Nguyễn Quỳnh Hương, Báo Phụ nữ TPHCM:

Cạnh tranh bằng lòng tin

Thứ Sáu, 11/07/2008, 15:00

"Bây giờ báo chí không cạnh tranh bằng chuyện báo nào đưa được nhiều tin giật gân hơn mà bằng việc báo nào kéo được lòng tin của bạn đọc nhiều hơn. Cái lòng tin ấy mơ hồ, nhưng nó thể hiện bằng một hơi thở đời sống có thật trên mặt báo và cái tâm của những người làm báo trên mỗi con chữ của mình" - Nguyễn Quỳnh Hương bắt đầu những chia sẻ về nghề nghiệp của mình như vậy.

Đủ kinh nghiệm làm báo để nói về nghề, nhưng cũng đủ độ trẻ để còn nhiều nhiệt huyết, với Quỳnh Hương, làm báo phải là nghề đi gieo lòng tin vào cái thiện của con người...

12 năm trước, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cái tên Nguyễn Quỳnh Hương được nhắc đến với phóng sự "Lại thêm một bóng ma trên giảng đường". Bài viết gây xôn xao dư luận bởi khi ấy trào lưu đọc "truyện người lớn" đang rộ lên trong các ký túc xá sinh viên.

Và nó khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình, bởi những năm tháng đó, chuyện giáo dục giới tính vẫn còn là một vùng trắng trong học đường. Năm 1996, cô được báo Văn nghệ trẻ bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu. Trong phần viết về cô, người ta biết thêm một chi tiết, cô là hậu duệ của chí sỹ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền...

Nhưng với Quỳnh Hương, cô coi đó như một kỷ niệm đẹp của thời sinh viên. Cô mang tờ báo về tặng bố mẹ. Rồi tiếp tục sống cuộc đời của mình, không ảo tưởng, không áp lực.

Cô đi làm báo từ ngày đó, viết những vấn đề xã hội mà cô cho rằng nó có ích, rồi đi làm mảng văn nghệ vì đây là mảng cho cô nhiều hứng thú hơn.

Viết văn hoá văn nghệ là mảng rất dễ với những người tư duy giản đơn. Nhưng thật khó với những người viết nặng lòng với nghề nghiệp, thấy nặng nhọc thực sự khi đặt bút ký tên mình dưới mỗi bài báo.

Với một nền văn nghệ mang nhiều cảm tính, làm sao để nói được ý tưởng của mình mà vẫn khiến cho nhân vật "tâm phục khẩu phục" là việc làm gian nan.

Và những tai nạn đến từ những điều không ai ngờ đến, đến từ những phản ứng của những người vốn được nhìn nhận như là những trí thức cũng không phải ít. Nhưng đã là cái nghiệp. Cô nói, nếu không viết báo, thực sự tôi không biết làm gì. Đây là công việc tôi có thể làm tốt nhất và duy nhất cho tôi có niềm vui.

"Tôi đã có lúc chán nghề. Nhưng nó là cái cảm giác chán như chán tình yêu, chán một điều gì đó trong cuộc sống. Và đã nhận ra được sự bất lực của mình từ khá lâu.

Tôi vẫn thường cùng các đồng nghiệp đi điều tra theo đơn thư của bạn đọc, đặc biệt là đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đây là mảng tôi đã làm nhiều năm song song với mảng văn hoá văn nghệ.

Nhưng nhiều khi, tôi tận mắt chứng kiến những nỗi đau quá lớn, nhưng tôi đã không thể làm gì được. Ngòi bút của tôi đã không đi đến được tận cùng, vì nhiều lý do mà chúng ta không thể nào tách bạch được.

Đó chính là những thời gian tôi về nhà, rơi vào cơn trầm cảm kéo dài. Tôi chợt nhận ra mình đã được may mắn sống một cuộc sống quá tươi đẹp so với những cảnh đời kia" - Quỳnh Hương tâm sự.

Với Quỳnh Hương, nghề báo cho cô những chia sẻ tốt và cảm nhận được những dư vị cả ngọt và đắng sau những trang viết. Cô là một trong những người đầu tiên góp công tạo dựng một tờ báo, sau đó tờ báo ấy trở nên thân thiết với bạn đọc trong nhiều năm.

Nhưng năm 2007, cô lặng lẽ rời khỏi cơ quan này. "Tôi là nhân viên, nhưng tôi cũng có quyền tuyển lựa ngược lại với lãnh đạo của mình. Có những người đến với nghề báo vì danh lợi, vì tiền bạc và vì nhiều thứ khác, lãnh đạo cũng vậy.

