Yêu một người dưng:

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Khôn ngoan, không phải lúc nào cũng tốt”

Chủ Nhật, 11/08/2013, 13:18
Tôi nghĩ trong xã hội, mỗi người tự có ý thức với bản thân trước khi phán quyết người khác. Và tôi sợ nhất là sự phán quyết đó đôi khi là một trò tiêu khiển vô thức hay chỉ để chứng minh trên đời còn lắm đứa xấu hơn mình.

- Xưa nay, cái sự dùng tình, tiền đổi lấy nổi tiếng không còn xa lạ. Nhưng ngược lại, tôi muốn hỏi anh việc đổi sự nổi tiếng để lấy tình, tiền. Có nghĩa là, người dùng chiêu bài này đã có danh tiếng, dùng danh tiếng của mình để trục lợi cá nhân. Việc này, quả là bất nhã đúng không anh?

- Thói thường thì  người ta vẫn dùng cái mình có đổi lấy cái mình không có, bằng hình thức này hay hình thức khác, cách này hay cách khác. Chọn cách mới là điều quan trọng. Và chính cách chọn nào thì sẽ có hệ quả tương xứng, kể cả hai phía. Còn có bất nhã hay không bất nhã với ai thì cũng tuỳ trường hợp. Đôi khi cả hai phía cùng có lợi ở giai đoạn đầu và bất nhã ở giai đoạn kết. Chúng ta cũng khó mà phân định đúng, sai cỡ nào khi không biết hoàn toàn sự thật. Nhưng chúng ta có thể đoán tính cách của họ khi nhìn cách họ ứng xử với hậu quả.

- Cá nhân anh nhìn nhận thế nào về mối quan hệ: Nghệ sỹ - tình - tiền - fan trong thực trạng showbiz hiện tại?

- Cũng giống như thuyền, sóng, gió vậy thôi. Nhưng nói thật tôi cũng không biết nghệ sỹ - tình - tiền - fan, cái nào là sóng, là gió, là thuyền. Chỉ biết khi hoà hợp thì thăng hoa, khi trái chiều hay mất cân bằng thì có thể là tai nạn nguy hiểm.

- Việc đổi tình, tiền để lấy sự nổi tiếng và ngược lại, dùng sự nổi tiếng để đổi lấy tình, tiền đã được mặc định là điều không thể thiếu trong giới showbiz. Có đúng như thế không, thưa anh?

- Điều đó đã có từ ngàn đời, từ khi chưa có định nghĩa và tên gọi showbiz. Chỉ có bây giờ báo chí, facebook, Internet bùng nổ thì những thông tin từ showbiz dễ bị phát hiện, bàn luận và dễ đưa lên báo. Đôi khi nghĩ cũng buồn cười, nhiều người xem báo chí như quan toà, có chuyện gì là “méc” với báo hoặc đem báo ra doạ, mà đáng lý người ta phải mời luật sư và nộp đơn đến toà trước thì đúng hơn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

- Vậy theo anh thì nguyên nhân do đâu?

- Nguyên nhân chỉ là người ta thấy cái lợi người ta cần có lớn hơn cái mà người ta có đem ra đổi mà không nghĩ đến hậu quả và sự tôn trọng bản thân với những gì mình đang có.

- Nhưng là người nghệ sỹ, dùng sự nổi tiếng của mình để lừa gạt lòng tin từ người hâm mộ, đáng phê phán quá chứ đúng không anh?

- Tôi có câu này: “Không phải thấy cái dở của người khác thì có nghĩa mình hay hơn người ta đâu”. Nên tôi tiết kiệm thời gian phê phán người khác mà thay vào đó là ráng “canh chừng bản thân”. Tôi nghĩ trong xã hội, mỗi người tự có ý thức với bản thân trước khi phán quyết người khác. Và tôi sợ nhất là sự phán quyết đó đôi khi là một trò tiêu khiển vô thức hay chỉ để chứng minh trên đời còn lắm đứa xấu hơn mình. Mặt khác, nổi tiếng cũng giống những ưu thế khác như: quyền, giàu, đẹp,... họ có thể dùng lợi thế để chiếm ưu thế, tất nhiên bằng cách nào thì dễ gặp kết quả tương xứng.

