Đạo diễn Ngọc Hùng: Vấn đề là lòng tự trọng của người làm nghề

Thứ Tư, 10/08/2011, 13:58
Ngọc Hùng là một trong những người đầu tiên đến với sân khấu kịch Thế giới trẻ - 125 Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM - và mới chỉ hơn 1 tuổi nhưng sân khấu này đã tạo dựng được một số lượng khán giả riêng của mình.

Số kịch mục chưa quá hai bàn tay nhưng đã thường xuyên có những đêm diễn chật kín khán phòng và thành công nhanh chóng đó đã nhận không ít lời gièm pha rằng sân khấu này, dưới sự chỉ đạo của người phụ trách nghệ thuật là Ngọc Hùng đã có những "đạo" và copy để đi lối tắt đến thành công.

Đối diện với tin đồn và nghi án đó, Ngọc Hùng đã rất tỉnh táo "phản biện" một cách quyết liệt cũng như lật ngược vấn đề với những ai đã nghi ngờ, thậm chí là cả với truyền thông.

- Đã bao giờ anh vướng vào một nghi án đạo gì chưa?

- Có lẽ không ai muốn vướng vào nghi án không tốt đẹp cho công việc của mình, nhất là những người làm nghệ thuật. Ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình và tôi cũng vậy. Đến giờ tôi cũng chưa nghe ai nói gì những vở diễn tôi đã làm, ngoài việc khen chê, thích hay không thích thôi.

- Anh có biết vở kịch "Điện thoại nửa đêm" của anh có những tình huống giống với bộ phim "Cuộc gọi lúc không giờ", đã có ai thắc mắc với anh về điều đó?

- Vở kịch Điện thoại nửa đêm của tác giả Bùi Quốc Bảo và đạo diễn Thu Huyền. Thật sự tôi cũng nghe nói về sự giống nhau này. Tôi cũng không biết giống nhau đến mức độ nào, vì chưa được xem bộ phim này, nhưng tôi khẳng định thời điểm vở kịch Điện thoại nửa đêm ra mắt sớm hơn.

Tôi có thể nói về một vở diễn khác của mình, đó là vở kịch Chuyện hai chàng. Kịch bản được dựa trên ý tưởng của một bộ phim nước ngoài, là câu chuyện về 2 chàng giả dạng đồng tính để vào thuê nhà. Tuy nhiên, nếu khán giả nào đã xem bộ phim đó và cả vở kịch này đều nhận thấy sự khác biệt rất lớn về nội dung lẫn chủ đề tư tưởng.

- Sự giống nhau về chi tiết, câu chuyện, nhân vật ở hai thể loại khác nhau như vậy theo anh là ảnh hưởng hay copy hay là hai tác phẩm độc lập?

- Chúng ta có thể giống nhau về một chi tiết nào đó hoặc giống về nhân vật, nhưng nếu giống cả về đường dây câu chuyện, lẫn chi tiết và nhân vật thì chắc chắn bị xem là copy. Còn về sự ảnh hưởng tôi nghĩ ít nhiều gì cũng phải có, vấn đề là lòng tự trọng của người làm nghề khi sử dụng ý tưởng nào đó để phát triển thành một tác phẩm độc lập cho riêng mình. Ví dụ nhiều tác giả lấy cảm hứng từ chuyện tình Romeo và Juliet mà tạo thành nhiều tác phẩm khác. Hoặc chúng ta từng tự hào về tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng cũng hiểu rất rõ tác phẩm đó được xây dựng như thế nào.

- Báo mạng phát triển kèm theo đó là chuyện săm soi bới lông tìm vết và sẵn sàng quy chụp chuyện copy, đạo cho những người làm công tác sáng tạo, anh nghĩ gì về thực trạng đó?

- Nói thẳng sự phát triển của báo mạng hiện nay chẳng khác tình hình nghệ thuật bây giờ, thậm chí góp phần thêm bát nháo mà chính các báo đang lên án.  Tôi từng phát hoảng khi đọc một bài có tiêu đề "Con gái Trương Ngọc Ánh lộ hàng".

Từ ngữ được dành cho một cô bé còn đang ở lứa tuổi mầm non. Nếu cứ gọi ca sĩ này, nghệ sĩ kia hay tác phẩm nọ là "thảm họa" thì những bài viết như thế cũng xứng danh "thảm họa" lắm chứ! Còn với những bài viết về phê phán một nghệ sĩ nào đó thì lại góp phần cho nghệ sĩ đó nổi tiếng hơn.

Đã đến lúc báo chí cũng nên nhìn lại mình, để những nhận định hoặc đóng góp cho một tác phẩm nghệ thuật sẽ được các nghệ sĩ trân trọng. Nếu thực sự xem nghệ sĩ hay tác phẩm nào là "thảm họa" thì cần tẩy chay một cách nghiêm túc. Chứ kiểu thi nhau viết bài thì chẳng khác nào cổ xúy.

- Anh nghĩ những nghi ngờ đó là vì danh dự, tiếng nói của nghệ sĩ không đủ lớn đủ mạnh hay vì một tâm lí của một ngành công nghiệp giải trí bán nghiệp dư nên nhìn đâu cũng thấy có lỗi?

- Không phải danh dự nghệ sĩ không đủ mạnh mà sự phát triển của báo mạng quá mạnh. Họ được viết tự do, nếu có sự phản ứng thì gỡ xuống, nhưng các bài viết đã được nhanh chóng copy sang nhiều diễn đàn khác. Thực ra nghệ sĩ không có diễn đàn của mình đó thôi, nếu không họ cũng có thể vạch lỗi của báo chí rất nhiều đó. Nhiều bài viết cũng copy kiểu phỏng vấn, cách trình bày, cách khai thác y như báo nước ngoài, chỉ khác nhân vật, vậy có gọi là đạo không? Tốt nhất trước khi bắt lỗi người khác thì xem mình có lỗi không đã.

- Hình như nghệ sĩ của chúng ta không được bảo vệ trước những tin đồn thất thiệt nên thường chọn giải pháp im lặng. Anh nghĩ đó có phải là một sự xử lý khôn ngoan hay họ không còn chọn lựa nào khác?

- Giải pháp im lặng vừa là một sự lựa chọn khôn ngoan vừa là bởi không còn chọn lựa nào khác. Theo bạn nếu đi kiện thì khả năng thắng kiện của nghệ sĩ được bao nhiêu phần trăm?

- Copy hay đạo thì phải để những cơ quan có đủ thẩm quyền thẩm định và phán xét cuối cùng nhưng chúng ta lại đang thiếu những cơ quan hội ban ngành như thế để bảo vệ hoặc trừng phạt. Anh nghĩ chúng ta không mặn mà với hội ban hay không đủ người tài để bầu bán?

- Thực ra ca sĩ, diễn viên điện ảnh hay sân khấu đều có Hội, nhưng hiện nay Hội vẫn chưa thể bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ. Còn tại sao thì tôi không thể trả lời.

- Về phía cá nhân anh thì sao, anh sẽ làm gì và nghĩ gì khi vướng vào những nghi án như vậy?

- Tôi nghĩ lúc đó sẽ tìm hiểu kỹ về Luật báo chí để tìm cho mình một giải pháp.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Gia Hưng (thực hiện)
.
.