Cục an ninh quốc gia Mỹ - NSA: Phong thủy, bảo mật và… theo dõi ngầm

Thứ Năm, 02/10/2014, 11:30
Thời gian qua, Cục an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị cáo buộc tiến hành các hành động nghe lén các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới. Thậm chí, mới đây tờ The Guardian (Anh) đã dẫn tài liệu của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho hay cơ quan này đã tiến hành nghe lén các cuộc điện đàm của ít nhất 35 nguyên thủ quốc gia.

Một điều được rất nhiều người quan tâm là vì sao NSA có thể làm được như vậy khi mà các nguyên thủ trên thế giới đều được bảo đảm an ninh ở mức tối đa? Tờ The Guardian đã phần nào hé lộ bí mật của NSA khi cho đăng tải những hình ảnh được cho là của một căn cứ bí mật chuyên làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo.

Phong thủy, và công nghệ bảo mật

Nơi tọa lạc của NSA được chọn không phải ngẫu nhiên bởi vì nhân viên của cơ quan chính phủ này là những công chức không bình thường. Đó là “tinh hoa” của các cộng đồng kinh doanh và khoa học Mỹ. Nhiều người trong số họ đã bị lôi kéo đến từ những chức vụ cao trong ngành công nghiệp hoặc các vị trí học thuật danh giá. Không phải vô lý mà người ta cho rằng, thậm chí chỉ cần 10% tổn thất nhân viên của NSA do bị đuổi việc hay chiến tranh cũng là thảm họa đối với đất nước.

Bởi vậy, vấn đề chọn chỗ xây dựng một khu nhà duy nhất cho NSA buộc những nhà sáng lập NSA phải thực sự “cân não”. Việc quy về một mối các cơ quan tình báo và do thám Mỹ vẫn phân tán cho đến lúc nó làm gia tăng khả năng bị tổn thương khi bị đối phương tấn công. Nhưng nếu bố trí nó gần các toà nhà của Bộ Ngoại giao và bộ máy tổng thống Mỹ lại giúp cho thông tin tình báo do NSA thu được chuyển đến đó được nhanh chóng hơn. Và việc bố trí NSA ở xa các cơ quan chính phủ và nói chung xa các thành phố lớn cũng tạo ra khó khăn về nhân lực. Sau những suy tính kéo dài, NSA đã chọn một giải pháp thoả hiệp: bố trí NSA không gần sát thủ đô, nhưng cũng không xa quá. Khu nhà bố trí đại bản doanh NSA nằm ở quãng giữa Baltimore và Washington, tại một thị trấn có tên Fort Meade. Tại đây có dịch vụ giao thông riêng, cảnh sát riêng, có thể cắt tóc, gội đầu, đăng ký thẻ thư viện, đến khám bác sĩ, thậm chí có cả xưởng thu truyền hình. Hiển hiện rõ ràng mọi tiêu chí của một thị trấn Mỹ nhỏ, nhưng thực ra có một khác biệt căn bản: trước khi ngồi vào ghế cắt tóc hay cởi đồ trong phòng khám của bác sĩ, người ta phải trải qua công đoạn kiểm tra dài nhiều tháng, khai mấy chục bản khai, kiểm tra trên máy phát hiện nói dối, ký nhiều loại giấy tờ cam kết không được tiết lộ các tin tức liên quan đến NSA ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.

NSA cũng phát triển chương trình thu thập dữ liệu XkeyScore kết hợp những công cụ gián điệp liên quan.

“Sản phẩm” chính của NSA là các tài liệu tin tức dành cho chính quyền và các cơ quan tình báo Mỹ. Công tác tổ chức chuyển phát tài liệu qua lại trong nội bộ NSA có thể ví như hệ thống tuần hoàn của con người. Giống như các mạch máu lan khắp cơ thể con người, những con đường chuyển tin đi qua tất cả các bộ phận của cơ thể rối rắm của NSA. Việc chuyển tài liệu từ đầu này khu nhà đến đầu kia chiếm không quá 14 phút. Việc sử dụng hệ thống chuyển công văn/tài liệu bằng khí nén đã giảm thời gian này xuống còn 90 giây. Các nhân viên NSA còn có hệ thống liên lạc điện thoại được bảo mật chống nghe lén.