Mỗi lãnh đạo có cách làm việc riêng, tờ báo cũng đã bị cuốn khá mạnh theo dòng của người lãnh đạo. Ở Việt Nam chưa có được những cây bút cột trụ, một nhà báo độc lập tạo nên giọng điệu của một tờ báo và nhờ đó bạn đọc nhớ tên. Tôi di chuyển vì thay đổi cũng là một cách tránh stress. Và tôi cũng tự cho mình cái quyền được chọn lựa nơi làm việc hợp với mình".

Viết những điều tâm huyết, đó là những gì Quỳnh Hương tâm niệm. Ngay cả những đề tài được chỉ đạo trực tiếp mà cô thực sự không thấy hấp dẫn, cô cũng chấp nhận áp lực để tìm được một góc đi hợp đạo nhất.

"Tôi ít quan tâm tới các giải thưởng, bởi tôi chưa tìm thấy được sức hấp dẫn từ nó và tôi vẫn không thấy được những nỗ lực của nhiều người làm báo được các giải thưởng báo chí tôn vinh, nó vẫn còn nặng tính mặt trận.

Nói vậy không có nghĩa là tôi không tôn trọng giải thưởng của người khác, mà tôi chỉ nói cái cảm nhận của mình thôi. Cuộc sống của tôi mỗi ngày có phấn khích hay bực bội, nhưng đó là theo dòng thời sự mà tôi đọc trên những tờ báo.

Có khi tôi khâm phục, tôi vui vì những gì đồng nghiệp đã làm, đã viết trên mặt báo. Nhưng cũng có khi cảm thấy giận dữ vì những trang viết vô thưởng vô phạt, thậm chí kém đạo đức. Tiếc rằng, những trang ấy vẫn ngày một nhiều lên. Bây giờ bạn đọc không còn ngây thơ tin vào những thứ giật gân.

Lòng tin phải được đúc dần theo năm tháng, trên chính tờ báo mà chúng ta đang làm. Và nó phải được chúng ta, mỗi ngày đắp thêm một chút, như người thợ xây mỗi ngày đặt thêm một viên gạch trên bức tường của mình...".

Mỗi người một đường đến với nghề và mỗi người có một lựa chọn để "sống sót" với nghề. Với Nguyễn Quỳnh Hương - có cảm giác danh vọng là điều xa lạ với cô. Nhưng đam mê nghề thì luôn đầy ắp...

Nhà báo ngày hôm nay đã không thể chỉ là những kẻ chăm đi, chăm viết và tự hào về quyền năng của mình. Họ buộc phải trở thành những người đứng đầu nguồn thông tin và sàng lọc được những thông tin có giá trị nhất.

Họ đã trở thành những người phục vụ bạn đọc mẫn cán và tận tình. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của báo chí, nơi nào phục vụ bạn đọc đầy đủ, chu đáo và chính xác, nơi đó sẽ giành ưu thế. Không thể ngồi tưởng tượng, cắt ghép và suy đoán rồi đem đến cho bạn đọc một nửa sự thật.

Với tốc độ sống quá nhanh, sự đòi hỏi thông tin chính xác là đòi hỏi về một cái bánh mì hoàn hảo cho cuộc sống của người dân. Áp lực về sự trung thực, về sự cập nhật và áp lực về cái mới luôn là nỗi ám ảnh thường nhật với những người làm báo trẻ. Và họ đã tìm những lối đi riêng để tồn tại với nghề.

Không phải ngẫu nhiên mà nghề báo được coi là nghề nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ bởi họ luôn là những người có mặt sớm nhất ở những điểm nóng, giáp mặt với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Mà nguy hiểm còn bởi cám dỗ của nghề ngày càng lớn.

Cái giá phải trả cho những ai không thắng được cám dỗ ngày càng lớn. Làm nghề bằng một cái tâm sáng trong thời buổi mọi giá trị đều ở mức tương đối và đời sống bị biến dạng nhiều lần bởi giá cả leo thang là việc khó hơn vạn đường khó của thời hiện đại.

Đã có những người vì yêu nghề, dám xả thân, nhưng vì không chống lại được sức cám dỗ của những thông tin chưa kiểm chứng đã phải trả giá. Đó cũng là một góc khác của nghề nguy hiểm.

Nói gì đi nữa, nói về sự đổi thay hay những khiếm khuyết thì báo chí Việt Nam cũng đang có được một thế hệ nhà báo trẻ có nhu cầu được làm báo thực sự, được làm những việc mà họ cho là có ích.

Họ làm báo không vì giải thưởng, cũng không vì những danh vọng nào đó. Họ làm báo vì có nhu cầu được mang đến cho bạn đọc những thông tin sạch. Họ mang tới cho bạn đọc một niềm tin. Và đó chính là một bước đi thực sự của báo chí trong lòng công chúng                                                                           

P.V
.
.