Đàng hoàng phương diện quốc gia

Thứ Hai, 14/07/2008, 08:45
Bắt đầu từ ngày 1/7, Việt Nam đã tiếp nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) từ Mỹ, nước đã thực hiện nhiệm vụ này trong tháng 6. Theo lời Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, Trưởng đại diện Việt Nam tại HĐBA và Chủ tịch HĐBA trong tháng 7, chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi việc để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mới lần đầu tiên được làm này..

Góp phần bảo đảm an ninh toàn cầu

HĐBA là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của LHQ. HĐBA LHQ gồm 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Thêm vào đó còn có 10 thành viên không thường trực được Đại hội đồng LHQ bầu theo nhiệm kỳ 2 năm và không được tái ứng cử ngay. Việt Nam đã được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ trong nhiệm kỳ 2007-2009 cùng với các thành viên mới khác là Libya, Burkina Faso, Croatia và Costa  Rica…

Theo Hiến chương LHQ, HĐBA LHQ là cơ quan duy nhất có quyền ra quyết định có tính chất ràng buộc và cưỡng chế đối với các nước thành viên LHQ. Các quyết định của HĐBA được thông qua với ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu chống của bất kỳ thành viên thường trực nào của HĐBA (nếu một nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ bỏ phiếu chống thì quyết định không được thông qua, đây gọi là quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực HĐBA).

Cụ thể, chức năng và quyền hạn của HĐBA LHQ đã được quy định thành văn bản như sau:

- HĐBA có thể điều tra bất cứ tình huống nào đe dọa hòa bình quốc tế; bất cứ vụ tranh chấp nào, hay bất cứ tình huống nào có thể dẫn đến xung đột quốc tế hoặc khơi mào một cuộc tranh chấp.

- Đề xuất những thủ tục hoặc phương pháp điều chỉnh nhằm giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nếu Hội đồng xét thấy tình huống có thể gây nguy hại cho hòa bình và an ninh quốc tế. Những đề xuất này có tính ràng buộc đối với các thành viên LHQ.

Trong những tình huống "đe dọa hòa bình, xâm phạm hòa bình hoặc tiến hành xâm lấn", HĐBA không bị giới hạn trong việc đưa ra những đề xuất và có quyền hành động, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang "để duy trì hoặc phục hồi hòa bình và an ninh quốc tế"…

Bất cứ quốc gia nào khi đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ thì đều có chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ như sau:

- Xây dựng Chương trình hoạt động tháng và Chương trình nghị sự các cuộc họp của HĐBA. Đây là công việc khá phức tạp vì phải xử lý những yêu cầu khác nhau của các nước về việc đưa hoặc không đưa một vấn đề nào đó vào chương trình nghị sự, thời điểm và thành phần mời tham dự.

Chủ tịch HĐBA có nghĩa vụ hỗ trợ các nước đạt được sự thống nhất chung. Chủ tịch có trách nhiệm đại diện cho HĐBA trong những hoạt động của Hội đồng theo sự ủy quyền của các thành viên, được quyền triệu tập họp bất kỳ khi nào thấy cần thiết theo yêu cầu của các thành viên HĐBA, của Tổng Thư ký hoặc Đại hội đồng LHQ, hoặc khi HĐBA có thông tin về một tranh chấp hoặc vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế.

- Chủ tịch HĐBA chủ trì các cuộc họp kín hoặc công khai của HĐBA (trung bình khoảng 40 cuộc họp/tháng). Chủ tịch HĐBA còn phải điều phối mọi hoạt động của Hội đồng, thay mặt HĐBA gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác có nguyện vọng muốn HĐBA giải quyết những vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế mà họ quan tâm…

Nói chung, để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Chủ tịch HĐBA phải thường xuyên tham khảo ý kiến của các thành viên, các nước trực tiếp liên quan, Tổng Thư ký LHQ và Ban Thư ký, kể cả thông qua trao đổi chính thức lẫn không chính thức. Ngoài ra, muốn có hiệu quả, Chủ tịch HĐBA còn phải cố gắng để các quyết định của mình, từ việc đưa vấn đề ra thảo luận, hình thức thảo luận, đến nội dung phát biểu với báo chí, có được sự nhất trí cao của các nước thành viên.

Thay mặt cho HĐBA làm việc với báo chí: Phát biểu, trả lời báo chí, thông báo cho các nước thành viên LHQ trên cương vị là Chủ tịch HĐBA về kết quả các cuộc họp của HĐBA.

- Một số công việc khác của Chủ tịch HĐBA: Đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các tổ chức trong và ngoài LHQ, trong đó thường xuyên phải điều hành các cuộc gặp với Tổng Thư ký và các lãnh đạo cấp cao khác của Ban Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC), các nước có yêu cầu...

