Trào lưu tâm thư hay chuyện đời phù phiếm

Chuyện đời phù phiếm

Thứ Hai, 05/10/2015, 10:46
Nếu vạn sự được thay đổi chỉ bằng một bức thư, thì loài người cần gì luật định. Ấy là tôi nghĩ vậy.

1. Độ hai năm trước, làng giải trí Việt rộ lên trào lưu viết tâm thư. Trào lưu này, song hành cùng sự phát triển của trang mạng xã hội facebook cũng như nhiều tờ báo mạng khác.

Nghệ sĩ ý thức rất rõ những gì nghệ sĩ gọi là tâm thư sẽ được báo mạng chuyển tải đến đám đông nhanh chóng như thế nào.

Chuyện gì cũng có tâm thư, cãi nhau cũng tâm thư, bị tố cáo lừa tình gạt tiền cũng tâm thư, vô tình hay hữu ý tạo scandal cũng tâm thư, chém gió cũng tâm thư…

Thế nhưng, tâm thư của nghệ sĩ có sức lan tỏa chỉ gói gọn trong những câu chuyện phù phiếm, không có khả năng tác động mạnh đến xã hội. Tuy nhiên, mọi thứ hiện tại đã diễn biến theo chiều hướng khác đi rất nhiều.

Trong chuyên đề trước, chúng tôi có nhắc đến những tấm biển được xem là phương tiện để đạt được mục đích mà người trưng biển hướng đến. Tâm thư, cũng từa tựa vậy. Có điều, tâm thư thường kích thích được cảm xúc từ đám đông. Mà mỗi lần đám đông được kích thích cảm xúc, thì rất khó để lường trước những áp lực khiến người có trách nhiệm lúng túng.

Cảm xúc, chính là thứ đánh lừa lý trí vĩ đại nhất mà con người may mắn (hoặc không may mắn) sở hữu. Có quá nhiều thứ trong cuộc sống này phát sinh ra bi kịch chỉ từ cảm xúc. Lâu trước, tôi có đọc đâu đó nghiên cứu về cảm xúc đánh lừa khả năng tư duy của con người như thế nào?

Tỉ như, gặp lại người yêu cũ trong một bối cảnh rất riêng. Mặc dù tư duy  đã thôi thúc, tốt nhất là phải thoát khỏi không gian riêng tư này, vì biết đâu sẽ xảy ra chuyện không nên xảy ra. Nhưng cảm xúc ùa về, chuyện lửa rơm cứ tự nhiên mà thành.

Trong bộ truyện Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung có một chi tiết rất hay về cảm xúc. A Tử là em gái của A Châu. A Châu là người mà Kiều Phong yêu thương rất mực. Đáng tiếc, A Châu lại là con của Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Thuần lại là kẻ thù bất cộng đới thiên với Kiều Phong. A Châu có thuật hóa trang vô cùng vi diệu, A Châu đã dịch dung mình thành Đoàn Chính Thuần, Kiều Phong không nhận ra xuống tay đánh chết A Châu. Lúc sắp lìa trần, A Châu có yêu cầu Kiều Phong phải chăm sóc em gái của A Châu là A Tử. Kiều Phong đồng ý.

Kiều Phong là trượng phu, A Tử là cô gái mới lớn. Chẳng có gì là khó hiểu khi A Tử một lòng luyến ái Kiều Phong. Bất chấp, Kiều Phong trước sau cũng chỉ xem A Tử là cô em gái mà Kiều Phong có trách nhiệm dưỡng dục.

Có rất nhiều chi tiết gây tranh cãi liên quan đến cảm xúc. Tôi lẩn thẩn, nên lấy chuyện được biết đại trà cho khỏi mất lòng ai.

Nếu Tống Giang đừng để cảm xúc đánh lừa mà về với triều đình, thì mọi chuyện đã khác.

Nếu Quan Vân Trường hôm ấy ở Hoa Dung đạo không tha cho Tào Tháo thì liệu cái họa Thục bị diệt có xảy ra hay không?.

2. Tình, là điều không thể thiếu trong cuộc sống này. Ngay cả pháp luật cũng có nhiều tình tiết để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Cái này đích xác là tình, chứ không phải là gì khác.

Thế nhưng, tình và cảm xúc tưởng chừng như nhau nhưng lại có nhiều nét dị biệt.

Tôi đọc nhiều câu chuyện về chiến tranh, tôi xem nhiều bộ phim về chiến tranh, luôn có cảm giác buồn bã. Vì những quy định cứng nhắc đến mức không thể nào hiểu được.

Tuy nhiên, đó là điều kiện tiên quyết nhất để có thể đạt đến mục đích chiến thắng. Nơi đó, chỉ có kỷ luật và quy định.

Một xã hội muốn phát triển, chắc chắn phải là một xã hội thượng tôn pháp luật. Đó là một xã hội mà đối với cái chung được xác định là đúng chuẩn mực, thì không có chỗ cho những hành vi được quy chuẩn bởi cảm xúc. Như lính xung trận, chỉ biết đến lệnh của tướng.

Nhưng biết làm sao được, bởi đa phần người Á Đông vẫn đặt chữ tình lên trên hết.

3. Lâu trước, tôi cùng đồng nghiệp thực hiện tuyến bài viết về một trường hợp rất thương tâm. Mà từ tư liệu thu thập được, chúng tôi tin rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra. Sau khi báo in, đồng nghiệp có gọi cho tôi thông báo người nhà của nhân vật có viết một bức thư muốn tỏ nỗi lòng với lãnh đạo cao cấp. Và đồng nghiệp sẽ chuyển bức thư này cho vị lãnh đạo. Tôi nghĩ, đó là cách giải quyết rất hợp tình hợp lý của đồng nghiệp.

Bây giờ, nhìn tâm thư tràn lan, tôi thật lòng không hiểu được vì sao có những lá thư mà người đúng ra phải nhận thư chưa kịp đọc, thì truyền thông đã đăng đầy đủ, nguyên văn. Những người khác đã đọc đến thuộc những dấu chấm phẩy. Đấy không phải là tâm thư, tôi nghĩ vậy. Hai chữ tâm thư, hiểu đơn giản thì đó là lá thư viết từ tấm lòng chân thành gửi một ai đó để bày tỏ tận tường một mong muốn.

Tâm thư không phải là lá thư để trình làng cho thiên hạ đọc trước, còn người lý ra phải nhận thư thì lại đọc sau thiên hạ.

Tất nhiên, tôi luôn ủng hộ những cá nhân đấu tranh cho quyền lợi của bản thân một cách hợp pháp. Thế nhưng, như tôi vẫn thừa nhận, tôi là một người nệ cổ và bảo thủ, tôi tuyệt đối không thể thông cảm với những gì được nhân danh. Lại càng không thể thông cảm hơn với giải pháp kích động cảm xúc của đám đông nhằm hướng đến một mục đích cá nhân nào đó.

Như tôi vẫn từng viết: “Văn minh là biết cách tôn trọng, bởi mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau”. Tuy vậy, văn minh cũng chỉ có thể hiện hữu khi mà chúng ta đều làm theo luật với nghĩa đúng nhất. “Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung”.

Cảm xúc, không phải lúc nào cũng đúng đâu!

Xin lượng thứ nếu lời nói thật khiến bạn đọc cảm thấy khó chịu. Lại thêm phải xác định với nhau rằng, tôi hoàn toàn không có ý định tấn công bất kỳ một cá nhân nào trong bài viết này. Điều ấy, chắc chắn là sự thật. 

Ngô Nguyệt Lãng
.
.