Nghệ thuật "cha truyền con nối":

Ca sĩ Hồng Vy: Bằng lòng với sắp đặt của số phận

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:33
Tôi đem cái suy nghĩ rằng tất cả các gia đình mà các thế hệ thực hiện một công việc xã hội giống nhau theo kiểu cha truyền con nối đều do sự sắp xếp của bàn tay "địa vị" đến gặp Hồng Vy, con gái của NSND Doãn Tần và nghệ sỹ Nguyễn Minh Hồng. Trong câu chuyện về cha mẹ, về nghề, chị đã thuyết phục tôi rằng có một sự thật khác đi song song với suy nghĩ này. Nghệ thuật cần sự đam mê và tài năng thực sự.

- Khi còn là một cô bé, sống trong một gia đình cha mẹ đều là nghệ sỹ, chị đã mơ ước trở thành gì sau này, giống như bố mẹ hay có một giấc mơ khác?

- Cả tuổi thơ đã sống trong âm nhạc, đặc biệt là thanh nhạc. Cả hai bố mẹ tôi đều là ca sĩ thính phòng. Điều này khiến cho âm nhạc ngấm vào tôi rất tự nhiên. Tôi yêu thích và nuôi mơ ước trở thành ca sĩ giống như bố mẹ mình từ khi còn bé xíu. Tuy nhiên, mẹ tôi không nghĩ như thế. Bà thấy cuộc đời nghệ thuật vất vả nên muốn hướng con cái đi theo ngành nghề khác, cụ thể là bác sĩ. Nhưng, bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, năm 17 tuổi, tôi đã có một bước ngoặt lớn. Tôi thi tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Quân đội và được cử đi học tại Trường Nghệ thuật Quân đội hệ trung cấp chuyên ngành Thanh nhạc.

- Muốn hướng con gái theo ngành y, hẳn mẹ chị đã rèn luyện chị khá nghiêm khắc?

- Mẹ đặc biệt quan tâm đến việc học văn hóa của tôi và thực sự năng lực các môn văn hóa của tôi cũng khá. Mẹ muốn tôi đi thi đại học rồi làm một công việc khác.

- Còn bố chị, NSND Doãn Tần, ông phản ứng như thế nào trước mong muốn của mẹ chị?

- Bố luôn nhất trí và chiều theo ý của mẹ nhưng tỏ ra rất thích thú khi con gái yêu thích công việc, nghề nghiệp của mình. Bố là người rất yêu nghề. Sự yêu nghề ấy khiến ông lạc quan trong công việc dù cuộc đời ngoài những thành công mà ai cũng biết thì có cả những đắng cay, những nỗi buồn chỉ hai bố mẹ biết và sẻ chia cùng nhau. Bố mẹ tôi vất vả nhất thời gian kháng chiến chống Mỹ. Sau này, khi sinh tôi ra, hòa bình lập lại, bố vẫn đi công tác triền miên, có khi 12 tháng thì đi đến 10 tháng, thời gian ở bên cạnh vợ con rất ít. Mà bố tôi, nghệ sỹ quân đội đâu chỉ đến thành phố biểu diễn mà chủ yếu là biên giới hải đảo. Do vậy, cả tháng trời mới nhận được thư bố. Nếu đi hải đảo thì có khi vài tháng chả có thông tin. Vì khổ thế, nên bố mẹ ra điều kiện, nếu tôi có thi thanh nhạc thì phải đạt được điểm xuất sắc mới cho học, còn nếu điểm trung bình hoặc vớt thì thôi. Muốn theo nghệ thuật thì phải có quyết tâm và năng khiếu bẩm sinh. Và tôi đã chấp nhận điều kiện đó và trở thành nghệ sỹ. Đó cũng là cái duyên.

- Chị có bao giờ cắt nghĩa, bố mẹ hiểu đời sống nghệ sỹ vất vả khó khăn như vậy, hướng con sang một nghề khác nhưng rồi lại để chị đi theo bước chân cha mẹ không?

