Câu chuyện người tài trong nghệ thuật

Thứ Bảy, 25/08/2007, 14:37
Có lẽ câu "hoa thời thường héo, cỏ thường tươi" vẫn còn đúng trong giới nghệ sỹ. Những tài năng, nếu không gặp vận, không gặp được người dẫn đường tâm huyết, đôi khi vì cá tính quá mạnh, lại bị đẩy ra bên lề những hoạt động nghệ thuật.

Trong nghệ thuật, tài năng sẽ có những khoảnh khắc bật sáng, nhưng để có khoảnh khắc ấy, người nghệ sỹ nhiều khi phải trả bằng máu và nước mắt của cả một đời khổ ải.

Vì sao các giải thưởng về nghệ thuật thường mất thiêng dần chỉ sau vài lần trao giải? Vì sao những tác phẩm không xứng đáng vẫn liên tiếp được nhận những phần thưởng giá trị và người sáng tạo thực sự nhiều khi lại bị lùi về thế yếu. Trong cuộc chơi không công bằng của danh lợi ấy, đôi khi tài năng lại chỉ là vấn đề thứ hai.

Nếu đi tìm hiểu hậu trường các cuộc trao giải, mới thấy biết bao nhiêu những tham, sân, si ở đời. Những người nghệ sỹ tự trọng bao giờ cũng không được nhắc tên trong những cuộc trao giải nhuốm màu chia chác ấy.

NSND Doãn Hoàng Giang có lần nói, người tài giống như cái cây, càng lên cao càng hướng về nỗi cô đơn. Sẽ khó kiếm bạn bè, sẽ khó để có người hiểu thấu lòng mình và sẽ càng khó khăn hơn để sống cho trọn vẹn ba bề bốn bên giữa biết bao nhiêu là mối quan hệ. Làng nghệ sỹ sẽ càng như thế, nhất là trong những môi trường nhiều khi thân quen là số một, các dự án nghệ thuật mang tính… phân chia cho đủ kế hoạch.

Không đâu như Việt Nam, diễn viên cũng phải… ăn cánh với đạo diễn, ca sỹ phải "hợp cạ" với bầu show, cái mà người ta gọi mỹ miều là… ê kíp, còn gọi trắng phớ ra là quan hệ "cánh hẩu". Bất chấp chuyện tài năng, bất chấp sự phù hợp trong biểu diễn nghệ thuật, cứ thân quen, cứ bè bạn thì sẽ được tiếp tục làm nghề. Nếu ai chệch khỏi đường ray đó sẽ gần như mất những cơ hội trong nghề nghiệp.

Một ca sỹ trẻ than phiền, chỉ là đi hát tụ điểm kiếm cơm thôi, nhưng đã vào vòng quay đó thì phải theo ê kíp, nghĩa là phải thăm hỏi, cung phụng biên tập các quán bar, rồi sau đêm diễn phải cùng đi ăn, đi chơi rồi có thể phải cùng… nói xấu một ai đó. Nếu không đi thì sẽ không được mời hát. Cứ thế và vòng quay không dừng lại. Kẻ nào muốn phá bỏ, kẻ đó sẽ phải trả giá, đôi khi là bằng cả một sự nghiệp của mình.

Mới đây, Hội đồng Anh có tổ chức một cuộc tọa đàm về phê bình văn học trên báo chí. Theo như nhà phê bình Nguyễn Hòa thì, có khá nhiều bài phê bình văn học hiện nay theo dạng thân quen, cánh hẩu và không phản ánh đúng chất lượng tác phẩm. Chính vì thế mà có nhiều bài ca ngợi văn chương của nhau theo kiểu, cứ nhà văn A ra sách sẽ có những ông B, bà C viết bài giới thiệu theo kiểu "bốc thơm".

Chính những bài phê bình đó làm nhiễu loạn bạn đọc và đôi khi những tác phẩm nghiêm túc của những tài năng thực sự đã bị loại ra khỏi đời sống phê bình. Vô hình trung, đó là một sự gạt bỏ tài năng.

Nhà văn Y Ban, trong một lần phát biểu cũng cho rằng, chị muốn được "tát một cái vào mặt", đó là cái tát của những người phê bình, để chỉ đúng "bệnh" của văn chương. Nhưng không ai làm được điều đó hay đơn giản là không ai có nhu cầu làm điều đó trong thời buổi ai cũng có thể làm phê bình mặc dù phê bình không đến đầu đến đũa.

Và cứ với tình trạng ấy, với môi trường ấy, những tài năng đích thực có thể sẽ phải lùi mình trong một vùng bóng tối phía sau nhà phê bình. Hoặc họ sẽ xuất hiện ở một môi trường khác, phù hợp với tác phẩm của họ hơn…

Tìm được nhân tài đã khó, sử dụng nhân tài cho đúng lại ngàn lần khó. Nhưng nghệ thuật mà không có những tài năng, đó là một nền nghệ thuật đang bế tắc. Sẽ rất không thuyết phục nếu như chúng ta cho rằng các nhân tài nghệ thuật đang được đãi ngộ xứng đáng. Nếu thế, các ngôi sao nghệ thuật hàn lâm có lẽ không ngại gì khi quay trở về biểu diễn trên đất nước mình.

Và nếu thế, không có lý do gì mà chúng ta mãi vẫn chưa tìm được những tác phẩm xứng tầm thời đại. Nhân tài trong nghệ thuật và sự lãng quên, đó là câu chuyện dài dài của làng văn nghệ Việt Nam…

.
.