Cơ hội cuối cùng hay cuộc chiến đầu tiên?

Thứ Sáu, 16/04/2021, 21:00
Kinshasa - thủ đô Congo - sẽ là một địa danh mà giới quan sát quốc tế dồn rất nhiều sự chú ý trong những ngày tới. Đó được coi là cơ hội cuối cùng để Ethiopia, Ai Cập và Sudan có thể thống nhất với nhau về những biện pháp kỹ thuật dành cho đập Đại Phục Hưng (Grand Ethiopian Renaissance) - đập thủy điện lớn nhất trên sông Nile. Song, đó cũng có thể sẽ là nơi khởi phát một cuộc xung đột thực thụ, với lý do chưa từng xuất hiện để châm ngòi cho bất cứ cuộc chiến tranh nào: Nước sạch.


Quyền năng của cơn khát

Cho đến nay, Ai Cập vẫn chưa có một hành động cứng rắn cụ thể nào. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ rằng quốc gia với tiềm lực quân sự hàng đầu khu vực Bắc Phi ấy hoàn toàn có đủ khả năng để tiến hành mọi biện pháp mà họ xem là cần thiết, nhằm “đòi lại công bằng”. Bởi vì, đập Đại Phục Hưng không chỉ là “chuyện riêng” của Ethiopia. Ngược lại, nó quan hệ trực tiếp và sâu sắc đến tình trạng kinh tế - xã hội của không chỉ riêng Ai Cập.

Nhưng, Ai Cập chính là quốc gia láng giềng sẽ phải chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất. Với lãnh thổ nằm ở hạ nguồn và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng nước sông Nile - nguồn cung khoảng 97% nước tưới tiêu và sinh hoạt, có đầy đủ lý do để lo ngại rằng mức trữ nước của đập Đại Phục Hưng sẽ khiến các vận động xã hội Ai Cập trở nên rối loạn, với tất cả mọi kết cấu đều có thể bị tổn thương, từ vi mô đến vĩ mô.

Mức trữ nước của đập Đại Phục Hưng là bao nhiêu? Tháng 7-2020, giai đoạn tích nước đầu tiên đã hoàn thành, với tổng dung tích nước là khoảng 4,9 tỷ m3. Trong giai đoạn kế tiếp bắt đầu diễn ra từ tháng 2-2021 - yếu tố then chốt khiến căng thẳng lại gia tăng, con số dự tính sẽ lên tới 13,5 tỷ m3 vào tháng 6 tới. Và cuối cùng, để lấp đầy dung tích hồ chứa rộng 1.800 km2 của đập Đại Phục Hưng, Ethiopia sẽ giữ lại đến 74 tỷ m3 nước trong lãnh thổ của mình.

Ai Cập từng tỏ ý sẵn sàng hành động cứng rắn vì quyền sử dụng nước của mình.

Đó là một con số khủng khiếp, nếu nhìn từ đôi mắt của những người dân ở phía hạ lưu sông Nile - “dòng sông Mẹ” của nền văn minh Ai Cập - Bắc Phi 5.000 năm. Khiến cho mọi việc trở nên đáng sợ hơn nữa, tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra gay gắt hăm dọa rằng những sự đổ gãy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Hơn 100 triệu sinh mạng đang phụ thuộc vào nguồn nước sông Nile và chỉ một trận hạn hán thôi, đập Đại Phục Hưng có thể chính thức trở thành biểu tượng thảm họa.

Việc Ethiopia giữ lại một dung tích nước khổng lồ cho đập Đại Phục Hưng rõ ràng sẽ khiến nguồn cung nước sạch thiếu hụt đối với toàn khu vực.

Sudan lại có cách tiếp cận khác và cũng lo ngại những vấn đề khác hơn một chút, so với Ai Cập. Họ cũng là một quốc gia sở hữu không ít đập thủy điện, dĩ nhiên là ở quy mô nhỏ hơn đập Đại Phục Hưng. Chuyện lưu lượng nước hao hụt hoàn toàn có thể làm hư hại các công trình thủy điện đó và có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cả nước lẫn điện phục vụ người dân.

Chính vì thế, suốt 10 năm qua, kể từ khi đập Đại Phục Hưng được khởi công, Ai Cập và Sudan đã luôn cảm thấy bất an. Kể từ tháng 7 năm ngoái, khi giai đoạn tích nước đầu tiên của đập hoàn thành, nỗi sợ hãi cơn khát đã trở lại và dần biến chuyển thành những mầm mống xung đột.

Vì thế, khi đương kim Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi khẳng định rằng Cairo thực lòng mong muốn đạt được một thỏa thuận trước mùa lũ sắp tới, cũng như bày tỏ hy vọng các cuộc họp do Liên minh châu Phi (AU) bảo trợ sẽ thành công trong việc khởi động lộ trình hiệu quả cho các cuộc đàm phán với sự tham gia của những đối tác quốc tế, nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề kỹ thuật và pháp lý đang tranh chấp, để tiến tới một thỏa thuận toàn diện về các công đoạn trữ nước cũng như vận hành đập Đại Phục Hưng..., thì cũng không nên quên rằng, trước đây, chính ông từng cảnh báo: Ai Cập sẽ hành động, nếu nguồn nước sông Nile của mình bị đe dọa.

