Tranh cử Tổng thống Mỹ:

Có kiêng có lành

Chủ Nhật, 01/06/2008, 10:00
Theo những tư liệu mà website Washprofile thu thập, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra hiện nay, cả ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain lẫn hai ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama và Hillary Clinton ở những mức độ ít nhiều khác nhau đều tin vào các điềm (lành hay gở) trong hoạt động chính trị. Đôi khi họ giấu kỹ điều này nhưng lắm lúc lại tỏ ra tự hào vì sự mê tín thái quá đó.

Cựu đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton chưa bao giờ công khai tuyên bố rằng bà tin vào các điềm báo mang tính tâm linh. Tuy nhiên, đôi lúc bà cũng lỡ lời để lộ "gót chân Asin" này. Thí dụ như tháng 9/2007, trong một chương trình truyền hình, bà đã thốt ra như sau: "Quý vị có biết không, tôi luôn sợ rằng nói trước bước không qua nên tôi không bao giờ kể về những việc mà tôi đang định làm".

Tháng 1/2008, bà Hillary đã trả lời như sau trước câu hỏi về việc liệu bà có mời ông Obama (đối thủ chính của bà trong việc lựa chọn ứng cử viên Tổng thống duy nhất của đảng Dân chủ) tham gia liên danh cùng bà với tư cách ứng cử viên cho chức Phó Tổng thống: "Tôi không có quyền suy nghĩ quá xa về chuyện sắp tới vì việc này sẽ dẫn đến thất bại. Tôi rất mê tín!".

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra lại gợi nhớ tới việc, những chuyện kiêng kị như vậy có thể  cũng là thói quen của cả cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Các nhà quan sát  còn nhớ rằng chính ông Bill Clinton đã từng nói một câu tương tự như vợ mình năm 2005, khi ông, lúc đó đang là chủ nhân Nhà Trắng, kể về các kế hoạch của mình: "Phải nói trước là tôi rất mê tín".

Năm 2007, tờ "USA Today" đưa tin, cựu Tổng thống Bill Clinton tuyên bố rằng ông còn chưa bàn bạc với bà Hillary về các dự định làm việc trong tương lai của ông, nếu bà đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Bill Clinton đã giải thích một cách đơn giản: "Tôi vẫn chưa khơi ra chuyện này vì tôi mê tín!".

Tháng 1/2008, ông Bill Clinton lại tiếp tục nói theo cái giọng cũ đó: "Tôi rất mê tín nên chủ trương không nhìn quá xa về phía sau cuộc bầu cử sắp tới". Trước đây chưa từng có thông tin cụ thể về chuyện mê tín của ông Bill Clinton nên có lẽ đành phải công nhận rằng những tuyên bố về những nỗi e ngại bí ẩn chỉ là hỏa mù để che giấu những ý nghĩ thực của chính trị gia này.

Ông Obama trong diễn tiến của cuộc vận động tranh cử hiện nay cũng đã phát hiện ra được một điềm lành đối với ông. Đó là một cách khá bất thường để làm gia tăng vận may: vào ngày bầu cử, ông Obama ra sân chơi bóng rổ, hoặc ít nhất là lại gần bảng bóng rổ và thử ném bóng vào rổ.

Hoá ra là, trong những ngày mang tính gay cấn đối với ông Obama, lúc diễn ra cuộc họp kín của đảng  Dân chủ  ở bang Iowa và cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang Nam Carolina, ông Obama đều đi chơi bóng rổ và sau đấy, đã đều giành được thắng lợi một cách bất ngờ.

Tháng 2/2008, xuất hiện trong chương trình truyền hình đông khách "60 Minutes", ông Obama tuyên bố rằng, tới ngày bầu  cử Tổng thống 4/11 sắp tới, ông cũng sẽ đi chơi bóng rổ với hy vọng việc này sẽ giúp ông giành được chiến thắng.

Của đáng tội, sau đó các nhân viên trong Ủy ban vận động tranh cử của ông Obama đã "hiệu đính" thông tin của sếp một chút ít bằng cách nói rằng: không phải trước mọi cuộc bầu cử sơ bộ ông Obama đều có thời gian rảnh rỗi thực hiện "nghi lễ tâm linh" là đi chơi bóng rổ để giành lấy vận may.

Các nhà quan sát Mỹ cho rằng, người có nhiều điềm kiêng kị nhất chính là ứng cử viên đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ  John McCain. Ông McCain không hề giấu giếm rằng, kiêng kị một số việc nhất định từ lâu đã là một phần tất yếu không thể thiếu được trong cuộc sống của người cựu phi công chiến đấu này.

