Đền ơn thầy học... ba cốc bia

Thứ Hai, 24/03/2008, 09:30
Ông là thầy học của tôi. Ông dạy Việt văn cho lớp Quatrieme Trường Trung học Albert Sarraut mà chúng tôi được học ông là lớp trò cuối cùng! Vì sau năm học 1954-1955, Trường Albert Sarraut giải tán thì ông bỏ hẳn nghề giáo. Nhưng tôi không bao giờ quên ông. Không quên vì ông là người thầy có tâm vừa có tài nhất trong hàng chục thầy, cô giáo tôi đã học từ năm lớp vỡ lòng.

Ông tài không chỉ khi giảng cổ văn hay văn chương hiện đại trong và ngoài nước với lý lẽ thấu đáo, giọng tiếng bổng trầm mê hồn... Ông còn nhận xét rất trúng hiện tại cho chí tương lai học hành của chúng tôi. Như tôi, ông ghi vào học bạ "Anh chỉ có thể làm văn nghệ chứ không thể có khả năng gì khác". Trải qua 40 năm theo đòi báo chương, nghệ thuật sân khấu, tôi nhiệm ra sự đoán định của ông đối với tôi hồi đó thật sáng suốt. Người thầy của tôi chính là Đoàn Phú Tứ.

Từ năm 1942, nhà văn Vũ Ngọc Phan có nhận xét: "Ông là một kịch gia mà tài nghệ khác hẳn Vi Huyền Đắc (một nhà soạn kịch thuở phôi thai của phôi kịch trường nước ta với những tác phẩm có giá trị lâu dài). Có thể nói Vi Huyền Đắc thẳng thắn, nghiêm trang đến cả ngay trong các vở kịch hài, còn Đoàn Phú Tứ không hẳn là trong những vở không phải là hài kịch cũng dí dỏm và tài hoa..." (Nhà văn hiện đại - Vũ Ngọc Phan - Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1989).

Nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân cách đây đúng 55 năm đã ghi nhận: "... Người ta nghĩ Đoàn Phú Tứ chỉ có tài viết kịch và diễn kịch. Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc sắc... " (Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân, Nhà xuất bản Văn học, 1988). Ông lại còn có tài dịch thuật nữa. Với biệt hiệu Tuấn Đô, độc giả những năm sáu bảy mươi được đọc ông dịch ở những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như "Đỏ và đen" (Stăngđan). Kịch Tuyển (Ipsen)... vẫn cứ là sự sáng tạo chữ nghĩa tuyệt vời của Đoàn Phú Tứ. Dù những năm tháng đó ông đã luống tuổi, hoàn cảnh sống vật chất eo hẹp, nhuận bút dịch không đáng là bao!!!

Bẵng đi một thời gian lâu lắm tôi mới được gặp ông. Lần ấy giữa thời bom đạn giặc đang đổ xuống miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tôi từ đơn vị bộ đội được phép tranh thủ về với vợ con... từ quá ngọ tới sẩm tối. Tôi chạy bộ từ đơn vị tới cầu Long Biên, nhảy lên tàu điện ở bến chợ Đồng Xuân và gần tới bến chợ Hôm là tôi... lại tranh thủ nhảy khỏi tàu dù còn đang lăn bánh. Tôi nghe thấy có tiếng gọi:

- Ánh! Anh Nguyễn Ánh!

Ngoái nhìn lại phía hè đường phố Huế bên rạp Ái Liên, tôi nhận ra người gọi tôi dù người đó gầy hom hem, râu và tóc đều dài... thượt. Tôi chạy vội lại phía người, thở gấp, hổn hển:

- Thầy Tứ! Con chào thầy! Sao thầy không đi sơ tán mà lại...

Đúng là ông... cụ Đoàn Phú Tứ. Thầy cười hiền, vẫn giọng không khác xưa.

- Sao lại sơ tán. Mừng đã từ lâu mới gặp lại nhau, ta mua bia uống nhỉ? Nhưng mà kia xếp hàng dài quá tôi chờ cả tiếng rồi chưa mua nổi...

Tôi trao balô cho thầy cầm hộ rồi quay ngoắt về phía hàng người dài dặc đang xếp hàng mua trước quầy bia hơi số 40 phố Huế. Nhưng thầy gọi giật tôi:

- Anh Ánh! Tôi đã... tiền! Tiền đây!

- Con có rồi thầy ạ!

Thời chiến nên cái giá của bộ đội tác dụng ở mọi nơi, mọi lúc nên tôi được ưu tiên nhường lên đầu. Tôi mua được suất rưỡi là những... 3 cốc. Tôi bưng lại chỗ thầy. Thầy vui lắm, nhìn tôi chằm chằm, gật gù nói:

- Nào ta đánh vật xuống hè nhỉ! Chạm cốc!

Tôi sẽ lắc đầu:

- Xin mời thầy chứ con có uống được bia đâu!

Thầy cứ ấn cốc bia cho tôi:

- Này anh đừng nhường cả cho thầy! Bia hơi thì nhạt thếch!

Quả là ngày ấy tôi chưa phải là Tửu đồ... thậm chí Bia hơi đồ! Phân trần một hồi thầy mới chấp nhận lời thành thật của tôi! Cạn hết rồi thầy bảo:

- Merci! Merci! Mon ancien at bon éleve!

Tôi vội thưa ngay:

- Thầy ơi! Sao thầy lại cảm ơn ạ! Ơn thầy dạy con ngày xưa... tài năng văn chương, sân khấu của thầy... Con biết ơn mãi mãi, thưa thầy.

Thầy cười lớn, nói giọng đượm hài hước:

- Ah oui! Ah oui (Phải rồi! Phải rồi) ơn thầy nên anh mua hẳn... ba cốc bia hơi để trả đây hả? Dù sao vẫn cứ cảm ơn! Có lần tôi xếp hàng cả buổi mà rồi... enfin rion une gôut! (Cuối cùng không một giọt)

Nguyễn Ánh
.
.