Câu chuyện của tuổi mới lớn:

Bi kịch vì qúa nhạy cảm

Thứ Ba, 31/03/2009, 15:48
Tiến sỹ Lã Thị Bưởi là một trong số ít bác sỹ về tâm thần tại Hà Nội. Phòng khám Tuna của bà tiếp nhận rất nhiều những "ca khó" của tuổi vị thành niên, với đủ những cung bậc khác nhau. Bà chia sẻ những kinh nghiệm, thông qua những ca bệnh mà bà chữa trị hằng ngày…

"Bác sỹ ơi, tôi mất con rồi. Nó đi chơi game, không chịu về. Khi tôi bắt nó về, nó đã đập nát hết cả tivi, máy tính và đập hết cả bóng đèn trong nhà. Nó gào lên: Mày không cho tao chơi game, tao sẽ cho cả cái gia đình này chìm trong bóng tối" - một giáo viên trung học tại Hà Nội đã gọi cho tôi như vậy.

Con trai của chị bước vào tuổi 16. Tất cả đã là một bi kịch vượt qua những giới hạn của sự hình dung thông thường. Và chúng tôi bắt đầu hành trình tìm lại con người thật của chàng trai chớm thành người lớn này.

Thực ra, những bạn vị thành niên có rối loạn hành vi như vậy không phải là cá biệt. Ở tuổi này, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, trầm cảm, lo âu, và hoang mang… nói chung thực sự là rất nhiều bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Có không ít bạn mới lớn bị rối loạn ứng xử biểu hiện như chọc ghẹo người khác, gây gổ đánh nhau, tỏ ra thô bạo với mọi người hay súc vật, ăn cắp, phá phách, trấn lột, đột nhập vào nhà người khác và bỏ nhà ra đi.

Còn những bạn khác thì lại rơi vào sự rối loạn lo âu,  sợ hãi quá mức hoặc nhút nhát, lẩn tránh xã hội, việc không muốn đến trường là biểu hiện hay gặp và rõ ràng nhất. Trầm cảm cũng là một biểu hiện rõ rệt ở tuổi mới lớn. Những bạn trẻ này thường lập dị, hay cáu bẳn và dễ bị kích động, kèm theo hành vi đập phá, lạm dụng ma túy, rượu và lo âu.

Trầm cảm thường kéo dài 9 tháng nếu không được điều trị. Những trẻ vị thành niên bị trầm cảm sẽ còn những giai đoạn trầm cảm nữa ở tuổi trưởng thành, khoảng 20% số này sẽ trở thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực và 8% sẽ có hành vi tự sát. Tái phát của trầm cảm dường như ngày càng tăng lên trong số trẻ vị thành niên đã có những cơn trầm cảm trước đó.

Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Tuổi mới lớn còn có thể bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, chẳng hạn như gặp khó khăn trong khi nói, chi tiêu thái quá, thích phô trương, có những ý nghĩ hoang tưởng, đánh giá kém, có nhu cầu tình dục cao mà đôi khi bị chẩn đoán nhầm là lạm dụng tình dục, hay gây gổ, khiếm thính…

Đỉnh điểm của các bi kịch của tuổi mới lớn chính là hành vi tự sát. Tự sát là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của những người ở lứa tuổi từ 15-24.

Australia, tự sát là nguyên nhân đứng hàng thứ hai chỉ xếp sau bị thương không lường trước (như tai nạn xe hơi chẳng hạn). Còn ở Mỹ, tự sát gây tử vong đứng thứ 3, sau tai nạn không lường trước và cả bị giết. Ý định tự sát cao nhất trong lứa tuổi dưới 20. Theo một nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện, có khoảng 1/6 các em ở độ tuổi 13-16 kể lại rằng các em có những ý nghĩ về việc tự sát trước đó 6 tháng.

Đáng tiếc là tự sát thì khó định trước và khó ngăn ngừa. Theo số liệu hiện nay mà chúng tôi có được, thì rối loạn cảm xúc và hành vi ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam là 3 đến 22%, trẻ vị thành niên chiếm 70% số người nghiện và trẻ vị thành niên tự sát chiếm 10%.

Có không ít bạn trẻ đến với chúng tôi trong tình trạng hoàn toàn suy sụp. Tôi vẫn luôn giữ lại những bức thư mà các bạn viết. Viết trong tình trạng cô độc tuyệt đối và không thiết tha với cuộc sống. Có bạn trẻ đã viết thư, thực ra là viết cho chính mình nhiều hơn, nói về nỗi cô đơn của mình. Họ thường không phải sinh ra trong những gia đình nghèo khó. Cuộc sống của họ rất đủ đầy. Cha mẹ họ cũng rất yêu thương, chỉ có điều yêu không đúng cách mà thôi.

Bạn trẻ đó đã viết, đại loại thế này, tôi chỉ là ô sin, là kẻ sai vặt trong cái nhà này, có ai yêu thương gì tôi đâu, tôi chỉ biết phục tùng thôi, tôi sống để làm gì? Anh trai tôi thì có thèm để ý gì tôi đâu, lúc nào cũng nói anh bận lắm, có bài học khó hỏi một chút cũng bị mắng là lười động não, ngu ngốc. Tôi thích một cái đồng hồ cũng không dám xin mẹ mua. Còn cái người mà tôi gọi là mẹ ấy, bao nhiêu năm qua mẹ có quan tâm gì tới tôi đâu? Lúc nào mẹ cũng bận! Trong suốt mười mấy năm tôi cô đơn và tuyệt vọng, thì mẹ đang ở đâu?

Ở tuổi mới lớn, dường như các em rất nhạy cảm, trước những vấn đề của đời sống, họ thường có những phản ứng rất khác nhau. Và bi kịch xuất phát từ sự quá nhạy cảm ấy. Và khi không đủ sự giải tỏa, không chịu được căng thẳng và áp lực, họ thường chán nản và có tâm lý muốn "chết cho xong", nghĩa là không muốn hoặc không dám đối diện với cuộc sống.

Rất nhiều cách để họ có thể tìm đến với việc tự sát. Nhưng khi đã tự sát rồi, bản năng sống trong họ vẫn còn rất mạnh, và họ lại tìm mọi cách để được cứu sống. Những hành động như thế thường dễ xảy ra. Có thể nó chỉ là nhất thời. Nhưng nỗi ám ảnh về nó thì lại còn kéo dài…

Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải biết cách quan tâm và chia sẻ với các bạn trẻ, ngay từ khi còn nhỏ. Và việc ấy chỉ có thể có được khi chúng ta có tri thức và sự hiểu biết. Các bậc cha mẹ phải làm được điều ấy. Các bậc thầy cô phải làm được điều ấy. Và truyền thông cũng phải làm được điều ấy…

Hoài Phố
.
.