Ca sĩ Mỹ Linh: Giải thưởng như những cuộc vui nhỏ

Thứ Tư, 13/04/2011, 14:57
Mỹ Linh dù được công nhận là một Diva của âm nhạc Việt từ gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ "được tiếng" là một ca sĩ khéo ăn khéo nói bởi trước mỗi câu hỏi bao giờ chị cũng như dốc hết suy nghĩ của mình, dù rằng có thể những câu trả lời đó sẽ khiến đồng nghiệp mếch lòng.

Nhưng nếu không như thế thì đó sẽ không còn là Mỹ Linh. Và suy cho cùng, ở vị trí mà chị đã tạo dựng được, Mỹ Linh được phép nói về những điều đó, dù nhạy cảm, mà không phải e ngại nhiều.

- Chị đánh giá thế nào về hệ thống giải thưởng âm nhạc mà chúng ta đang có?

 - Ở Việt Nam có nhiều giải thưởng dành cho âm nhạc với những tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào đơn vị chủ thể của giải thưởng và đối tượng những người bầu chọn sẽ quyết định giải thưởng ấy nằm ở đâu. Ví dụ như giải thưởng của Hội Nhạc sỹ do các nhạc sỹ là các nhà chuyên môn bầu chọn sẽ có tiếng nói khác so với giải do khán giả bầu chọn như Làn sóng xanh hay Mai vàng, hoặc giải Cống hiến do các nhà báo bầu chọn cũng sẽ còn khác nữa.

- Rất nhiều giải thưởng hiện nay hoạt động trên tiêu chí đánh giá là bình chọn của khán giả mà đôi khi sự đánh giá của khán giả lại chưa phải là một phán quyết đúng đắn nhất. Chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi tin rằng số đông khán giả luôn có lý lẽ thuyết phục khi bầu chọn ra một cá nhân hay một thành quả nào đó của người nghệ sỹ. Đương nhiên chúng ta còn phải xét về tính chân thực của số đông ấy thế nào nữa. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng khi một ai đó không được bầu chọn ở một giải thưởng nào đó thì điều đó không đồng nghĩa với việc người đó không có tài năng hay không có cống hiến trong giai đoạn đó.

Tôi có thể lấy ví dụ. Album Tóc ngắn của tôi ra đời năm 1998 nhưng phải tới năm 2000 mới được quần chúng đón nhận nồng nhiệt. Vì lẽ đó cá nhân tôi không bị các giải thưởng chi phối nhiều. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng hãy cứ cống hiến và chờ đợi, ngay cả khi những nỗ lực của mình không được nhìn nhận đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng đã thỏa sức sáng tạo và bay bổng rồi. Nghề của chúng tôi thực ra luôn giá trị ở chỗ, chúng tôi được sáng tạo và bay bổng với việc chúng tôi đang làm mỗi ngày.

- Nếu tôi nói rằng hệ thống giải thưởng âm nhạc của chúng ta vẫn còn nghiệp dư lắm, chị có phản đối không? Tôi nói thể bởi mỗi năm, bảng đề cử luôn nhận được những tranh cãi và những cá nhân xuất sắc nhất không phải lúc nào cũng được lọt vào?

- Nói về các giải thưởng cho dù ở đâu, đất nước nào cũng luôn có những sự tranh cãi vì nói chung tìm được sự tương đồng trong suy nghĩ và giữ được tiêu chí đã đề ra của từng giải thưởng là rất hiếm, đặc biệt ở ta thì lại càng hiếm vô cùng.

Với một nền âm nhạc còn non kém, ở Việt Nam nơi mà thị trường âm nhạc dường như là con số không thì việc gom đủ số ứng viên cho các giải thưởng thôi cũng là việc làm quá sức của các nhà tổ chức. Tôi nghĩ chúng ta chẳng thể đòi hỏi gì hơn trong bối cảnh nhạc pop Việt hiện nay. Một nền âm nhạc nghiệp dư thì các giải thưởng dẫu muốn cũng khó có thể tránh được tính tự phát và cảm tính.

- Các giải thưởng âm nhạc hiện nay dường như không còn mặn mà nhiều với số đông nữa? Theo chị, nguyên nhân vì đâu?

- Câu hỏi này nên để dành cho ban tổ chức các giải thưởng trả lời.

- Nhưng quan trọng hơn, những giải thưởng đó không thể tạo được một dấu ấn nào vào trí nhớ của công chúng để họ nhớ đến theo kiểu như Mỹ Linh đã đoạt giải Cống hiến, Làn sóng xanh, chẳng hạn thế!

- Điều đó thì đúng và nó đã phần nào lý giải được các giải thưởng của ta thực sự đã có giá trị đến đâu trong những năm gần đây. Đâu đó lại nghe nói đến đại gia này vừa mua giải này cho ca sỹ nọ. Hay công ty kia trả tiền để mua giải kia cho gương mặt đại diện của nhãn hàng ấy…Nhiều quá thành ra giờ đây tôi nghĩ các nhạc sỹ, ca sỹ hay nhà sản xuất cũng chỉ xem các giải thưởng ở ta như một cuộc vui nhỏ mà khán giả hay người thắng cuộc, người về tay trắng cũng đều vui.

- Theo chị, việc đoạt một giải thưởng nào đó tại Việt Nam, người ca sĩ có quyền được hét cátsê cao hơn hay nó vẫn hầu như không thay đổi?

- Cái này thì cho phép tôi không bình luận gì, vì tôi thực sự không biết. Trong nghề biểu diễn chúng tôi thường không biết thù lao của bạn diễn đâu và tôi cũng không bao giờ hỏi một việc riêng tư như vậy.

- Sau quá nhiều năm làm nghề, quá nhiều giải thưởng, giờ đây chị còn hào hứng với các cuộc bình chọn như thế nữa không? Giải thưởng với chị bây giờ xem ra có vẻ như… thừa, bởi tên tuổi của chị thì cho dù có thêm một giải thưởng (trong nước) cũng vậy thôi, chẳng thể nổi tiếng hơn?

- Cái này thì không đúng rồi. Tôi và êkip của mình đã từng và sẽ tiếp tục kỳ vọng vào những giải thưởng có uy tín thực sự để làm động lực cho những sự cạnh tranh lành mạnh trong nghề. Có như thế thì chúng ta mới có quyền hy vọng vào một nền nhạc nhẹ phát triển hơn trong tương lai.

- Xin cảm ơn chị!

Du Miên (thực hiện)
.
.