Nỗi ám ảnh với tương lai

Những thông điệp của Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã được chuyển tới Kinshasa, ngay trước thềm cuộc thảo luận mới với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao cũng như người đứng đầu ngành thủy lợi của 3 phía: Ethiopia - Ai Cập - Sudan. Nhưng, đích đến quan trọng nhất của thông điệp ấy là tổng thống nước chủ nhà Congo (đồng thời là Chủ tịch luân phiên của AU) Félix Antoine Tshisekedi.

Cần phải nhấn mạnh rằng không chỉ AU, cả những trung tâm quyền lực chính trị toàn cầu cũng đang rất quan tâm đến câu chuyện đập Đại Phục Hưng, bởi những nguy cơ tiềm ẩn về sự bất ổn trong khu vực ấy. Trong thế giới phẳng hiện tại, còn rất ít những vận động riêng biệt và không thể tác động đến một phạm vi lớn, thậm chí là ở tầm mức châu lục hay thế giới. Nếu Bắc Phi và vùng Sừng châu Phi bất ổn, Địa Trung Hải hay Hồng Hải cũng sẽ dậy sóng. Bên kia Địa Trung Hải là châu Âu - vốn đã và đang vật vã tìm cách giải quyết vấn đề phát sinh từ những dòng người nhập cư bất hợp pháp. Còn bên kia Hồng Hải chính là Vùng Vịnh - “rốn dầu” của hành tinh.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều sốt sắng tỏ ý muốn đóng vai trò trung gian hòa giải, theo lời kêu gọi của Sudan cuối tháng 3. Các đại diện phương Tây - đặc phái viên của Mỹ tại Sudan Donald Booth và Trưởng Phái đoàn EU tại Sudan Robert van den Dool - cùng nhấn mạnh: Cần phải đạt được một giải pháp ngoại giao trong vấn đề đập Đại Phục Hưng, dựa trên việc tiếp cận một cách thỏa đáng, đảm bảo việc sử dụng điện của Ethiopia, an ninh đối với toàn vẹn lãnh thổ của Sudan và sự an toàn của các con đập của nước này, cũng như các quyền về nước của Ai Cập.

Đợt trữ nước thứ hai của đập Đại Phục Hưng bắt đầu diễn ra.

Không ai muốn có thêm một cuộc xung đột hay một cuộc chiến tranh nữa. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là Ethiopia sẽ tiếp cận vấn đề như thế nào, tiếp tục không thỏa hiệp, hay chấp nhận một số nhượng bộ cần thiết?

Đập Đại Phục Hưng, với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, không chỉ là một công trình mang tính biểu tượng cho sự phát triển của đất nước ấy. Đó là bàn đạp để Ethiopia thực sự tiến vào kỷ nguyên điện khí hóa, cũng là nền tảng tài chính cho tương lai, khi con đập và nhà máy thủy điện lớn nhất châu Phi ấy được kỳ vọng sẽ biến Ethiopia thành nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Phi. Những tầng lợi ích cốt lõi đó khiến cả thập niên qua, họ nhất quyết thực hiện bằng được “đại kế hoạch” này, cho dù có phải đánh đổi bằng việc mối quan hệ với hai nước láng giềng xấu đi rõ rệt.

Vấn đề còn là việc trong quá khứ, chính Ai Cập cũng từng bị phàn nàn vì có những biểu hiện “độc chiếm” tài nguyên nước sông Nile - con sông mà lưu vực trùm phủ lên 11 quốc gia. Có điều, trong quá khứ, tiến trình biến đổi khí hậu chưa biến mọi thứ trở thành khắc nghiệt như hiện tại và thế giới cũng chưa “phẳng” đến như hiện tại. Loài người cũng chưa phải cùng nhau đối diện với những nguy cơ tồn vong đích thực như hiện tại.

Hiện tại, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã và đang tạo nên nhiều nguy cơ hơn, đồng thời cũng đặt ra nhiều sứ mệnh về tinh thần trách nhiệm hơn, đòi hỏi nhiều sự chia sẻ và hy sinh hơn, cho mọi quốc gia. Trong khi đó, những nguồn tài nguyên tưởng chừng vô tận, cuối cùng cũng đã trở nên hữu hạn. Không ai còn có thể nghi ngờ thực tế này, khi chứng kiến những  băng sơn Bắc Cực - nguồn trữ nước sạch tưởng chừng vĩnh cửu - tan chảy với tốc độ chóng mặt.

Và hiện tại, không chỉ sông Nile, mọi con sông lớn đều có thể trở thành những mỏ tài nguyên vô giá, từ Amazon đến Mekong. Chỉ cần một quốc gia hành xử thiếu trách nhiệm, hàng loạt đất nước khác sẽ phải đối diện với nguy cơ khô khát.

Một câu chuyện cũ cũng có thể nhắc đến: Từ thời Xuân Thu, những năm 600 TCN, trong nội bộ Trung Quốc cổ, nước Tề của Tề Hoàn Công và Quản Trọng cũng đã nêu rõ một điều khoản trong khi đứng đầu minh ước chư hầu (của nhà Đông Chu): Không chặn dòng nước sông (Hoàng Hà)...

Thiên Phong
.
.