Việc gì cũng cố làm tốt

Thông thường, tháng 7 là thời gian cần phải chuẩn bị Báo cáo năm của LHQ nên công việc của nước đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐBA càng trở nên nhiều hơn. Tháng 7 năm nay, Việt Nam phải chuẩn bị Báo cáo năm của HĐBA LHQ (giai đoạn 31/7/2007 - 31/7/2008, tức là có cả khoảng thời gian mà chúng ta chưa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA) gửi Đại hội đồng LHQ. Trong báo cáo này sẽ kiểm điểm hoạt động của HĐBA LHQ trên tất cả 60 đề mục trong chương trình nghị sự hiện nay. Đây là công việc mới mẻ nhưng các cán bộ ngoại giao ta đã được cung cấp những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc này.

Theo lời Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, Trưởng đại diện Việt Nam tại HĐBA và Chủ tịch HĐBA trong tháng 7 phát biểu trong buổi họp báo ngày 2/7 tại New York, theo sáng kiến của Việt Nam, HĐBA sẽ tổ chức một phiên thảo luận mở về vấn đề "Trẻ em và xung đột vũ trang" vào ngày 17/7.

Mục đích của phiên thảo luận này là nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm không chỉ của HĐBA, mà của cả LHQ và cộng đồng quốc tế tới vấn đề xã hội quan trọng này. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm sẽ trực tiếp chủ trì phiên thảo luận đó.

Cũng theo đề nghị của Việt Nam, ngày 22/7 tới, HĐBA sẽ có một phiên thảo luận mở về vấn đề Trung Đông. Đại diện của các nước thành viên HĐBA đã đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam, vì đây là vấn đề "nóng" được nhiều người quan tâm, nhưng nhiều tháng qua HĐBA chưa tổ chức một phiên thảo luận mở nào, cho dù nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Trung Đông trong thời gian qua.

Phiên thảo luận này sẽ không chỉ là diễn đàn để các nước thành viên HĐBA và LHQ thể hiện quan điểm và lập trường của mình về vấn đề này, mà còn là dịp để các nước phát huy sáng kiến đưa ra kiến nghị khai thông bế tắc và tìm giải pháp cho nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề Trung Đông.

Cũng trong tháng 7 này, HĐBA sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác, trong đó có những vấn đề khá phức tạp như tình hình ở Kosovo, Gruzia, Somalie…

Cũng theo Đại sứ Lê Lương Minh trong tháng 7, sứ mệnh của nhiều phái bộ LHQ sẽ hết hạn, đòi hỏi HĐBA phải có quyết định gia hạn hoặc điều chỉnh sứ mệnh của các phái bộ này, trong đó có Phái bộ hỗn hợp LHQ và Liên minh châu Phi (UNAMID) ở Dafur, Sudan; Phái bộ LHQ tại Ethiopia/Eriteria; Phái bộ quan sát viên tại Côte d'Ivoire và Phái bộ LHQ tại Nepal…

Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA có thành công hay không phụ thuộc vào vai trò của chủ tịch trong việc điều hành và phối hợp các hoạt động của HĐBA, vai trò trung gian tạo điều kiện dung hòa bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên để HĐBA có tiếng nói chung đối với những vấn đề được thảo luận, khả năng tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan khác của LHQ và khả năng phối hợp với các nước và đối tác ngoài HĐBA và báo chí.

Đại sứ Lê Lương Minh cho biết, tiếp xúc với báo chí là một phần quan trọng trong chức năng của Chủ tịch HĐBA. Theo thông lệ, sau mỗi quyết định hoặc phiên họp của Hội đồng, Chủ tịch HĐBA có nhiệm vụ thông báo cho báo chí và dư luận biết các quyết định của HĐBA và ý kiến của các nước thành viên trong những vấn đề còn chưa thống nhất. Đây là một phần trong nỗ lực minh bạch hóa các hoạt động của HĐBA, mà Việt Nam ủng hộ.

Đại sứ nhấn mạnh, trong khi đóng vai trò điều phối, dung hòa quan điểm và lợi ích giữa các nước thành viên, Chủ tịch phải bảo vệ được quan điểm, lợi ích quốc gia, mà không có thái độ thiên vị trong phương pháp điều hành.

Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng, việc đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐBA trong tháng 7 sẽ càng khẳng định thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, sau nhiều năm đổi mới và hội nhập. Đại sứ cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị tốt để có thể hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA trong tháng 7, đóng góp tốt hơn vào nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, một trong những chức năng chủ yếu của HĐBA LHQ

Lê Nga tổng hợp
.
.