Để thế giới an toàn hơn

Thứ Sáu, 28/11/2008, 09:30
Theo ông Medvedev, "bài học của các sai lầm và các khủng hoảng năm 2008 đã chứng minh cho tất cả các dân tộc có tinh thần trách nhiệm thấy rõ, đã tới lúc hành động và thay đổi một cách căn bản các hệ thống chính trị và kinh tế...". Ông Medvedev nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm tất cả để thế giới trở nên công bằng hơn và an toàn hơn".

Đúng 12h (giờ Moskva) ngày thứ tư, 5/11 vừa qua, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã trình bày Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình, không phải tại Lễ phòng Hoa cương như người tiền nhiệm Vladimir Putin, mà tại phòng khánh tiết Georgi của nguyên thủ quốc gia trong Điện Kremli. Đây đã là bản Thông điệp Liên bang dài nhất trong lịch sử nước Nga thời hiện đại, được đọc trong 85 phút và 56 lần bị đứt quãng bởi những tràng vỗ tay hoan nghênh đầy hào hứng.

Ông Medvedev đã mở đầu Thông điệp Liên bang, như thường lệ, bằng những đánh giá về các sự việc nổi trội trong năm: "Năm 2008 ở đất nước chúng ta đã diễn ra sự đổi mới các cơ cấu quyền lực chính yếu. Theo kết quả bầu cử đã thành lập ra chính phủ mới. Các chính đảng có chân trong Quốc hội đã bắt đầu làm việc đầy đủ trong Duma Quốc gia mới...". Cũng trong Thông điệp Liên bang 2008, Tổng thống Nga đã dành sự quan tâm rất lớn tới tình hình quốc tế.

Những quan điểm cứng rắn

Thông điệp Liên bang năm 2008 của Tổng thống Nga cho thấy, đường lối đối ngoại từng được duy trì dưới thời ông Putin sẽ tiếp tục được tiến hành trong  tương lai. Moskva sẽ rất cứng rắn trong việc bảo vệ các quyền lợi dân tộc của mình và sẽ không bao giờ chịu để cho phương Tây lấn sân.

Theo quan điểm của ông Medvedev, "việc quân đội Gruzia tấn công các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga  (ở Nam Ossetia - NTT) đã trở thành tấn thảm kịch đối với nhiều nghìn người, đối với cả một số dân tộc. Hệ lụy của vụ khiêu khích đó là sự gia tăng căng thẳng trên toàn bộ khu vực Cápcadơ".

Ông Medvedev cho rằng, cuộc xung đột ở Cápcadơ "đã bị lợi dụng làm cái cớ để đưa các tàu chiến của NATO vào Biển Đen và sau đó, để gia tăng tốc độ áp đặt cho châu Âu hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ, việc hiển nhiên sẽ buộc nước Nga phải đưa ra những biện pháp đáp trả".

Và như vậy, theo Tổng thống Nga, "cuộc phiêu lưu cục bộ của chế độ Tbilisi gây ra đã làm gia tăng sự căng thẳng ở cả bên ngoài rất xa khu vực, ở toàn bộ châu Âu, ở khắp thế giới, gây hoài nghi vào hiệu lực của những thể chế quốc tế đảm bảo an ninh, trong thực tế đã làm rối lẫn những nền móng của trật tự toàn cầu".

Trong Thông điệp Liên bang năm 2008, Tổng thống Nga cũng nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng tài chính cũng đã bắt đầu như một sự cố cục bộ trên thị trường quốc gia Mỹ. Là một nền kinh tế gắn bó chặt chẽ nhất với thị trường của tất cả các nước phát triển và cũng là nền kinh tế hùng hậu nhất, nước Mỹ đã lôi kéo tất cả các thị trường tài chính chìm xuống theo mình. Và cuộc khủng hoảng này cũng đã trở thành toàn cầu...

Tôi nghĩ rằng, chính cách hình dung xuất hiện sau sự tan rã của Liên bang Xôviết về ý kiến của mình như một thứ duy nhất đúng và không thể tranh cãi được cuối cùng đã đưa nước Mỹ tới những tính toán sai lầm lớn trong lĩnh vực kinh tế.

Thổi phồng lên bong bóng tiền tệ để kích thích sự tăng trưởng của chính mình, nước Mỹ đã không chỉ không thèm phối hợp các quyết định của mình với các thành viên khác của thị trường toàn cầu, mà còn coi rẻ cả cảm giác thông thường nhất về mức độ và không buồn nghe vô số những lời cảnh báo từ phía các đối tác, kể cả từ phía chúng ta. Kết cục là họ đã gây thiệt hại cho bản thân mình và cho cả những người khác nữa".

