đồng của không ít quốc gia khác - cũng sẽ chỉ là cơ hội để làm mọi chuyện không tồi tệ thêm, chứ chưa hẳn đã là một “cửa đột phá”...
Đông Phong
.
.