Môi trường giá bao nhiêu?

Để không là vô nghĩa

Thứ Bảy, 23/07/2016, 11:04
Cá chết, biển miền Trung đã bị tàn phá một cách đầy cay đắng… Song, tất cả những cái chết ấy sẽ không hề vô nghĩa nếu như sau đó, người ta nhớ và suy ngẫm về nó trước khi đặt bút ký cho ra đời một dự án nào đó, tương tự Formosa.

Sau bao nhiêu ngày đàn cá miền Trung chết oan khuất không rõ nguyên nhân, cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã sáng tỏ, dẫu muộn màng. Formosa đã đứng ra nhận trách nhiệm về việc xả thải ô nhiễm ra môi trường biển gây chết cá. 

Điều này có thể khiến đàn cá miền Trung được siêu thoát, nhưng những hậu quả liên quan đến môi trường, cuộc sống con người dọc biển miền Trung thì chắc chắn chưa thể giải tỏa. Số tiền Formosa hứa đền bù sẽ khó đủ làm sống lại môi trường biển miền Trung chứ chưa nói đến việc khắc phục những tác động lâu dài mà những độc chất có thể gây ra nơi đây. 

Formosa gây ra ô nhiễm thì phải đền bù, đó là điều hiển nhiên. Trước tiên là đền bù những thiệt hại cho bà con ngư dân trong suốt thời gian không thể căng buồm ra khơi đánh cá. Những ngư dân đó giờ đây phải chuyển đổi nghề nghiệp, dẫu chưa biết sẽ làm gì nhưng chắc chắn những chiếc thuyền đánh cá của họ vẫn sẽ phải nằm bờ rất lâu vì không biết bao giờ đàn cá mới trở về vùng biển này.

Rồi thiệt hại rất lớn từ du lịch biển cũng là một thiệt hại có thể dễ dàng đong đếm. Chắc chắn, ít du khách "can đảm" như các chức sắc của Đà Nẵng hôm nào khi "thoải mái tắm biển và ăn hải sản" ngay cả khi nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt cho đàn cá vẫn là một ẩn số. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Du lịch biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế thời gian qua rơi vào khủng hoảng. Và chắc chắn sau khi biết nguyên nhân gây cá chết là do nước biển có độc thì du khách càng không chọn biển nơi đây để đến.

Du lịch biển miền Trung sẽ còn đìu hiu rất lâu vì nỗi ám ảnh về đàn cá chết và nước biển có độc không thể nào vơi đi một vài ngày, thậm chí vài tháng.

Còn nhiều thiệt hại khác mà độc chất của Formosa đã gây ra thời gian qua nhưng quan trọng nhất chính là việc hủy hoại môi trường sinh thái biển miền Trung. Và không chỉ có những tác động môi trường đã diễn ra mà còn là những hậu quả khủng khiếp có thể sẽ hình thành trong tương lai từ những chất độc đó. 

Toàn bộ hệ động, thực vật như những rạn san hô tươi đẹp, những đàn cá tung tăng, hệ rong biển… đã thành quá vãng. Mà trong đó, các nhà khoa học tính toán rằng, dẫu có vài chục năm sau nữa thì hệ sinh thái biển này vẫn chưa thể phục hồi, nhất là với san hô vì những độc chất ấy còn ngấm vào đáy biển và tác động rất lâu.

Nói như thế để thấy rằng, ngay chỉ với môi trường sinh thái biển thôi thì cái giá đền bù của Formosa đã là quá nhỏ bé. Quá nhỏ bé để trả lại một môi trường biển tuyệt đẹp dọc miền Trung như ngày nào và quá nhỏ bé để trả lại một cuộc sống bền vững cho những nạn nhân của nó.

Nhưng, dẫu nhỏ bé thì đó vẫn là cái giá buộc phải nhận do những sai lầm trong việc cấp phép, quản lý các nhà máy, xí nghiệp. Hay nói đúng hơn là sai lầm trong thực hiện giấc mơ công nghiệp hóa.    