Thí dụ, tất cả đều biết rằng, khi ngồi ăn, không ai được chuyền  tay cho ông McCain lọ muối - ông luôn luôn yêu cầu phải để lọ muối đó xuống bàn cạnh ông để ông tự tay cầm nó lên (theo thói quen mê tín của người Mỹ, chuyền tay lọ muối cho nhau có thể gây ra những thất bại trong công việc).

Ông McCain cũng không bao giờ đặt mũ của mình xuống giường - theo phong tục tồn tại ở các bang miền Nam nước Mỹ, những cử chỉ tương tự có thể dẫn tới việc một trong những chủ nhân của ngôi nhà sẽ chết trong tương lai gần.

Trong nhiều thập niên liền, ông McCain luôn mang trong ví mình số tiền lẻ không bao giờ tiêu đến là 31 cent (100 cent bằng một USD), còn trong một túi áo khoác là cái la bàn có thể giúp ông không bị lạc lối trong "rừng rậm chính trường"; ở túi bên kia là một cái lông chim may mắn do một vị tù trưởng người da đỏ tặng cho từ thuở nảo thuở nào.

Có một lần, ông McCain không tìm thấy cái lông chim ấy trong túi áo nên các thành viên trong Ủy ban vận động tranh cử của mình phải tốn rất nhiều công đi tìm nó mà không thấy. Cuối cùng phu nhân của ông mới tìm ra "bảo bối" bất ly thân đó của chồng. Ông McCain còn giữ kè bè cạnh mình một đồng tiền 25 cent được đúc từ năm 1976 mà ông coi là dấu hiệu của hạnh phúc…

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, ông McCain đã được trao cho thêm vài "bảo bối" mới. Một ông chủ tờ báo không lớn lắm "Union Leader", xuất bản tại một thành phố nhỏ của bang New Hampshire, đã tặng ông McCain đồng một cent mà ông ta đã tìm thấy trên phố trong ngày diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đang mang lại chiến thắng bất ngờ giòn giã cho ông McCain. Đồng xu này đã được bỏ ngay vào túi ông ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa.

Tiếp đó, tại khách sạn ở bang Nam Carolina, nơi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ thứ hai của mùa vận động tranh cử Tổng thống năm nay, ông McCain lại tìm thấy đồng một cent thứ hai. Và ông lại giành chiến thắng ở cuộc bầu cử sơ bộ này. Thế là đồng một cent ấy cũng trở thành "bảo bối" của ông McCain.

Không ai biết đích xác hiện nay ông McCain có bao nhiêu "bảo bối" và bao nhiêu "nghi lễ thiêng liêng" để hỗ trợ cho chiến thắng. Theo tờ "Washington Times", người ta chỉ biết thời điểm mà ông McCain bắt đầu mê tín các "bảo bối". Đó là khi ông còn là phi công chiến đấu.

Giữa đám "giặc trời" của lực lượng không quân Mỹ, những thủ tục mê tín này rất được ưa chuộng từ lâu. Một số thói quen của ông McCain, thí dụ như việc sưu tập các "đồng tiền hạnh phúc" vốn là phong tục của dân Scotland và Ireland, quê hương lịch sử của dòng họ vị Thượng nghị sĩ Mỹ này.--PageBreak--

Năm 2008, chủ hãng vodka Zodiac (đây là loại vodka làm từ khoai tây ở Mỹ, công ty quảng cáo của hãng rượu này được xây dựng trên cơ sở  sử dụng các biểu tử vi) tuyên bố rằng, việc nghiên cứu các biểu tử vi của tất cả các đời Tổng thống Mỹ và các ứng cử viên Tổng thống hiện nay có phép nêu ra một cách đích xác tên họ người chủ sắp tới của Nhà Trắng.

Theo các nhà tử vi học của hãng vodka này, người có sao chiếu mạng Sư tử (ông Obama) trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vượt lên trên người có sao chiếu mạng Bò cạp (bà Hillary Clinton), còn trong cuộc bỏ phiếu chính thức ngày 4/11 tới, chiến thắng sẽ thuộc về người có sao chiếu mạng Thất nữ (ông McCain).

Thực tế sẽ cho thấy, những lời tiên đoán mang nặng mùi cồn này sẽ đúng đến đâu. Còn hiện thời thì nhiều nhà quan sát cho rằng, cả bà Hillary Clinton lẫn ông Barack Obama đều có  khả năng  đánh bại ông John McCain, một khi một trong hai người này trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 4/11 tới.

