Chuyển động quan hệ Nga-Mỹ: Bầu trời đóng, và những khe cửa mở

Thứ Bảy, 29/05/2021, 08:06
Nước Mỹ đã không còn là thành viên của Hiệp ước Bầu trời mở từ năm ngoái và ngày 19-5-2021, Duma quốc gia Nga nhất trí thông qua đạo luật rút khỏi hiệp ước ấy. Tuy vậy, những ngày qua, mối quan hệ đang ở mức rất thấp của hai cường quốc hàng đầu thế giới lại lóe lên những tín hiệu tích cực, dù mới chỉ là những phác thảo.


Hạ nhiệt

Mới tháng trước, không mấy ai có thể tin rằng những nỗ lực “phá băng” và “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Moskva với Washington lại có thể diễn ra chóng vánh đến như vậy. Tháng 4-2021, Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới gồm trục xuất 10 nhà ngoại giao và hạn chế các ngân hàng của Mỹ giao dịch với Chính phủ Nga. Đáp trả, Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, cấm các quan chức cấp cao Mỹ nhập cảnh và cấm Đại sứ quán Mỹ thuê nhân viên nước ngoài.

Song, đến ngày 19-5, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov, bên lề hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bắc cực (tổ chức tại Reykjavik, thủ đô Iceland) - cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai phía, kể từ sau khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có tổng thống mới và chính quyền mới.

Những tín hiệu tan băng đã bắt đầu lóe lên.

Thừa nhận rằng “có bất đồng trong mối quan hệ Mỹ - Nga” nhưng Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng tuyên bố: “Chúng tôi tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được với Nga. Chúng tôi nghĩ điều đó tốt cho người dân Mỹ, cho người dân Nga và cho cả thế giới" - một thứ ngôn từ khá khuôn sáo nhưng lại đúng mực bối cảnh hiện tại. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng “chìa tay”: "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề mà không có ngoại lệ nếu chúng tôi nhận thấy các cuộc thảo luận diễn ra chân thành và dựa trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là xác định xem cách xây dựng quan hệ hai nước trong thời gian tới".

Cụ thể hơn và để đáp lại việc Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự tin tưởng rằng ông và nước Mỹ có thể tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga - Tổng thống Vladimir Putin - vào tháng 6 tới, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận xét: Cuộc hội đàm cấp bộ trưởng Nga - Mỹ ngày 19-5 có thể giúp làm rõ một số nội dung liên quan đến các mối liên hệ ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ thời gian tới, đồng thời cũng làm rõ khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ.

Theo Thứ trưởng Sergei Ryabkov, hiện phía Nga đang phân tích tình hình trong quan hệ với Mỹ, để quyết định có đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh hay không. Và ông nhấn mạnh: Nếu được tổ chức, hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề ổn định chiến lược trong quan hệ song phương.

Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án làm hằn sâu thêm tình trạng căng thẳng giữa hai cường quốc.

Trước thềm cuộc hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng Bắc cực, những tín hiệu hợp tác Nga - Mỹ hiếm hoi cũng đã được phát đi, khi điều phối viên đặc trách của Mỹ tại khu vực Bắc cực -  Jim de Hart thông báo quan điểm của Mỹ là cần hợp tác về nhiều mặt: chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học và bảo vệ hòa bình - an ninh khu vực.

Và một động thái bên lề rất đáng chú ý: Cũng trong ngày 19-5, như Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hé lộ,  Mỹ sẽ miễn áp đặt một số trừng phạt nhằm vào công ty phụ trách dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) - vấn đề đã từng gây nên rất nhiều sóng gió, khi Mỹ kéo cả các đồng minh phương Tây thuộc Liên minh châu Âu (EU) vào thế “kẹt giữa hai làn đạn”. Ông xem đây là “bước đi hòa giải”, đồng thời xác nhận Công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành của công ty, là công dân Đức, được miễn áp dụng trừng phạt của Mỹ.

Có vẻ, sau khi đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, đã đến lúc việc cải thiện mối quan hệ Mỹ - Nga trở thành một nhu cầu có thực, vào thời điểm hiện tại.

