Tài sản của cán bộ

Con cọp không răng

Chủ Nhật, 02/04/2017, 09:58
Quan chức phải kê khai tài sản của mình, song nếu như không thể kiểm soát, công khai thì việc trông chờ vào nó để phòng chống tham nhũng là điều hết sức mông lung. Nó cũng giống như con cọp mà không có răng vậy.

Thật vô lý nếu mặc định làm cán bộ lãnh đạo thì không được phép giàu có, tuy nhiên sẽ càng vô lý hơn nếu cán bộ lãnh đạo tự nhiên lại có rất nhiều tài sản mà không trải qua bất cứ quá trình kinh doanh, buôn bán nào.


Báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 vừa được công bố cho thấy, không phát hiện một trường hợp tiêu cực nào trong kê khai tài sản cán bộ công chức; và nhiều tỉnh còn báo cáo không hề có bóng dáng của tham nhũng. Thế nhưng cũng trong thời gian đó, nhiều quan chức tỉnh đã "lộ" ra khối tài sản khổng lồ khiến dư luận không khỏi hoài nghi về kết quả trên.

Cũng dễ hiểu, với cơ chế tiền lương công chức còn thấp hiện nay, trong đó, kể cả lương của lãnh đạo thì những trường hợp quan chức giàu có, sở hửu tài sản hàng chục, hàng trăm tỉ là điều đáng bị dư luận đặt câu hỏi, cho dẫu việc kê khai tài sản là đúng nguyên tắc, quy trình. Ở đây, người ta dễ dàng nhìn thấy có một sự "bất thường". 

Cũng như chúng ta hay nghe nhiều công chức than phiền về đồng lương không đủ sống nhưng việc được tuyển dụng làm công chức vẫn là mơ ước của số đông. Và có cả một số đông người sẵn sàng bỏ ra một số tiền bằng hàng trăm tháng lương để "chạy" làm công chức.

Minh họa: Lê Phương.

Câu hỏi đặt ra cho nghịch lý này là vì sao đồng lương không đủ sống nhưng người ta vẫn thích làm công chức, để rồi than phiền vì đồng-lương-chết-đói? Câu hỏi này quả là rất cắc cớ. Nó khiến người ta không thể nào né tránh một sự thật là chẳng có công chức nào bị nghèo đói vì lương thấp cả! Và nếu như có một cuộc khảo sát nghiêm túc xung quanh câu hỏi này thì liệu câu trả lời có ngoài hai chữ "tham nhũng" (?!).

Song, công bằng mà nói, không phải cứ làm quan chức là phải thanh bần, sống trong cái nhà như cái thảo am thì mới được gọi là quan chức thanh liêm. Quan chức thời nay vẫn có thể giàu có, như nhiều trường hợp trước khi làm quan họ đã làm kinh tế. Vấn đề là trong lúc làm kinh tế, họ có sử dụng quyền lực để vun vén cho mình hay không. 

Thực tế có những công chức sử dụng quyền năng của mình để làm giàu, họ chuyển hóa quyền lực của mình thành tiền bạc một cách dễ dàng. Đơn giản như chuyện cấp giấy phép hay phân bổ nguồn lực... Họ chỉ cần dùng quyền để "hô biến" thì có thể "bỏ túi" một số tiền lớn.

Cho nên nhiều ý kiến cho rằng, những ai có quyền hô biến như thế thì phải giám sát thật chặt. Nhưng giám sát như thế nào? Hiện nay, nước ta được đánh giá là quốc gia có số lượng cán bộ, công chức buộc phải kê khai tài sản lớn nhất (trên 1 triệu người). Song, việc minh bạch tài sản, thu nhập có thật sự là công cụ quan trọng để phòng ngừa tham nhũng hay không? Liệu điều này có giúp xã hội giám sát được nguồn tài sản của quan chức hay không? 

Qua đó, quan chức có thật sự thực hiện trách nhiệm minh bạch tài sản với công chúng hay không? Tất nhiên là có, nhưng cũng có một thực tế tồn tại là rất khó để người dân bình thường đánh giá sự minh bạch trong các bản kê khai, nếu không nói là họ không thể tiếp cận với các bản kê khai này.

"Kê khai tài sản mà chỉ công khai nội bộ rồi đóng dấu mật thì làm gì có minh bạch" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương có nói như vậy. Còn TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thì thẳng thắn: "Kê khai mà không công khai rộng rãi, công khai mà không gắn với trách nhiệm giải trình thì không thể minh bạch được". Người ta ví luật Việt Nam như "cọp không răng" là vậy.

Hầu hết, nếu không nói là tất cả quan chức buộc phải kê khai tài sản đều được đánh giá là kê khai đúng nguyên tắc và đầy đủ. Nhưng vấn đề là việc kê khai đó có chính xác, có trung thực hay không thì cần phải qua công tác kiểm soát và xác minh mới biết được. 

Và, đây là kết quả: theo tính toán thì ở nước ta, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai là 0,057%. Tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai thì chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập.

Điều đó cũng cho thấy, không thể chờ đợi vào những bản kê khai tài sản của quan chức trong con đường đấu tranh chống tham nhũng nếu những bản kê khai đó không hề được công khai minh bạch và giám sát chặt chẽ.

Và với tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối vối tổng bản kê khai như thế, thật dễ để hiểu vì sao trong các bản báo cáo về các trường hợp tham nhũng tại các địa phương nhiều năm liền đều là con số 0. Trong khi đó Chính phủ đánh giá là tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều cấp ngành với phạm vi rộng và tính chất phức tạp. 

Điển hình, theo báo cáo từ Thanh tra Chính phủ thì từ cuối năm 2015 đến 10/2016, Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Và theo thống kê thì các vụ án, vụ tham nhũng trong năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng đã đánh giá rằng, công tác phòng chống tham nhũng hiện nay chỉ đạt 58,11/100 điểm, có nghĩa là mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đề ra là còn rất xa!

Con người ở xã hội nào thì cũng bị chi phối bởi lợi ích. Và tham nhũng vẫn sẽ tồn tại khi nó có môi trường để dung dưỡng và phát triển. Đó là một môi trường xã hội thiếu công khai minh bạch và công cụ kiểm soát lợi ích. 

Cũng như hiện tại, quan chức phải kê khai tài sản của mình; song, nếu như không thể kiểm soát việc kê khai đó có chính xác hay không và tài sản kê khai đó phải được giải trình cụ thể như thế nào thì việc trong chờ vào nó để phòng chống tham nhũng là quá mông lung. 

Hoàng Lãm
.
.