Trong số những điều kiện mà người ta tạo ra cho các nhân viên ở NSA, chiếm một vị trí quan trọng là bộ phận in ấn - thuộc loại hiện đại và mạnh nhất của chính phủ Mỹ. Chỉ cần nói rằng, riêng máy in của nhà in này đã có công suất 1 triệu bản/năm. Do khả năng “khủng” tới vậy nên một vấn đề hóc búa với NSA là lưu trữ và tiêu huỷ các tài liệu cũ in trên giấy.

Kho lưu trữ NSA chứa hàng triệu km băng giấy. Để lưu trữ nó, người ta phải xây dựng một nhà kho đặc dụng được điều hoà nhiệt độ và độ ẩm. Những số liệu năm 1980 cho thấy NSA đã bảo mật trung bình 50-100 triệu tài liệu/năm. Trong các tài liệu này, có nhiều thông tin mật hơn trong các tài liệu của quân đội, CIA, Bộ Ngoại giao và tất cả các bộ ngành chính phủ khác của Mỹ gộp lại. Tính trung bình, NSA phải tiêu huỷ gần 40 tấn giấy tờ mật/ngày. Khi tìm giải pháp cho tình trạng đó, NSA đã thử biến những giấy tờ không cần thiết thành bột nghiền nhỏ. Sau đó, bột này được đóng vào túi nilon và gửi đến nhà máy giấy tái chế. Nhà máy này ở cách khá xa Fort Meade nên gây khó khăn cho việc vận chuyển. Thêm vào đó, không phải tất cả các loại giấy được sản xuất với quy mô khổng lồ để thoả mãn nhu cầu của NSA đều có thể tái chế. Bởi vậy, người ta đã xây dựng thêm một nhà kho phụ rộng 2.000 m2 để cất giữ giấy loại không thể tái chế mà phải đốt.

Bị ngập đầu trong “biển” giấy, NSA đã phải đặt hàng cho một tập đoàn sản xuất phương tiện kỹ thuật tiêu huỷ rác. Năm 1972, tập đoàn này đã trình diễn cho các quan chức NSA một thiết bị tạm gọi là “Con voi trắng” - một chiếc máy có kích thước bằng ngôi nhà 3 tầng trị giá hơn 1 triệu USD có khả năng đốt rác với tốc độ 6 tấn/giờ ở nhiệt độ khoảng 2.000 độ C. 

Trụ sở NSA ở Fort Meade.

Nhưng có một điều “khó chịu” nho nhỏ: “Con voi trắng” không chịu làm việc như trông đợi. Thay vì chuyển đổi thành khí đốt và chất lỏng được dẫn bằng ống khí nén ra khỏi máy, rác thỉnh thoảng lại biến thành khối cứng giống như nhựa đường và phải dùng búa đập vụn để lôi ra khỏi bụng của “Con voi trắng”. Khi NSA cũng phải huỷ hợp đồng thì máy này đã chạy thử được hơn 7 tuần và NSA đã phải trả 70.000 USD trong tổng số 1 triệu USD đã ký kết.

Lẳng lặng theo dõi ngầm

NSA không chỉ hoạt động trong nước, mà còn vươn tới hải ngoại để theo dõi giới chính khách. Một tài liệu tuyệt mật của NSA tiết lộ đơn vị có tên gọi “Ban thu thập thông tin đặc biệt” (SCS) có hoạt động bí mật ở thủ đô Berlin (Đức). SCS được coi là nơi tập hợp các chuyên gia tình báo cừ khôi nhất của NSA, hoạt động mạnh ở 80 khu vực trên khắp thế giới, và 19 trong số đó là ở châu Âu. SCS duy trì 2 căn cứ ở Đức - một ở Berlin và một ở Frankfurt - với những trang thiết bị tình báo tín hiệu hiện đại nhất. Các đội của SCS ẩn thân bên trong các tòa nhà đại sứ và lãnh sự Mỹ ở nước ngoài dưới lốt nhân viên ngoại giao để có được những đặc quyền. Nhờ vậy, họ dễ dàng nhòm ngó và lắng nghe thoải mái mà không thể bị bắt giữ. Việc nghe lén từ một đại sứ quán được coi là bất hợp pháp tại gần như mỗi quốc gia trên thế giới, song đó lại là nhiệm vụ của SCS.

