Dịch thơ Việt ra... thơ Việt

Thứ Tư, 11/06/2008, 08:30
Thời gian qua, nhiều "cư dân mạng" đã lấy làm bất ngờ trước việc một nhà thơ bỗng dưng "rỗi hơi" ngồi chỉnh sửa thơ của các đồng nghiệp và post những bài thơ đó lên blog của mình. Việc làm này ngay lập tức nhận được phản hồi từ phía những người làm thơ và các độc giả.

Có ý kiến cho đây là một hành động nhằm mục đích gây chú ý. Lại có ý kiến xem như tác giả thuộc loại… thần kinh. Tuy nhiên, cũng không phải không có người cho rằng đây là một "hệ quả" tất yếu, một "phản ứng cần thiết" trước tình hình thơ ca đang diễn ra ngày một xô bồ, nhộm nhoạm hiện nay. Họ gọi việc làm trên là "dịch thơ Việt ra thơ Việt".

Và người bỗng chốc tạo dựng quanh mình cả một sự ồn ào ấy là nhà thơ Đỗ Hoàng. Hiện anh đang công tác tại Tạp chí Nhà văn.

Nói cho chính xác thì cụm từ "dịch thơ Việt ra thơ Việt" đã xuất hiện trên báo chí ta từ hàng chục năm nay. Một trong những người đã dùng chúng một cách đắc địa là nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Trong bài nhận xét về thơ của một tác giả đương đại, sau khi cho rằng "đọc anh, nhiều khi người ta có cảm giác như đọc thơ dịch xổi", Trần Đăng Khoa đã dẫn lại ý một bạn viết khác để cho rằng, tác giả nọ "đã tự dịch thơ mình từ tiếng Việt sang tiếng... ta".

Và anh giải thích ý nghĩa của câu nói hài hước, đầy ẩn ý ấy như sau: "Nghĩa là dịch phóng, cốt lấy ý, chứ chưa dụng công mài giũa nghệ thuật". Cũng theo Trần Đăng Khoa thì từ hiện tượng ấy mới có người "đã làm một việc rất lẩn thẩn, là ngồi nhặt những câu độn, chữ thừa trong những bài thơ vốn đã rất ngắn của anh".

Tất nhiên, "lẩn thẩn" là cách nói vui của Trần Đăng Khoa, ở đây không mang hàm ý phê phán. Nhưng cứ theo đấy mà suy, mà xét thì quả là việc làm của Đỗ Hoàng còn "lẩn thẩn" gấp bội. Anh không chỉ ngồi nhặt những "câu độn", "chữ thừa" trong thơ của một tác giả, anh còn cất công sửa chữa, chuyển đổi thơ của hàng mấy chục tác giả sang… những vần điệu mới (theo cách thức của mình). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một tác giả có cách hành xử đặc biệt như vậy đối với thơ ca.

Là bạn học của Đỗ Hoàng ở Trường Viết văn Nguyễn Du cách đây ngót hai chục năm, tôi biết anh là người rất yêu thơ và thuộc nhiều thơ. Và khi say, bao giờ anh cũng chuyển sang tiết mục đọc thơ… chữ Hán. Không rõ trình độ Hán ngữ của Đỗ Hoàng đến đâu, song thường ra, khi đọc thơ Đường, bộ dạng Đỗ Hoàng trông rất dữ.

Chơi với anh lâu ngày, tôi biết, ấy là lúc Đỗ Hoàng rất dễ bị kích động. Bởi đọc thơ Đường rồi, kiểu gì anh cũng "ngoặc" vào thơ trong nước, kiểu gì cũng "ngoặc" vào những loại thơ mà anh cho là tắc tị, hũ nút, rối rắm, "đánh lừa người đọc", và lúc ấy thì… ôi thôi, chẳng còn từ ngữ tục tĩu nào mà anh không quẳng ra dành cho loại thơ này.

Việc Đỗ Hoàng "dịch thơ Việt ra thơ Việt" - vì thế, không hề làm tôi ngạc nhiên.

Công bằng mà nói, mặc dù Đỗ Hoàng đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, song bảo anh là nhà thơ đã thành danh e… chưa phải. Nhà thơ Trúc Thông là người gặt hái được những thành tựu nhất định trong việc tăng cường tính hiện đại cho thơ, song trước đấy, ông cũng đã có bài "Bờ sông vẫn gió" làm theo thể thơ thuyền thống được nhiều bạn đọc nhắc, nhớ.

Nhà thơ Thi Hoàng những năm gần đây "bứt phá" vậy, song trước đấy, từ thời chống Mỹ, ông cũng đã neo lại trong tâm khảm bạn đọc những câu thơ đẹp một cách cổ điển. Riêng Đỗ Hoàng thì… Ngoài những bài thơ bạn bè có thể tâm đắc, chia sẻ với anh, nhìn chung - như phần đông chúng ta - thơ anh vẫn chuội đi trong dòng đời tất bật. Điều này, với Đỗ Hoàng có thể là một bất lợi, bởi ở ta vẫn còn nặng tâm lý "danh có chính thì ngôn mới thuận". Chẳng đã có người đặt câu hỏi: "Đỗ Hoàng lấy tư cách gì để chỉnh sửa tác phẩm của tôi?".

