Đạo diễn Lê Hoàng: Tất cả là vì đạo diễn bất tài

Thứ Tư, 31/08/2011, 16:13
Lê Hoàng - vị đạo diễn nổi tiếng đanh đá - không ngại ngần để nói rằng việc cứ nhắc đến đồng tính trong điện ảnh Việt là nhắc đến cảnh tình dục như chúng ta đang thấy hiện nay một phần rất lớn là do đạo diễn bất tài và thiếu cái Tâm đối với một cộng đồng người thuộc thế giới thứ ba. Và tất nhiên, Lê Hoàng cũng nhắc đến "Trai nhảy" của ông như một ví dụ đẹp và hiếm hoi về đồng tính nam trong điện ảnh Việt.

- Ông nghĩ sao khi hiện nay có những sự mặc định là cứ nhắc đến phim đồng tính (dù là đồng tính nữ hay nam) là y như rằng nhắc ngay tới… tính dục?

- Đồng tính trong mắt mọi người vẫn là một điều gì đó dị thường và trong điện ảnh thì cứ cái gì dị thường đều là một đề tài hấp dẫn. Những cái đúng, những cái khoa học đã chứng minh hiển nhiên thì chẳng ai khai thác cả. Câu chuyện về một anh chàng yêu một cô gái với những băn khoăn, khó khăn thì cũng kém hấp dẫn bằng một đề tài đầy sự dị biệt. Đó  hiển nhiên là sự thắc mắc, tâm tư của cả  một xã hội.

Thế nhưng, thực tế là chúng ta đang mang sự dị thường đó ra để cười cợt. Tôi không khen Trai nhảy của tôi hay, nhưng rõ ràng nhân vật đồng tính Tony là một nhân vật đẹp, đối xử một cách rất đứng đắn và rõ ràng như bạn thấy cả bộ phim không hề khai thác theo cách lột quần lột áo. Việc khai thác đồng tính ở mức độ thấp, bề mặt như kiểu thế chỉ xảy ra ở một nền văn hóa thấp, cho thấy đạo diễn chỉ nhìn thấy cái người ta thấy chứ không thấy cái người khác không thấy.

- Có nguyên nhân nào khác nữa không, thưa ông?

- Đạo diễn hiểu về đồng tính một cách rất thô thiển bên cạnh việc mặt bằng xã hội này chưa thoải mái, bưng bít thành ra thông tin với đề tài đó nên dẫn đến những nhận thức không đầy đủ. Chính bởi thế sự tôn trọng người đồng tính không được cao, còn nhiều sự giễu cợt và bất công. Khác nữa đi, những người làm phim về đồng tính đều không phải đồng tính thật, họ không làm với sự thông cảm và thiếu một cái Tâm.

- Vậy phải chăng chúng ta đang khai thác một cách lãng phí và sai một mảng đề tài thú vị?

Đạo diễn Lê Hoàng.

- Đúng, nếu nói một cách nghiêm túc, nhưng cũng phải kể thêm là, xã hội chúng ta chưa từng nói về đồng tính một cách đàng hoàng, chưa có talkshow nào trên truyền hình mời người đồng tính một cách đàng hoàng, công khai, điều đó cho thấy xã hội không công bằng với họ. Tôi cho rằng cứ cái gì mà làm không đến nơi đến chốn thì đều là một sự lãng phí.

Nhưng cũng chẳng riêng gì đồng tính, rất nhiều đề tài khác chúng ta đều đang lãng phí khi mà những bộ phim không thể là một đại diện tiêu biểu cho một thời kì, cho một vấn đề. Không ai tin vào những bộ phim được cho rằng tiêu biểu của một thời kì, của một đề tài lớn.

Nói đơn giản như nếu nhắc đến chiến tranh Việt Nam, đến Lũy Hoa Hà Nội, bạn hãy kể tên cho tôi bộ phim nào được cho là tiêu biểu có thể khắc họa được một cách chân thực không chỉ con người mà cả thời khắc lịch sử đó. Còn nếu chúng ta nhìn rộng ra với một bộ phim rất nổi tiếng là Cuốn theo chiều gió thì cũng thấy được sự khốc liệt của cuộc nội chiến Nam Bắc của nước Mỹ thời kì đó chứ không chỉ đơn thuần là mối tình đẹp.