- Có bao giờ anh nhận được lời đề nghị giúp đỡ về mặt tiền bạc, hoặc gạ tình từ phía người hâm mộ?

- Đôi khi tôi cũng nghĩ sẽ làm thế nào để ứng phó nếu chuyện đó xảy ra. Nhưng chờ mãi mà chưa thấy!

- Vậy giả sử, đứng trong tình huống đó anh sẽ nhận chứ? Bởi các cụ ta có câu:“Có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Anh tài năng, anh xứng đáng được nhận những gì mà anh có thể nhận chứ, đúng không ạ?

- Khi mình nhận thì mình phải biết trả lại cái tương xứng cái mình nhận. Mà khi mình không trả được cái tương xứng thì mình đâu dám nhận. Hoặc đôi khi cái người ta đưa không đáng với cái người ta đòi thì mình cũng thấy không đáng, lại thôi. Để có một cuộc đổi chác là không dễ đâu nhé. Nhất là những thứ không đong, không đếm được như lòng tự trọng, sự nghiệp...

- Nhưng tiền bạc bao giờ cũng có sức hấp dẫn khó cưỡng. Mà chữ tình thì còn khó cưỡng hơn nhiều. Anh thấy thế chứ?

- Với tôi, phải có cái gì thì người ta mới dụ, nên được dụ cũng là may đấy. Bi kịch nhất là được người ta dụ mà lại còn phát hiện ra mình đã bị dụ. Sự thông minh, khôn ngoan không phải lúc nào cũng tốt. Với nghề của tôi thì tôi nghĩ cảm xúc, chân thành, niềm tin quan trọng hơn. Mặt khác, bản chất con người đa phần đều có tham - sân - si - hỷ - nộ - ái - ố. Nghề nào mà dính đến tiền, quyền lực, danh tiếng thì những thứ đó còn lớn hơn. Quan trọng là đủ tri thức để dự đoán hậu quả, đủ sự tự trọng để đừng làm tổn thương mình, đủ sự tôn trọng để đừng gây hại cho người khác.

- Thực tế, từ trước nay đã có rất nhiều nghệ sỹ dính phải tai tiếng lợi dụng tình, tiền của fan. Dù sự vụ có thế nào, thì lỗi vẫn nằm ở người nghệ sỹ trước. Bởi không có lửa, làm sao có khói, nhất là, nghệ sỹ thì đừng nên mập mờ chuyện tiền bạc, tình cảm anh nhỉ?

- Chúng ta cứ quy chụp thế, không hẳn tất cả các câu thành ngữ đúc kết đều đúng tuyệt đối cho mọi trường hợp. Với câu: “Không có lửa làm sao có khói”, bây giờ ở sân khấu và điện ảnh có nhiều kỹ xảo, không cần lửa mà vẫn có khói đấy (cười). Và facebook hay báo chí có thể làm kỹ xảo thông tin mà. Nên đối với tôi đúng sai thế nào thì để luật pháp phán xét và muốn kết tội ai thì phải có bản án. Nếu không có bản án thì đó chỉ là suy luận sự việc theo góc nhìn của cá nhân thôi.

- Nghệ sỹ nên có thái độ ứng xử với fan thế nào cho phải, thưa anh?

- Tôi nghĩ chỉ cần họ hiểu rằng nghệ sỹ và fan có một phần phản chiếu nhau. Fan sẽ phản ánh phần nào đó của ngôi sao. Còn ứng xử thì cần sự chân thành và biết nghĩ cho người khác cũng như cho bản thân mình.

- Vậy để nói về mối quan hệ giữa sao và fan, theo anh điều gì là quan trọng hơn cả?

- Cũng như một con chim đầu đàn với đàn chim thôi. Nhưng có khi con chim đầu đàn lại là con chim máy, nên bay hướng nào thì do hoa tiêu và người lái quyết định!

Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.