- Một lần bố tôi nói, nghề tuy rất vất vả nhưng vinh quang thuộc về những ai hết lòng, luôn nghĩ về nghề và làm thế nào để vững bước. Bố tôi đã làm được điều ấy tuy rất vất vả, mất nhiều thời gian, sức khỏe, tâm trí. Có lẽ, chính quan niệm ấy mà ông ủng hộ tôi khi đã có những dự cảm về con gái.

- Đi theo nghề bằng những dự cảm thành công, bằng tuổi thơ với khúc hát của bố và lại đi theo dòng  nhạc của bố, chị có lúc nào đó e ngại mình sẽ là cái bóng của cha?

- Đúng là tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy và cũng đủ tự tin để nói rằng, tôi không phải là bản sao của bố. Nhưng nếu được giống bố, hát hay được như bố thì thật đáng tự hào.

- Và không có áp lực nào?

- Hoàn toàn không. Đối với tôi, tất cả những gì đã có trong cuộc đời đều là sự thuận lợi.

- Với những khó khăn mà các ca sĩ của dòng thính phòng trải qua, chị có lúc nào bất chợt chạnh lòng và muốn đi con đường khác bố?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đây là lựa chọn sai lầm. Nghệ thuật cần có sự cân bằng. Nếu mình không lựa chọn con đường này, không đi con đường người ta không dám đi, không dũng cảm để đi thì chắc gì đã có thành công. Con đường tôi đi, khán giả không nhiều nhưng âm nhạc là đỉnh cao, khán giả là trí thức.

-  Nhưng cũng không thể đùa với cơm áo?

- Về kinh tế, sự lo toan thì ai cũng có nhưng tôi bằng lòng với sự sắp đặt của cuộc đời. Điều tôi trăn trở không phải cơm áo, gạo tiền mà là làm thế nào để có chỗ đứng cho dòng nhạc mà mình theo đuổi, cho con đường mình đang đi. Rất nhiều lần, tôi và bố tôi ngồi với nhau như xem Sao Mai điểm hẹn chẳng hạn, bố tôi đã cho tôi nhiều kinh nghiệm.

- Bố mẹ chị là nghệ sỹ quân đội, chị trước cũng là một nghệ sỹ quân đội. Ngoài cuộc thi năm 17 tuổi, sẽ có nhiều người cho rằng chị được cha mẹ "hậu thuẫn" nhiều trong con đường nghệ thuật?

- Nếu hiểu sự hậu thuẫn này là dùng sức mạnh địa vị của bố thì không. Ngành khác có thể như vậy, nhưng nghệ thuật thì không thể thế. Bố mẹ chỉ là người hướng nắn cho con cái thôi. Bố tôi chưa bao giờ khen tôi, khi được điểm cao nhất thì cũng chỉ là câu "tạm được".

- Thế hệ NSND Doãn Tần, có lẽ người ta sống thật thà và không bon chen. Nhìn những cám dỗ từ nghề, những scandal trong giới nghệ sỹ hàng ngày xuất hiện trên mặt báo, bố mẹ chị có lúc nào tỏ ra quan ngại?

- Bố mẹ hiểu và tin tôi. Ngay cả hai năm trước, khi tôi quyết định ra quân để về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, bố mẹ cũng ủng hộ. Bố mẹ mong tôi sẽ có nhiều cơ hội để phát huy chuyên môn. Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp vừa rồi, tôi đã giành huy chương vàng. Bố tôi cũng biết, tôi chẳng bao giờ dính phải những scandal mà người ta hay nói trên báo. Áp lực của tôi, có lẽ là phải luôn giữ niềm tin với người nghệ sỹ lớn trong nhà.

- Chị giờ đã có gia đình. Chồng chị, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, cũng sáng tác dòng giao hưởng thính phòng. Có thể nói, sẽ rất thuận lợi nếu con chị giống như chị, bước tiếp bước đi của cha mẹ?

- Tôi suy từ mình ra nên hiểu việc tôn trọng lựa chọn của con cái là cần thiết. Nếu con thích hát, mình chỉ hướng dẫn cho con mà không áp đặt.

- Xin cảm ơn chị!

Đào Gia Long
.
.