Cái sự cho và lòng tốt ở đời

Thứ Bảy, 02/08/2008, 08:00
Ngoài đường ngày nay số lượng người ăn xin có vẻ như vẫn còn đông dù đời sống kinh tế chung của đất nước đang ngày một khá dần lên. Mối quan hệ của người cho và người nhận cũng trở nên cực kỳ đa dạng. Hãy đi tìm hiểu cái sự cho trong thiên hạ. Cũng lắt léo ba bảy kiểu.

Cho kiểu bố thí

Trong một lần được nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm, ông dạy tôi rằng khi cho người ăn mày bất cứ một thứ gì thì cũng nên nghĩ đến họ. Còn cho họ theo kiểu bố thí ban ơn, rồi quên luôn, thậm chí tỏ ra khinh bỉ thì chẳng được phúc gì. Điều đó làm tôi thấm thía, sau này cho người ăn mày dù năm trăm đồng, tôi cũng cố gắng để biết được điều gì đó từ người ấy, ít nhất là cái dáng đi. Và tôi cũng luôn tâm niệm rằng mình không bố thí cho họ mà là chia sẻ.

Tôi thường thấy kiểu bố thí này ngoài đường phố, ngoài chợ, cổng đình chùa hay nhà thờ... Nơi có rất nhiều những "nhà hảo tâm" dễ động lòng trắc ẩn. Người ăn xin hoặc già cả neo đơn không nơi nương tựa, hoặc tàn phế hay trẻ em lang thang...

Họ có thể di chuyển hoặc ngồi yên một chỗ, bằng cách ngỏ lời: "Xin cho một hào lẻ"; "Làm ơn cho đồng rau cháo"; "Bà con, cô bác ơi thương cháu là kẻ tàn phế"... rồi đưa mũ hoặc một cái bát nhựa ra để hứng lấy nếu được sự bố thí.

Cũng có thể người ăn xin chỉ đưa ra cái hứng tiền, kèm theo những biểu hiện "khổ sở" trên khuôn mặt kiểu như cầu xin người khác rủ lòng thương. Đối tượng ăn xin cũng đa dạng, ngoài những người đáng thương ra còn có cả loại người giả vờ đáng thương để nhận lấy sự giúp đỡ của đồng loại.

Có người đi ăn xin về làm giàu. Có kiểu người giả vờ tàn phế, cố tỏ ra điệu bộ đáng thương hay có kẻ cõng trên lưng một đứa trẻ dặt dẹo khóc rồi bò lê ngoài chợ để ăn xin. Thực chất người đó đã cố tình làm đứa trẻ khóc để người khác chú ý. Nhiều người đã thấy sự thật này diễn ra và cảnh giác.

Họ khuyên người thân nên cảnh giác kẻo lòng tốt của mình bị lợi dụng. Bởi một số kẻ lười lao động đang ngày đêm tìm cách sống nhờ mồ hôi nước mắt của đồng loại. Biểu hiện của những người bố thí thường là bỏ đồng tiền lẻ vào cái mà người ăn xin đưa ra hứng. Phần lớn chỉ là nhủ lòng thương hại đến con người khổ ải đang chìa tay ra xin.

Cũng có chị hàng cá, hàng rau trù ẻo, sợ cái vía của người ăn xin "ám" vào mình không bán được hàng nên ném cho một đồng lẻ cho người ăn xin rồi xỉa xói: "Biến đi cho khuất!". Cũng không ít người xua đuổi như đuổi một con bệnh.

Xét cho cùng, kiểu bố thí này là kiểu cho qua đường, chẳng đáng nhớ, nó quá vặt vãnh và người cho chỉ là bớt đồng lẻ rau muối. Không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế. Cái tình người tất nhiên không đọng lại nhiều, kể cả người cho và người nhận.

Cho kiểu làm phúc

Kiểu cho này ngày nay cũng có nhiều. Tôi từng biết có nhiều người sau những năm tháng nhọc nhằn khổ ải đã vươn lên thành tỷ phú và hào phóng ủng hộ các quỹ người nghèo, ủng hộ trẻ em nghèo vươn lên học giỏi. Ca sĩ nọ ủng hộ quỹ chất độc da cam cả show diễn vài chục triệu của mình. Kiều bào khác mang ngoại tệ về ủng hộ đồng bào lũ lụt cả trăm triệu đồng.

Lại có lãnh đạo nọ nhân danh cơ quan của mình luôn luôn làm từ thiện và bắt nhân viên dưới quyền phải làm theo... Người cho ở đây có hai loại: Cho bằng sự xuất phát của tấm lòng và cho để ra oai.

Người cho để làm phúc, xuất phát từ thiện tâm, từ lòng cảm thông sâu sắc với đồng loại còn đang sống vất vưởng, khổ đau, không nơi nương tựa. Loại người còn lại làm từ thiện để thể hiện mình, để cho thiên hạ xem, cấp dưới ngợi ca và vì nhiều động cơ khác.