SCS đặc biệt quan tâm che giấu công nghệ, nhất là các hệ thống ăng-ten khổng lồ đặt trên mái các tòa nhà đại sứ và lãnh sự. SCS bí mật kiểm soát các tín hiệu điện thoại di động, mạng Internet không dây và giao tiếp qua vệ tinh. Các thiết bị nghe lén được bố trí ở tầng thượng hay mái tòa nhà đại sứ quán, nơi mà công nghệ gián điệp có thể bắt được các tín hiệu radio yếu nhất được che đậy bằng bức màn che chắn khổng lồ nhằm để tránh né những ánh mắt tò mò từ trên không. Còn nhân viên SCS làm việc bên trong những phòng nhỏ kín đáo không cửa sổ đầy những sợi cáp cũng ở sát mái nhà. Họ có thể chặn bắt các tín hiệu điện thoại di động cùng lúc định vị đối tượng mục tiêu. Đầu tháng 9 vừa qua, một công cụ gián điệp khác của NSA được cấu hình để rình mò trên một loạt các chương trình bảo mật được sử dụng bởi các nhà báo và một số ít người khác được công bố như một phần của cuộc điều tra từ hai đài truyền hình Đức. Công cụ này có các đặc tả kĩ thuật theo dõi cho XKeyScore - một chương trình mạnh mẽ của NSA để thu thập và sắp xếp dữ liệu bị chặn.

Các báo cáo mô tả cách thức một số dạng mật mã cho phép XKeyScore theo dõi người dùng kết nối với The Onion Router (TOR) - một mạng lưới mã hóa lưu lượng truy cập dữ liệu thông qua máy chủ ngẫu nhiên để xác định một người lướt web. TOR là một dự án ban đầu bắt đầu bởi Hải quân Mỹ, được coi là một công cụ bảo mật quan trọng và cũng là một trong những thứ đã cản trở việc giám sát NSA trong quá khứ. NSA đang giám sát hai máy chủ TOR tại Đức, trong đó có một máy được điều hành bởi Sebastian Hahn, một sinh viên khoa học máy tính 28 tuổi tại Đại học Erlangen của Đức. Máy chủ này được biết đến với tên gọi Directory Authority, một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng của TOR, cung cấp một danh sách các thiết bị trong mạng để các máy tính kết nối vào mạng. Theo đó, bộ sưu tập các siêu dữ liệu về những người kết nối với máy chủ của NSA gây ra cho họ những nguy cơ rủi ro về bảo mật.

Các quy luật khác trong mã cho thấy NSA đang theo dõi người dùng ghé thăm những trang web công cộng cho các dự án riêng tư bao gồm dự án TOR; Tails, một hệ điều hành di động tập trung về tính riêng tư; và trang web của tạp chí Linux Journal. Trong thực tế, phần mềm này được sử dụng bởi các nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền và hàng trăm ngàn người dân bình thường khác - vốn là những người chỉ đơn thuần muốn bảo vệ sự riêng tư của họ.

NSA hiện chưa đưa ra bình luận gì. Cơ quan này nói với các đài truyền hình trong một tuyên bố bằng văn bản rằng họ sẽ không sử dụng thông tin liên lạc của người dân không phải là những mục tiêu tình báo nước ngoài”. NSA cũng khẳng định XKeyScore tuân thủ theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1/2014, trong đó cho biết lợi ích riêng tư của người dân trên toàn thế giới được coi như là một phần của các hoạt động tình báo Mỹ…

Hồng Hạnh – Quân Trần (theo The Guardian)
.
.