Báo chí và điện ảnh:

Cánh diều giấy báo

Thứ Hai, 15/05/2006, 08:00

Gần 300 tờ báo và tạp chí đưa tin bài về Giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam "Cánh diều vàng", hàng loạt chương trình truyền hình giới thiệu các ứng cử viên sáng giá, một liveshow trao giải được tổ chức cầu kỳ và hoành tráng... để rồi cái dư âm của lễ trao giải ấy lập tức gần như biến mất khỏi đời sống ngay sau đêm bế mạc!

Không phải là lần đầu tiên cái sự hụt hẫng đến vô lý ấy diễn ra, nó trải dài gần như suốt cả một quãng đường "30 năm vẫn một từ khởi sắc" như đạo diễn Đặng Nhật Minh đã phải chua chát thốt lên. Những người có tư duy logic, những người đau đáu trông chờ vào điện ảnh, những người dân cóp nhặt từng cắc để đóng thuế không thể không đặt câu hỏi bằng một phép so sánh: Tại sao sau khi bế mạc, dư âm của giải Oscar ít nhiều vẫn còn kéo dài đến tận mấy tuần sau, trong khi ở đây lại xảy ra điều ngược lại? Một dư luận điện ảnh đúng đắn đáng lẽ phải rộn ràng sau lễ trao giải, nó rất cần những nhận định, phân tích của các chuyên gia về cách thức, tiêu chí, thành công và thất bại của các giải thưởng! Sự vô cảm của dư luận sau mỗi lễ trao giải phải được đánh giá là nỗi đau của một nền điện ảnh biết trung thực với chính bản thân mình!

"Khi người ta không có tài thì người ta viện đủ lý do", câu kết luận cũng của đạo diễn Đặng Nhật Minh, một người trong nghề, đáng để chúng ta chấm dứt chuỗi dài dằng dặc những cuộc tranh luận và lý giải giăng đầy trên các mặt báo. Dư luận cứ hễ thấy các đạo diễn xuất hiện y rằng kèm theo là những lời biện minh: vì không có quảng cáo, vì không có tiền, vì bị ép uổng và đầy rẫy những khó khăn, rồi hãy đừng so sánh tôi với những sự tầm thường...

Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2005.

Cuộc sống có những sự phản biện đầy sức thuyết phục hơn nhiều! Có sự quảng cáo nào mạnh mẽ mang tầm vóc thế giới hơn được cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc, vậy mà những bộ phim về chiến tranh của chúng ta ra sao? Thiếu kinh phí ư, chính những đồng nghiệp của họ sẽ mau mắn lấy ngay ví dụ của các đạo diễn Iran để phản biện! Ai ép uổng và ai gây khó khăn cho các đạo diễn khi chính họ tự nguyện và thỏa hiệp đặt mình vào vòng quay công chức? Thế nào là sự tầm thường, khi chính đối với các nhà làm phim của chúng ta, danh hiệu người xem đã là quá cao? Có lẽ, bấy lâu nay người ta vẫn cứ lảng tránh một sự thực: Sự tầm thường lớn nhất, nỗi đau lớn nhất của một bộ phim chính là khi trong một cuộc phỏng vấn, người ta điềm nhiên hỏi cha đẻ của nó rằng: Tại sao khán giả ít tới xem phim của ông?

Và trong khi điện ảnh đang lúng túng, người thì trốn vào "tháp ngà" vị nghệ thuật bất cần khán giả, người thì ùa ra đường hứng lấy chất liệu bộn bề của cuộc sống... thì các phương tiện truyền thông hào phóng và độ lượng dang rộng vòng tay ôm lấy điện ảnh. Kẻ thì đánh đập bầm dập, người thì cổ suý tung hê lên tận trời cao... tạo nên một trường dư luận hỗn loạn. Chỉ khổ người đọc không biết tin ai, không biết tin vào đâu! Trong một rừng các ngòi bút viết về điện ảnh, một vài người thực sự đam mê, thực sự tâm huyết và thực sự có kinh nghiệm về điện ảnh đủ để... nói lên một suy nghĩ khách quan và chừng mực lọt thỏm và lạc lõng, bùi ngùi chứng kiến những đồng nghiệp của mình bị cuốn đi trong các cơn lốc phe phái và trường phái của điện ảnh Việt Nam. Những bữa nhậu bên lề các liên hoan phim, những "mối ruột" thân quen khề khà bên những chén nước chè... là nơi xuất phát những quan điểm về điện ảnh. Người viết chỉ cảm nhận và rung động các tác phẩm điện ảnh trong cơ cấu khi có giấy mời của Ban tổ chức, được bố trí phòng khách sạn và bữa ăn tập thể miễn phí khi Liên hoan phim được tổ chức ở tỉnh ngoài, hồ hởi biết trước cơ cấu giải qua những lời rỉ tai rất thân thiết và hữu nghị...

G.Macquez nói rằng "Khi bạn viết ẩu, thì ở một nơi nào đó, một khi nào đó, sẽ có một người nhận ra", lời răn nghề nghiệp ấy, trong mối gắn bó giữa báo chí và điện ảnh Việt Nam hiện nay, không hề có chỗ đứng!

Cánh diều sẽ bay cao nhờ gió và liên hệ với mặt đất nhờ sợi dây. Cánh diều điện ảnh của chúng ta tiếc thay lại đang bay cao nhờ sự ưu ái thái quá, vừa hữu ý vừa vô tình, của các phương tiện truyền thông. Hãy giúp cánh diều tự tìm lại chính bản thân mình, hãy để không gian điện ảnh với nhân vật chính là công chúng thổi cho cánh diều bay cao, chứ không phải từ một ngọn gió nào đó của một thiểu số dư luận!

Việt Tây
.
.