Biên độ của hồn nhiên

Ca sĩ Mỹ Lệ: Chiêu trò trong làng giải trí không bao giờ hết

Thứ Ba, 12/06/2012, 15:35
"Người ta hết lộ hàng thì tới nổ, hết nổ thì nói thật, bạn yên tâm đi, chiêu trò trong giới giải trí không bao giờ hết đâu. Nhưng nói thật mãi thì cũng nhàm, tới lúc đó thì tự khắc người ta sẽ phải kiếm một chiêu khác độc đáo hơn để gây chú ý, ca sĩ Mỹ Lệ thẳng thắn.

- Mỹ Lệ là một người bộc trực. Không gì hạnh phúc bằng việc con người ta được sống thật với chính mình. Song trong giới nghệ thuật, người ta phải đeo mặt nạ giả nai thường trực. Và cái gọi là “sự thật thà” của người mẫu đồ lót Ngọc Trinh đã làm dấy lên “hiện tượng nói thật” trong giới giải trí. Người dám nói thật, dù là một cách trơ trẽn, lại được tung hê như một thần tượng đích thực. Nên hiểu sự thật thà này như thế nào, thưa chị?

- Bạn biết không, có một bộ phận khán giả và độc giả chúng ta vẫn bị một cái bệnh gọi là a dua. Ví dụ hôm nay thấy ca sĩ này trên mạng, dù hát không hay nhưng vẫn được nhiều người khen, thế là người ta cũng hùa theo khen, và chỉ cần xuất hiện một luồng ý kiến trái chiều là ngay lập tức bị ném đá. Nhưng tôi không lấy thị hiếu số ít đó để đánh đồng thành hiện tượng đám đông. Người tử tế thì tự họ biết phải nổi tiếng như thế nào cho đàng hoàng. Chẳng ai rảnh hơi đi bình luận bênh vực cho những nghệ sĩ như bạn nói. Văn hóa bình luận của Việt Nam đang bị loạn xạ, không phản ánh được tất cả, người ngoài nhìn vào chỉ thấy được bề nổi nên ngộ nhận rằng “A, cô này đang nổi!”.

- Chính văn hóa bình luận loạn xạ như chị nói đã làm dấy lên làn sóng thay vì phản đối thì lại cổ xúy cho lối sống kí sinh trong xã hội, những người bài bác như tôi thì lại bị cho là đạo đức giả, ghen ăn tức ở, vì mình xấu hơn hoặc không thể kiếm được nhiều tiền từ đại gia như Ngọc Trinh. Nghĩa là đang diễn ra một sự nhập nhằng đầy hợp lí: khái niệm thật thà bị đánh tráo?

- Chuyện một số chị em phụ nữ bị vu là ghen ăn tức ở tôi nghe từ bữa trước. Ủa, mắc mớ gì phải ghen ăn tức với người như thế, trời đất ơi?! Còn khối người tử tế, giỏi giang, thành đạt khác để chúng ta nhìn vào mà ghen ăn tức ở, từ đó biết phấn đấu hơn người ta, hà cớ gì phải đi ganh tị với người chọn cách bôi tro trát trấu vào mặt để nổi tiếng? Không thể như vậy được, cái lối đó là lí sự cùn, tôi không thèm chấp.

- Theo chị, ta nên nói thật một cách giả tạo, hay nói xạo một cách chân thành?

- Tùy từng trường hợp và mục đích. Cái nói thật một cách giả tạo tôi ví nôm na như kế “dương đông kích tây”, tung tin đồn để làm rối tai mắt đối phương, chờ thời cơ để tấn công vào hướng khác mà đối phương không ngờ tới. Chẳng hạn như bạn nói bóng gió với chồng rằng bạn gái của mình có ông chồng rất ga-lăng, trong khi chồng bạn chẳng hề ga-lăng tí nào, nói vậy để chồng bạn biết “nhột” mà thay đổi tâm tính. Tức là mục đích tốt.