Nói chung, mê tín đến mức lắm khi dị đoan đã là truyền thống lâu năm trên chính trường Mỹ. Những điềm lành dữ hay các thói quen kiêng kị thường dựa trên những sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc các quy luật đã được đúc kết trong quá trình diễn ra các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trước chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 1872 của ông Ulysses Sympson Grant, tại Mỹ đã tồn tại một định kiến cho rằng, cơ hội tái đắc cử Tổng thống lần hai không thể có ở những chính trị gia có tên lót. Định kiến này xuất hiện sau những nỗ lực tái tranh cử của những vị Tổng thống như John Quincy Adams, Martin Van Buren, William Henry Harrison và James Knox Polk… Ông Grant đã xóa bỏ được định kiến này.

Tuy nhiên, sau đó, cái quy luật nhân tạo ấy lại là hữu lý trong không chỉ một trường hợp. Những vị Tổng thống có tên lót sau đây đã không thể nào tái đắc cử được: Rutherford Birchard Hayes, James Abram Garfield và Chester Allan Arthur, trong khi những vị Tổng thống không có tên lót là William McKinley, Theodore Roosevelt… lại thành công trong những nỗ lực ngồi lại Nhà trắng thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

"Lời nguyền tên lót" đã ảnh hưởng cả tới Tổng thống Grover Cleveland: Ông này đã giành được chiến thắng trong lần đầu tranh cử Tổng thống khi dùng cả tên lót "Stephen" nhưng tới giữa nhiệm kỳ thứ nhất, đã bỏ đi tên lót. Kết quả là ông lại giành được chiến thắng cả trong lần thứ hai tái tranh cử Tổng thống.

Cho tới ngày hôm nay tại Mỹ người ta vẫn tin vào quy luật là một Thượng nghị sĩ đương nhiệm thì thường là không thể nào đắc cử chức Tổng thống. Có lẽ trong năm 2008, quy luật này sẽ bị vô hiệu hóa vì ít nhất có một lý do nhỡn tiền: cả ba ứng cử viên chính của Tổng thống Mỹ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang đương nhiệm Thượng nghị sĩ.

Lần gần đây nhất trên chính trường Mỹ có được một kết quả tương tự là vào năm 1960 xa xôi: khi đó người giành được chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng là Thượng nghị sĩ John Kennedy - từ đó tới nay, chỉ các Thống đốc hay Phó Tổng thống mới có cơ hội trở thành Tổng thống Mỹ.

Định kiến về sự không may của các Thượng nghị sĩ đương chức trong các cuộc đua vào Nhà Trắng đã hình thành từ đầu thế kỷ XIX: năm 1824, ứng cử viên John Quincy Adams đã đánh bại Thượng nghị sĩ Andrew Jackson. Năm 1825, ông Jackson chia tay với Thượng viện nhưng không phải với những tham vọng trở thành Tổng thống và ba năm sau đó, ông đã giành lấy thế thượng phong và gần như đã nhấn chìm đối thủ cũ, ông Adams. Cũng từ năm đó, các Thượng nghị sĩ đương chức rất ít khi giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Tổng thống.

Vị Tổng thống thứ 20 James Garfield năm 1880 đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống khi ông vừa được bầu làm Thượng nghị sĩ nhưng về hình thức thì ông này chưa thể được coi là Thượng nghị sĩ vì ở thời điểm đó, ông chưa đọc diễn văn nhậm chức và cũng chưa thực sự bắt tay vào thực hiện chức trách của một Thượng nghị sĩ.

Các Phó Tổng thống cũng rất hiếm khi đắc cử Tổng thống sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong cả lịch của sử nước Mỹ, chỉ có 4 lần các Phó Tổng thống về sau trở thành Tổng thống. Vị Phó Tổng thống đầu tiên được chuyển lại vào Nhà Trắng với tư cách Tổng thống thông qua bầu cử là ông Thomas Jefferson năm 1804. Sự kiện tương tự chỉ diễn ra với nước Mỹ năm 1836 (khi đó, nguyên Phó Tổng thống Martin Van Buren đã đắc cử Tổng thống).

Vị Phó Tổng thống thứ ba giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống là ông George Bush cha. Vị Phó Tổng thống thứ tư về sau cũng được làm Tổng thống là ông Gerald Ford, tuy nhiên, không phải qua bầu cử. Ông Ford mặc nhiên trở thành vị Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ chỉ đơn giản vì người tiền nhiệm của ông, Richard Nixon, đã bị mất chức bởi vụ tai tiếng Watergate…

Nhật Anh
.
.