Thực ra họ đang "diễn", bản chất của họ là xấu, thậm chí xảo trá, đê tiện. Đôi khi cái sự làm phúc của họ chẳng ảnh hưởng gì đến kinh tế của họ, có nghĩa cái phần cho đó là tài sản của Nhà nước, của cơ quan và họ chỉ là người hô hào, đứng lên thể hiện mình. Tiền của thì cơ quan mất mà người đứng lên được cái tiếng.

Từ đó họ càng sốt sắng làm, bỏ cả việc đi làm. Hình thức cho kiểu để thể hiện ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Kiểu cho làm phúc của những người thiện tâm cũng ngày càng phổ biến, khi mà họ làm giàu bằng chính bàn tay của mình, cảm thấy thương cho những phận người còn nghèo khổ và ra tay cứu giúp. Đó cũng là hình thức chia sẻ, lá lành đùm lá rách.

Người cho này đáng được kính trọng, được cổ vũ. Họ chẳng những làm giàu cho mình, làm giàu tình thương trong xã hội mà còn tăng thêm tính nhân văn của con người.

Kiểu cho này, đáng khuyến khích. Nó thể hiện cái tình người, tính nhân văn. Nó còn là trăn trở của những người sống vì đồng loại. Tôi biết có một anh tỷ phú mới giàu trước đây làm nghề hoạn lợn, nay nhiệt tình ủng hộ tất cả các quỹ từ thiện, chủ động làm quỹ khuyến học ở quê hương.

Nói chung, anh làm từ thiện bằng thiện tâm của mình chứ không vì mục đích nào khác. Vậy mà có người "vu" cho anh là sĩ diện hão, cố tình "chơi trội", tôi thấy cái lòng tốt ở đời cũng có sự ghen tị. Và, nhiều khi, người quá tốt có một kết cục... không tốt.

Cho kiểu để... xin

Hiện tượng này cũng phổ biến trong xã hội hiện đại. Hình thức xin cho và có hậu tạ hoặc "tiền tạ". Đây là sự kết hợp để đôi bên cùng có lợi. Nhỏ nhất có thể nói là hiện tượng xin điểm của sinh viên một số trường trong đó có trường tôi.

Học sinh điểm kém không muốn sau này tốt nghiệp cầm về cái bằng trung bình, hay trong khi học cứ phải thi đi thi lại. Đã thành cái lệ làm hư thầy. Trước tiên là xin số điện thoại, địa chỉ nhà để "khi nào rảnh chúng em đến chơi". To nhất là loại mua quan chức, mua danh.

Người "cho" phải nghiêng mình cúi đầu, có ông cả đời "cho" đến lúc không thể đứng thẳng người lên được vì cúi nhiều quá. Từ kiểu "cho" này đã hình thành nên cái gọi là "Văn hoá xin-cho" trong xã hội ngày nay, ảnh hưởng rất lớn đến sự công bằng xã hội, đến cốt cách của con người.

Tôi có thể gọi những đối tượng này là những đối tượng "Xin - cho tặc" đang ngày càng hoành hành nhiều trong xã hội ta. Cái ông "cho" này nhiều khi không được người kia nhận thì cảm thấy áy náy vô cùng.

Mình cho mà người ta không nhận thì công việc của mình làm sao thuận lợi, thì có nghĩa người ta không chịu giúp mình. Cho mà phải lén lút, lo sợ, nâng lên đặt xuống, vò đầu bứt tai. Cho mà phải chui lủi, cúi gằm, phải dùng cả mồm miệng đỡ chân tay, không kiểu cho nào nhục nhã bằng.

Và lòng tốt bị lợi dụng.

Tôi từng thấy một người đàn ông cõng trên lưng một đứa bé ngoặt ngoẹo khóc bò lê bò lết ở đường Thanh niên. Nhìn anh ta  bẩn thỉu và chắc chắn trông rất tội nghiệp, nhất là cái tiếng kêu xin khẩn thiết và cái kiểu lê lết. Anh ta dễ khiến người ta mủi lòng.

Khi tôi đứng lại, đưa vào cái mũ rách của anh 20 ngàn mà cứ mỗi bước lê anh lại phải kéo nó đi, thì cũng có nhiều người đi qua đứng lại cho. Anh gật đầu cảm ơn không ngớt, đứa bé lúc này cũng đỡ khóc hơn. Chỉ lát sau thôi khi giải quyết xong công việc, tôi vẫn đi lại con đường đó thì thấy anh ta bế đứa bé vừa đi vừa nhóp nhép nhai kem.