- Được biết, anh chủ yếu làm thơ theo các thể truyền thống. Vậy việc anh phê thơ không vần có sợ bị người ta nghĩ là do anh không viết được thơ tự do? Rằng là anh "trâu buộc ghét trâu ăn?" - Thay mặt nhiều bạn viết trẻ, tôi đặt câu hỏi với Đỗ Hoàng.

- Tôi chủ trương là thơ phải có vần. Vần rất quý. Nhưng không vì thế mà bảo thơ tôi không hiện đại - Đỗ Hoàng phản bác - Tôi cũng làm nhiều thơ tự do chứ. Như bài "Trái đất không còn chảy máu" in trên Báo Văn nghệ cách đây ít lâu là một bài thơ tự do. Thơ tự do của tôi dài quá, không thể thuộc được.

Chỉ xin đọc bài "Con": Con/ Trái đất tí hon của ba/ Với những đại dương dào dạt sóng/ Với những núi non điệp trùng cao rộng/ Ba nựng con/ Trái đất tí hon/ Trên sức nặng tỉ tấn ngày ngày/ Những vòng xoay của con quanh ba (đến đây, tác giả nhớ lại rất khó nhọc - P.K) Là sự đột biến diệu kì/ Của trái đất tự quay trong không gian (tác giả dừng lại ở đây, không nhớ tiếp được nữa - P.K). Đấy, thơ Đỗ Hoàng cũng hiện đại lắm chứ. Hiện đại mà không tắc tị. Còn bảo Đỗ Hoàng không viết được thơ tự do, thơ tự do kiểu như: Mỗi năm tôi đành phải xóa đi dăm ba số máy trong danh bạ điện thoại/ Cả máy để bàn, cả máy cầm tay/ Chủ nhân của những số máy ấy hiện không có mặt, viết thế thì đến trẻ con cũng làm được, cần chi đến Đỗ Hoàng.

- Chuyển thơ không vần sang có vần, anh không sợ làm mất ý thơ của người  ta sao?

- Tôi làm việc này không phải để in báo, in sách. Tôi muốn chuyển thể như thế để hiểu các tác giả đang nói gì. Vì tôi phát hiện trong các bài thơ ấy nhiều điểm yếu: Không chỉ yếu về vần điệu, mà còn yếu về thi pháp, yếu về quy luật tâm lý.--PageBreak--

Như khi một nhà thơ viết: Người Di gan không buồn/ Chỉ biết hát/ nhiệt cuồng và mê loạn/ người Di gan không đau/ chỉ biết múa/ vũ điệu ngả nghiêng phố xá/ rạch túi làm xiếc diễn tuồng, làm sao có thể nói về một dân tộc như vậy được. Họ suốt đời lang thang kiếm sống, họ đau buồn lắm chứ. Vậy nên tôi đã "dịch lại" là: Người Di gan quên buồn/ Khi họ múa, họ hát/ Nhiệt cuồng và mê thác/ Suốt ngày dài đêm thâu/ Người Di gan quên đau/ Khi họ hát và múa/ Vũ điệu nghiêng phường phố/ Thân làm xiếc, diễn tuồng... Chắc chắn là "đúng" và "hay" hơn.

- Thế còn hai câu: Mẹ sinh tôi ra từ dưới đáy xã hội/ Cũng từ dưới đáy xã hội, mẹ tôi nuôi tôi lớn lên, chắc gì nó đã kém hơn so với hai câu đã được tu chỉnh của anh: Mẹ sinh tôi dưới đáy đời/ Nuôi tôi khôn lớn nên người hôm nay? Nhất là khi 2 câu này khiến ta nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng: ...Sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay, và theo ý tôi, chữ "đáy đời" không hay…

- Câu Mẹ sinh tôi ra từ dưới đáy xã hội là một câu văn xuôi còn dở. Chữ "xã hội" ở đây không "thơ". Trong 2 câu lặp lại hai lần chữ "xã hội". Tiếng Việt mình có chữ "đời" có thể thay thế được chữ "xã hội", tại sao không thay?

- Anh chữa thơ người ta "mạnh tay" vậy, hẳn những cái tít bài anh cũng không "ngán" gì?

- Cũng phải đổi lại chứ. Như trường hợp một thi sĩ gửi cho tôi bài thơ "Mãi Viên Trà". Thú thực tôi không sao hiểu nổi mấy chữ này. Sau hỏi ra mới biết Mãi Viên Trà là tên một cái quán. Tôi bèn "dịch lại" là "Thơ đề tặng quán Mãi Viên Trà", chứ để như lúc đầu, bố ai hiểu được. Bài thơ có 24 câu, tôi "dịch" lại còn 22 câu. "Nguyên bản" tôi không nhớ, nhưng bản "dịch lại" của tôi thì tôi nhớ.