Nói một cách màu mè thì cũng giống như một người nghèo chết trên mỏ vàng thì nghệ sĩ của chúng ta đang chết trên mỏ vàng đề tài. Nói thẳng là giới nghệ sĩ Việt Nam thiếu tài, không đủ sức gánh vác những vấn đề xã hội đặt ra, đồng tính nói riêng và mọi người nói chung.

- Tức là chúng ta hoàn toàn không thể làm ra những bộ phim "đồng tính không tình dục"?

- Chúng ta cũng phải tính đến chuyện người xem và thử đếm số lượng người xem thực sự đòi hỏi xem cái đẹp về đồng tính có bao nhiêu. Đó là nguyên nhân vì sao người làm phim dễ chạy theo doanh thu. Tôi có thể tự hào nói rằng vở kịch Hợp đồng mãnh thú của tôi là một vở kịch đẹp về đồng tính nam. Bao nhiêu năm rồi, vở kịch vẫn đông khách với đối tượng cả đồng tính lẫn người thường đều hài lòng với vở kịch, không ai trách móc điều gì.

Đó là cái đẹp trong cư xử, vấn đề được nói một cách kín đáo, phản ánh tâm hồn chứ không đơn thuần chỉ là chuyện thể xác. Bạn có thể nói rằng ngôn ngữ sân khấu khác với ngôn ngữ điện ảnh nhưng tôi đố bạn tìm khắp Việt Nam có vở kịch nào nói về đồng tính đẹp hơn vở kịch đó đấy. Quan trọng là cái tâm của đạo diễn và biên kịch về người đồng tính có hay không. Tôi nói được vì tôi làm được.

- Điện ảnh thế giới không thiếu những bộ phim đáng ngưỡng mộ như vậy, chẳng nhẽ đạo diễn của chúng ta không chịu xem và học hỏi, thưa ông?

- Quan trọng nhất vẫn là kém tài, đừng tưởng cứ chịu khó học hỏi là thành, nhầm to. Hơn nữa, đạo diễn của chúng ta vừa không cố gắng lại vừa kém tài, đã thế lại vừa dễ bằng lòng với hào quang ít ỏi.

- Còn ông, ông có đủ tự tin để nói mình sẽ làm được một bộ phim đẹp như thế?

- Tôi sẽ làm được với điều kiện có người đầu tư tiền mà không đòi hỏi doanh thu. Chắc chắn là tôi sẽ rất run tay nếu có thứ áp lực đó. Hơn nữa, mặt bằng xã hội hiện nay thấp và muốn xem cái thô thiển nhiều hơn cái đẹp như chúng ta nói, đó là sự thực.   

- Chẳng phải chúng ta vẫn đã có những bộ phim rất đẹp khi nói đến đề tài nhạy cảm này đó thôi?

- Có nhưng nó chỉ là một nét chấm phá, chỉ lóe lên chứ không phải xuyên suốt khắp bộ phim.

- Vậy còn bộ phim mới nhất với cái tên rất kêu của ông - Một cuộc săn vịt trời - thì sao, có dính dáng gì tới đề tài này không?

- Hoàn toàn không. Đó là một phim xúc động, sâu sắc và rất nghiêm túc kể về những mong muốn đổi đời của 4 cô gái làm nghề bia ôm ở một quán bia ở tỉnh lẻ. 4 cô gái đó gặp một sự cố nên đốt quán, bán tất cả tài sản, mua sắm quần áo và chui vào một resort để giả dạng giàu sang tìm bồ giàu có.

Nhưng vấn đề đặt ra là 4 cô gái đó chỉ đủ tiền cho một tuần thôi nên họ phải rốt ráo công cuộc tìm kiếm. Rất gấp gáp nhưng không được để lộ nguồn gốc, bản chất của mình. Đó chắc chắn sẽ là một bộ phim đầy tình người, gây khóc gây cười cho khán giả sâu sắc, xúc động.

- Xin cảm ơn ông và chúc bộ phim thành công!

Gia Huy (thực hiện)
.
.