Nhưng vẫn âm ỉ

Mặc dù vậy, sẽ là quá lạc quan nếu tin rằng chỉ với những tín hiệu đang diễn ra hoặc kể cả với việc cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ được tổ chức, mối quan hệ này sẽ lập tức có thể được “cài đặt lại” một cách triệt để.  Dù thế nào, nước Nga cũng đang nổi lên như một địch thủ sẵn sàng thách thức trật tự thế giới đơn cực mà nước Mỹ muốn duy trì. Bởi vậy, mọi sự hòa hoãn có lẽ cũng chỉ mang tính chất thời điểm, đặc biệt là thời điểm mà những sự so kè đang gây ra nhiều thiệt hại về lợi ích (cả hữu hình lẫn vô hình) cho cả hai phía, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vật vã chống chọi với các hệ lụy của đại dịch COVID-19.

Thí dụ, câu chuyện về Hiệp ước Bầu trời mở. Theo đánh giá từ phía Nga:  “Hiệp ước Bầu trời mở củng cố đáng kể lòng tin trong lĩnh vực quân sự, tuy nhiên quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước này đã làm lung lay cán cân lợi ích quốc gia của các nước tham gia, đe dọa an ninh quốc gia của Liên bang Nga”.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay được thống nhất từ trước.

Vấn đề là, cả Nga và Mỹ thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Và từ tháng 5-2020, nước Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước, để hoàn tất ngày 22-11-2020. Bắt đầu từ tháng 1-2021, Nga cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước, viện dẫn lý do "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì Hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này. Nói cách khác, một “bức màn sắt vô hình” đã sập xuống, đóng lại bầu trời của bên này đối với bên kia.

Nước Nga sẽ không còn là thành viên của Hiệp ước Bầu trời mở.

Tháng 2-2021, Washington phát đi thông điệp rằng họ sẽ cân nhắc khả năng quay lại với Bầu trời mở nhưng vẫn không quên chỉ trích Nga không tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận. Ngược lại, Moskva cũng tuyên bố rằng nếu Mỹ quay trở lại thực hiện đầy đủ Hiệp ước Bầu trời mở, Nga sẵn sàng xem xét vấn đề này một cách xây dựng.

Riêng ở lĩnh vực quân sự, những “cấn cá” trong mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn còn nhiều điểm bị “treo” lại như thế, vô thời hạn. Ta có thể kể tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) hay Hiệp ước loại bỏ các tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF). Ông chủ cũ của Nhà Trắng - Donald Trump đã đưa nước Mỹ từ bỏ tất cả những thỏa thuận đó, đặt hai phía Nga - Mỹ vào thế không còn cơ chế chia sẻ chung nào nhằm thiết lập những hệ thống kiểm soát lẫn nhau (dù chỉ là tối thiểu) và vạch ra những quỹ đạo cần rất nhiều thời gian để đảo ngược.

Có điều, thực tế, cách tiếp cận vấn đề đó của cựu Tổng thống  Donald Trump vẫn giành được sự ủng hộ từ đa số các nghị sĩ ở Đồi Capitol, để có thể được thông qua những quyết định đó. Tại chính trường Mỹ, sự trỗi dậy của nước Nga 20 năm nay vẫn luôn là một nỗi ám ảnh.

Washington có lẽ sẽ không quá nồng nhiệt chìa tay ra với Moskva, trong tâm thế ấy. Những tín hiệu tan băng đã và đang diễn ra, dường như chỉ đơn giản là các động thái cần thiết, nhằm tránh đẩy mức căng thẳng đến độ khó kiểm soát. Và đương nhiên, nó cũng liên quan mật thiết đến các vấn đề về tài chính - kinh tế - xã hội.

Dù sao, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhận định: “Cuộc hội đàm (với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken có tính xây dựng. Hai bên đều nhận thức về sự cần thiết phải vượt qua tình hình không mấy tốt đẹp trong quan hệ giữa Moskva và Washington", những chân trời cũng đã có vẻ bớt u ám đi nhiều...
Đông Phong
.
.