Phải thừa nhận, trong một số trường hợp, việc "dịch lại" của Đỗ Hoàng không phải không có lý. Song trong tập bản thảo dày anh tặng tôi, tôi thấy có những chỗ anh chỉnh lại… rất không ổn. Như khi nhà thơ trẻ Văn Cầm Hải viết: Tôi nằm dưới bóng râm thời trang/ Kinh nghiệm xanh rì rào thành phố, anh chữa lại thành 2 câu lục bát Tôi nằm dưới bóng thời trang/ Ôi, kinh nghiệm xanh âm vang phố phường, không nói tới sự sai lệch về ý, ngay sự không tuân thủ quy luật bằng trắc ở thơ lục bát của Đỗ Hoàng đã khiến câu thơ thứ hai đọc lên nghe khá… chối tai.

Đặc biệt, tôi không khỏi giật mình khi thấy trong tập bản thảo này, bài thơ "Thời hoa đỏ" trứ danh của nhà thơ Thanh Tùng cũng bị chuyển thành thơ… lục bát. Những câu thơ da diết, xót xa: Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ đã được Đỗ Hoàng chỉnh lại thành: Mỗi mùa hoa đỏ như mưa rơi tràn/ Chói tươi, cánh mỏng manh tan/Như là máu ứa các chàng trẻ trung/ Hoa như mưa rơi khôn cùng…, vừa chưa tinh tế lại còn thất vận.

- Hẳn là khi tu chỉnh mỗi bài thơ, anh phải đặt ra một tiêu chí nào đó. Vậy tiêu chí của anh là để "hay" hơn hay để "đúng" hơn? - Tôi hỏi thêm.

- Tiêu chí đầu tiên của tôi là chỉnh thế nào để người đọc có thể hiểu nhanh hơn nội dung bài thơ. Sau đó là chuyển sang thể thơ mà cả mình và công chúng dễ thuộc, dễ nhớ nhất. Vì thế mà tôi hay chuyển sang lục bát.

- Đến nay, anh có tính được anh đã "chỉnh" lại bao nhiêu bài thơ và của bao nhiêu tác giả không?

- Tất tật được gần trăm bài - Đỗ Hoàng đáp lại ngay - Tôi không chỉ "dịch" lớp trẻ như Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh mà còn "dịch" của Thanh Tâm Tuyền, Lê Văn Ngăn, Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Vũ Thuật…. Đã đủ cho một tập.

- Anh dự định cho xuất bản?- Tôi ngạc nhiên.

- Nếu NXB cho giấy phép, tôi sẽ in.

Nói vậy nhưng gương mặt nhà thơ không giấu được sự băn khoăn:

- Tất nhiên, phải xin ý kiến của các tác giả. Nếu họ đã mất thì khó. Các tác giả còn sống thì cũng chưa chắc họ đã đồng ý. Thôi thì cứ để "lưu" như vậy, coi như một lời phê bình nhẹ nhàng.

- Anh có thể hé lộ chút ít về sự phản hồi của các tác giả đối với việc làm của anh?

- Các tác giả bị "dịch" chưa thấy ai viết bài hoặc gọi điện phản ứng. Chắc họ cũng bản lĩnh, thấy chưa cần phải trao đổi! Còn phản ứng từ dư luận cũng nhiều. Song tôi may mắn là được anh em trong nội bộ, như nhà thơ Nguyễn Trác, Tổng biên tập và nhà  văn Văn Vinh, Phó Tổng biên tập, các nhà thơ nhà văn: Lê Đình Cánh, Mai Văn Hoan, Trần Quang Đạo, Nguyễn Hữu Quý, Triệu Nguyễn, Tùng Bách… ủng hộ nhiệt liệt.

Đặc biệt là nhà thơ Vương Trọng. Anh còn làm tặng tôi mấy câu thơ biểu lộ sự cảm thông: Lung tung họ nói những lời/ Họ còn chẳng hiểu, chú thời hiểu sao?/ Chi bằng kệ họ với nhau…! Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, người cũng bị tôi "dịch" thơ thì viết: "Đỗ Hoàng dịch như thế là sát nghĩa, vừa sáng tạo lại vừa không làm mất nguyên bản, thế cũng là tài hoa".

Có thế nói, xung quanh việc "dịch thơ Việt ra thơ Việt" của nhà thơ Đỗ Hoàng, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau. Thiết nghĩ, đấy là chuyện hoàn toàn hiểu được. Vấn đề là, từ hiện tượng này, ta có thể cắt nghĩa được tại sao thơ ca đang ngày càng trở nên xa lạ với công chúng…

Phạm Khải
.
.