Hơn 7 năm trước, vụ Vedan đầu độc sông Thị Vải đã khiến nhiều người nghĩ rằng đây chính là bài học quá đắt về vấn đề quản lý xả thải tại các nhà máy, xí nghiệp. 

Nhưng 5 năm sau đó, sau cái ngày người dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM nhận đủ số tiền đền bù 220 tỷ đồng của Vedan thì lại có sự kiện Formosa. 

Và cũng trong vòng 5 năm đó, ngoài Formosa thì đã có biết bao nhà máy, xí nghiệp nguồn FDI mọc lên trên đất nước này và việc quản lý xả thải ra môi trường tại những nhà máy ấy cũng tắc trách tương tự?!

Học chuyên ngành môi trường, tôi biết rằng, thật ra trên đất nước này còn rất nhiều những Vedan hay Formosa. Hằng ngày, có biết bao nhà máy, xí nghiệp cũng có thể đang xả thải lén lút ra ngoài môi trường tự nhiên. Còn hệ thống xử lý nước thải, khí thải chỉ được đầu tư cho đúng quy định nhưng hiếm khi dùng đến, hoặc chỉ dùng khi có đợt thanh, kiểm tra. 

Điều đó giải thích vì sao nhà máy, xí nghiệp nào cũng có hệ thống xử lý nước thải, song những con sông, những con kênh xanh xanh thì cứ chết dần, còn đoàn kiểm tra nào về cũng báo cáo là nhà máy đã xả thải đúng chuẩn.

Lý do của việc này là chi phí xử lý nước thải rất đắt tiền, nó đắt hơn nhiều lần so với số tiền phạt khi họ xui rủi bị đoàn kiểm tra đột xuất phát hiện. Thậm chí, số tiền mà các nhà máy, xí nghiệp bỏ túi từ việc vận hành hệ thống xử lý cầm chừng cũng đủ để họ đưa ra đền bù, giải quyết hậu quả mỗi khi gặp phải sự cố tương tự như Vedan hay Formosa vừa qua.  

Nhưng người ta nói, tiên trách kỷ hậu mới trách nhân, lỗi ở ông chủ của các nhà máy, xí nghiệp thì rõ rồi, họ vì hám lợi mà bất chấp. Nhưng đáng trách trước tiên phải là những công chức có trách nhiệm ở địa phương. 

Bởi khi sự kiểm soát về tác động môi trường còn quá lỏng lẻo, khi có quá nhiều những cái "bắt tay trong bóng tối" giữa nhà chức trách và doanh nghiệp thì chuyện những con sông, những vùng biển tươi đẹp dần bị hạ độc là một chuyện tất yếu.

Câu chuyện ở Vũng Áng hôm nay có thể sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng giống như chuyện trên sông Thị Vải năm xưa bởi người ta đang trong cơn say công nghiệp hóa. Cho nên sẽ còn những dự án như Formosa nữa được cấp phép và mọc lên trên đất nước này. Và người ta phải tiếp tục "chọn cá tôm hay chọn thép".

Không chỉ môi trường, những nhà máy, xí nghiệp mọc lên sẽ làm dịch chuyển cả đời sống văn hóa, xã hội của một dân tộc khi mà người dân xung quanh buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp truyền thống của mình. 

Bờ xôi ruộng mật thu hẹp dần, một làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị vì mất đất; ngư dân quen bám biển giờ đây lại phải quen dần với vai trò một công nhân trong bộ trang phục đặc trưng…  

Đàn cá miền Trung đã chết một cách đầy oan khuất, biển miền Trung đã bị tàn phá một cách đầy cay đắng… Song, tất cả những cái chết ấy sẽ không hề vô nghĩa nếu như sau đó, người ta nhớ và suy ngẫm về nó trước khi đặt bút ký cho ra đời một dự án nào đó, tương tự Formosa.  
Hoàng Lãm
.
.