Tổng thống Nga tuyên bố rằng, việc đưa tàu chiến NATO vào Biển Đen, cuộc xung đột ở Cápcadơ và việc gia tăng tốc độ triển khai hệ thống NMD của Mỹ ở châu Âu sẽ gây nên những biện pháp đáp trả từ phía Nga. Và trong bất luận trường hợp nào, Moskva cũng không chịu nhường ảnh hưởng truyền thống của mình tại Cápcadơ cho bất kỳ ai...

Theo ông Medvedev, "bài học của các sai lầm và các khủng hoảng năm 2008 đã chứng minh cho tất cả các dân tộc có tinh thần trách nhiệm thấy rõ, đã tới lúc hành động và thay đổi một cách căn bản các hệ thống chính trị và kinh tế. Tổng thống Nga khẳng định, nước Nga sẵn sàng "phối hợp theo hướng đó với Mỹ, Liên minh châu Âu, với tất cả các bên quan tâm". Ông Medvedev nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm tất cả để thế giới trở nên công bằng hơn và an toàn hơn".

Tổng thống Nga cũng tuyên bố: "Cùng với tất cả các bên quan tâm, chúng ta sẽ thành lập một hình mẫu quan hệ đích thực dân chủ, không cho phép bất cứ một sự độc tôn quyền lực trong bất cứ một lĩnh vực nào... Không thể điều khiển thế giới chỉ từ một thủ đô. Những ai cố tình không chịu hiểu điều này sẽ chỉ tự tạo thêm vấn đề cho chính mình và cho cả những người khác nữa".

Ông Medvedev cho rằng: "Nói chung, sự tự đắc và những luận chứng vũ lực đã không còn có tính thuyết phục và hiệu quả như trước kia nữa... Việc tạo ra thói quen ở tất cả điều chỉnh các hành động của mình với luật pháp quốc tế sẽ làm giảm bớt yếu tố bạo lực cứng rắn, vun đắp cho phương thức hành động tập thể. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự hỗn loạn quốc tế và một thực tế là không thể duy trì được trật tự luật pháp".

Liên quan tới vấn đề đó, Tổng thống Nga cho rằng, ý tưởng về việc xây dựng một hệ thống quốc tế trung dung càng trở nên thời sự hơn bao giờ hết. "Việc đại đa số các quốc gia chuyển sang chính sách đa cực thực dụng chứng tỏ nhu cầu cấp bách phải củng cố các thể chế quốc tế. Trên quan điểm này, chúng ta nhìn nhận cả sự tham gia của nước Nga trong những khuôn khổ như "Nhóm 8 nước", Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn châu á - Thái Bình Dương...". Tổng thống Nga hy vọng rằng, chính quyền mới của Mỹ do ông Barack Obama lãnh đạo sẽ tìm được những biện pháp bình thường hóa quan hệ với Moskva...

Một trong những nhiệm vụ khác nữa, theo lời ông Medvedev, là xác lập những biện pháp ngoại giao đa năng để tháo gỡ các cuộc khủng hoảng. "Để đạt được những kết quả tích cực, không nên cách ly các nước đang có vấn đề dù họ ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà phải lôi kéo họ vào đối thoại".--PageBreak--

Theo ông Medvedev, tấn bi kịch ở Nam Ossetia là hậu quả của chính sách ngạo mạn của chính quyền Mỹ và gây nên mối hoài nghi đối với các thể thức an ninh quốc tế. Tổng thống Nga cho rằng: "Cần lập ra những cơ chế mới để chặn trước những quyết định sai lầm, ích kỷ hay lắm khi đơn giản là nguy hiểm của một số thành viên trong cộng đồng thế giới"...

Cũng Thông điệp Liên bang năm 2008, Tổng thống Nga cho rằng: "Những giá trị chính yếu của xã hội chúng ta đã rất rõ ràng".

Đó là "sự công bằng, được hiểu như quyền bình đẳng về chính trị, như sự trung thực của toà án, tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, được thực hiện thông qua các bảo đảm xã hội, đòi hỏi vượt qua tình trạng đói nghèo và tham nhũng, tạo dựng những vị trí xứng đáng đối với từng thành viên trong xã hội và đối với tất cả dân tộc Nga trong hệ thống các mối quan hệ quốc tế".

 "Đó còn là quyền tự do riêng tư, cá nhân, - Tổng thống Nga nói tiếp. - Tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do lựa chọn nơi ở và công việc làm. Tự do chung, tự do dân tộc. Quyền tự lập và độc lập của quốc gia Nga... Đó còn là tình yêu đối với gia đình, sự lo lắng cho người già và con trẻ...".