Nhưng mà nói chung, cuộc sống rõ ràng từ xưa tới nay người ta đã đúc kết rằng mình phải sống thật, mình sống thật thì sẽ nhận được nhiều cái hay hơn là sống giả tạo. Bạn có thể giả tạo với người ta trong một lúc nào đó, nhưng không thể sống giả tạo suốt cả cuộc đời, rất mệt mỏi, và người ta cũng đáp lại bằng việc không sống thật với mình. Trong giới nghệ thuật, để tìm được sự chân thành thì hơi bị hiếm. Cho nên âu cũng là cuộc sống. Biết rằng sống thật là tốt, nhưng tôi không thể nào khuyên một bạn mới vào nghề hãy sống thật, sống tốt đi, chắc chắn con đường nghệ thuật của bạn ấy sẽ rất gập ghềnh.

Mười năm về trước, nghệ sĩ Việt Nam mà bị dính scandal băng sex là xấu hổ, nhục nhã tới mức biến khỏi giới showbiz, phải bỏ xứ mà đi, dù gì đi chăng nữa thì tôi vẫn tôn trọng và đánh giá cao những người như vậy. Còn bây giờ, bạn coi, bị lộ băng sex mà vẫn trơ trẽn, trâng tráo tới mức chường mặt lên truyền hình, vẫn đi hát, à nhờ scandal tình dục đó mà tôi đắt sô hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Con mèo còn giấu chất thải, còn con người làm bậy tràn lan mà lại thấy thơm và không chịu giấu. Mọi giá trị đạo đức của xã hội đã bị phá vỡ. Việc ai đó tuyên bố rằng mình thật thà, mình yêu đại gia chứ không yêu người nghèo… thì không thấm tháp gì so với những scandal vừa nêu.

- Ý chị là hiện tượng nói thật của một số sao Việt trong thời gian vừa qua cũng chỉ là một chiêu để nổi tiếng?

- Đúng thế. Người ta hết lộ hàng thì tới nổ, hết nổ thì nói thật, bạn yên tâm đi, chiêu trò trong giới giải trí không bao giờ hết đâu. Nhưng nói thật mãi thì cũng nhàm, tới lúc đó thì tự khắc người ta sẽ phải kiếm một chiêu khác độc đáo hơn để gây chú ý.

Tôi cũng muốn chia sẻ một điều đáng báo động rằng người nghệ sĩ trẻ bây giờ sẵn sàng tìm đủ mọi cách để tạo sự khác biệt, thậm chí tự bôi tro trát trấu lên mặt, chấp nhận bị ném đá, ca ngợi, thương cảm, dè bỉu, chê bai, khinh miệt… để gây chú ý. Tôi chẳng biết sắp tới sẽ còn những điều gì ghê gớm hơn mà người ta dám làm để được nổi tiếng!

Thật ra showbiz chỉ là bề nổi của xã hội, là cái người ta nhìn vào thấy ngay, chứ những lĩnh vực khác thì cũng như thế thôi, thậm chí là còn khắc nghiệt hơn nhiều. Tính tôi là đi ra đường thấy cái gì bất bình là lên tiếng ngay. Có nhiều người nghĩ những việc đó có mắc mớ gì tới tôi đâu mà phải quan tâm làm gì. Đúng, tôi không nói thì việc đó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình, nhưng sẽ ảnh hưởng tới con cái mình, tới thế hệ trẻ, tới công chúng, cho nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói. Một giáo sư A, tiến sĩ B lên báo nói chắc chắn sẽ hay hơn mình nhiều rồi, nhưng mấy ai đọc. Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng và lan tỏa xã hội rộng lớn hơn, nên khi mình lên tiếng, vấn đề mới được đánh động. Bạn còn nhớ câu chuyện ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ ý kiến về việc thu phí bất hợp lí của Bộ Giao thông Vận tải không, có ai dám đứng lên bày tỏ chính kiến như cô ấy? Đó chính là trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội, chứ không phải là mình đấu tranh chỉ để cho bản thân mình

Thực hiện: Hoàng Thụy Yên - Nguyệt Lãng
.
.