Cái vẻ bơ phờ mệt mỏi, đôi chân tật nguyền biến đâu mất, thay vào đó là một dáng đi nghênh ngang. Tôi vào quán nước hỏi mới biết lòng tốt của mình và những người kia đã bị lợi dụng. Chị bán nước nói: "Nó lừa các anh rồi, tật nguyền gì đâu. Hắn giả vờ như vậy để đi ăn xin đấy. Đứa bé khóc được là do thi thoảng hắn đưa tay ra sau véo một cái. Con vợ hắn cũng thi thoảng "hoạt động" ở đây. Cả nhà hắn sống bằng nghề này".

Từ đó về sau, nhìn thấy người ăn mày là tôi cảnh giác để lòng tốt mình khỏi bị lợi dụng. Những đối tượng này ngày càng tinh quái, họ nghĩ ra những kiểu hóa trang khiến người khác không thể không tin và động vào lòng trắc ẩn mà rút ví.

Cho đến một hôm, tôi thấy một người đàn ông tật nguyền lê lết ngoài chợ Khâm Thiên với cái nạng gỗ, vừa lê vừa chìa mũ cối ra: "Anh chị ơi cho em một đồng".

Khi tôi chạy về nhà lấy được cái máy ảnh ra thì đã thấy anh ngồi ung dung uống nước, hút thuốc ngoài quán cóc, chuẩn bị ngồi lên xe ôm để đi tuyến phố khác hành nghề. Ngồi hỏi chuyện, được biết anh ở một tỉnh xa, cũng có một cô vợ bán nước ngoài Hà Nội nhưng không hề tật nguyền.

Hỏi đến "thu nhập" hàng ngày, anh chàng nói bằng cái giọng trọ trẹ của một người tàn tật: "Ỗi ày anh in ược ai ăm àn"(Mỗi ngày anh xin được hai trăm ngàn). 6 triệu đồng một tháng đối với một người ăn mày là quá cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái may mắn như vậy, nhưng cũng không ít người mơ ước được như vậy.

Đội quân ăn mày, gọi vui là "cái bang" vẫn còn khá đông ở các đô thị. Mỗi ngày, họ lại nghĩ ra những "tuyệt chiêu" mới để hành nghề. Chính xác là như vậy, họ không phải là ăn mày nhưng hành nghề ăn mày. Ở một số nhà hàng, quán ăn, khách ăn đã bị những đối tượng "cái bang" này "khủng bố", cách ăn xin của họ vừa lỗ mãng, vừa bặm trợn.

Có thể nói, họ là những kẻ lừa đảo giữa thanh thiên bạch nhật. Họ không phải là những người tàn tật, thiểu năng trí tuệ, hay mất khả năng lao động. Họ khoẻ mạnh, thậm chí còn hoạt bát thông minh. Vậy tại sao họ lại đi ăn xin? Quả là khó hiểu.

Tôi có thể kể ra đây những kiểu ăn xin "khủng bố", bặm trợn, đó là khi khách ngồi ăn thì những đối tượng này ngang nhiên đứng bên cạnh kỳ kèo, xin xỏ với cung cách lầm lì và trơ trẽn. Họ cố tình gây phiền nhiễu cho thực khách. Khi đó không cho cũng không được, đang ăn mà cứ bị làm phiền, thì thà móc ví để họ biến đi. Dạng khác là dùng cái thân hình bẩn thỉu của mình, bết thêm tí nước thải hôi thối vào nữa, đứng ngay bên cạnh người ăn để xin.

Kiểu này rất có hiệu quả, khiến cho người bị xin khó chịu, mệt mỏi, cuối cùng móc ví. Còn nếu ai không cho thì sẽ bị làm cho... biết mặt. Những đứa trẻ ăn xin, những người hành nghề này sẽ đứng thi gan, bữa ăn nhậu tụ tập hay tiếp khách của các vị sẽ mất ngon khi có một kẻ như thế kè kè bên cạnh.

Cái sự cho của xã hội nó ồ ạt, bung chảy, tuôn trào. Ôi, không phải chỉ lòng tốt. Nếu vì lòng tốt thì xã hội đã tốt đẹp, đã văn minh sáng sủa. Lòng tốt, ăn xin thật và ăn xin giả, tất cả cùng đồng loạt bung nở. Nhất là một số đối tượng lười lao động đã nghĩ ra cách hành nghề giả dối đánh vào lòng trắc ẩn, và khi biết không thể hiệu quả khi đánh vào lòng trắc ẩn thì họ huấn luyện cho con trẻ một cách bài bản để đi đóng kịch, lừa gạt.

Lắm lúc, tôi tự hỏi không biết phố phường có còn những người đi ăn xin thật nữa hay không? Khổ thân cho họ quá, họ đã bị những "cái bang" hành nghề ăn xin nhũng nhiễu, thành ra họ cũng bị đánh đồng, bị lên án, bị ruồng bỏ.

Giờ đây, tôi nghĩ đến cái "cho" trong sạch ở đời. Nó phải được xuất phát từ tấm lòng nhân ái, cái sự "xin" cũng phải là cái xin lương thiện, để xã hội còn đẹp, còn nhân văn

Nguyễn Văn Học
.
.