Thời đại mới, nhiệm kỳ mới

Trong Thông điệp Liên bang năm 2008, Tổng thống Medvedev tuyên bố ngay về việc Hiến pháp LB Nga sẽ có những điều bổ sung mà theo đó, nhiệm kỳ nguyên thủ quốc gia sẽ được kéo dài tới 6 năm (hiện nay là 4 năm), còn nhiệm kỳ của Duma Quốc gia cũng được tăng lên 5 năm. Những đổi mới này sẽ được áp dụng trực tiếp mà không cần phải tiến hành trưng cầu dân ý...

Nhìn ra các nước khác, trong thời gian gần đây, nhiệm kỳ Tổng thống đã được tăng lên ở Uzbekistan và Turkmenia. Riêng tại Pháp gần đây, nhiệm kỳ Tổng thống đã bị cắt giảm từ 7 năm xuống còn 5 năm.

Tại các nước dân chủ theo mô hình phương Tây, chỉ ở Áo nhiệm kỳ Tổng thống mới kéo dài 6 năm và ở Ireland - kéo dài tới 7 năm. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều theo chế độ Cộng hòa và Tổng thống chỉ đóng vai trò đại diện.

Năm 1991, khi nước Nga bắt đầu xuất hiện chức Tổng thống, nhiệm kỳ dành cho vị trí này được xác định ở mức 5 năm. Các tác giả của bản Hiến pháp LB Nga năm 1993 đã cắt giảm nhiệm kỳ của Tổng thống Nga xuống còn 4 năm. Khi đó việc này đã được coi như một sự nhượng bộ đối với dư luận xã hội vì phần chính của bản Hiến pháp đó mang nặng màu sắc "a tòng" với vị Tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin.

Khi ông Vladimir Putin lên kế nhiệm ông Yeltsin cai quản nước Nga, đã xuất hiện những cuộc bàn thảo về việc kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống Nga từ 4 năm lên 7 năm.

Ngay từ cuối tháng 2/2000, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, Thống đốc Novgorod, Kurgansk và Belgorod đã viết thư cho quyền Tổng thống Nga lúc đó là ông Putin bày tỏ sự ủng hộ cho việc tăng nhiệm kỳ Tổng thống lên 7 năm.

Các vị thống đốc này cho rằng, ở nước Nga trong vòng 4 năm thì sẽ không kịp làm điều gì đáng kể nên cần phải cho Tổng thống mới có đủ thời gian để biến thành hiện thực những dự định quốc gia đại sự đã nêu ra trong chương trình vận động tranh cử của mình. Sau đó, ý tưởng này luôn được nhiều chính trị gia chủ đạo ở Nga cố xuý.

Tuy nhiên, ông Putin luôn nêu rõ rằng, ông không muốn thay đổi Hiến pháp và đây là vấn đề mang tính nguyên tắc đối với ông. Thế nhưng, với đương kim Tổng thống Medvedev, cần phải gia tăng thời gian dành cho nhiệm kỳ cầm quyền của nguyên thủ quốc gia và của Duma quốc gia vì chỉ như thế mới có thể củng cố được hiệu lực trong công việc an dân trị quốc.

Tất nhiên, ông Medvedev cũng không dự định áp dụng thay đổi này cho việc cầm quyền của mình mà là để chuẩn bị cho những vị nguyên thủ quốc gia tương lai ở nước Nga.

Theo đánh giá của báo chí Nga, việc thay đổi này có thể dẫn tới cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn và nhờ thế, cựu Tổng thống và đương kim Thủ tướng Putin có thể lại một lần trở thành nguyên thủ quốc gia Nga.

Cũng theo nhiều nhà quan sát, việc thay đổi như trên không phải là ý tưởng sáng tạo cá nhân của ông Medvedev mà đã được các cán bộ cốt cán của ông Putin trù liệu từ năm 2007.

Với một kịch bản như thế, không loại trừ việc ông Medvedev có thể sẽ rời bỏ chức Tổng thống trước khi hết nhiệm kỳ và một cuộc bầu cử Tổng thống mới trước thời hạn có thể sẽ diễn ra ngay trong năm 2009. 

Và trong thực tế, dường như chiến dịch vận động tranh cử vào chức Tổng thống của ông Putin đã được bắt đầu: một website mới mang tên ông đã được khởi động. Ngày 20/11 tới, với tư cách Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, ông Putin sẽ có một bài phát biểu mang tính cương lĩnh với nhân dân Nga và sau đó, sẽ trực tiếp giao lưu với công chúng thông qua mạng Internet...

Nước Nga vẫn tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn từ khi ông Putin làm chủ trong Điện Kremli. Và có lẽ Điện Kremli vẫn  đang chờ thêm một lần nữa ông Putin trở lại...

Nguyễn Trung Tín
.
.