Bắt đúng nhịp đời thường

Thứ Ba, 27/05/2008, 09:15
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội từ sáng 6/5 và sẽ tiếp diễn sang tới cả tháng 6. Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ tập trung vào xem xét các Báo cáo của Chính phủ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2008; thảo luận và thông qua 11 dự án Luật, trong đó có Luật Quản lý và Sử dụng tài sản Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, Chống ma túy; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam…Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh….

Tất cả đều khó

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII có nội dung công việc rất lớn và quan trọng, lại diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới rất phức tạp của nền kinh tế toàn cầu và những dấu hiệu dự báo sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế ở trong nước. Có thể nói rằng từ nhiều năm rồi thế giới mới lại bị dồn sát tới miệng vực thẳm của những bĩ cực kinh tế nguy hiểm như hiện nay. "Vàng đen" liên tiếp leo lên những ngưỡng cao kỷ lục mới.

Ngày 8/5, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch đã vượt mức 124 USD/thùng, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất, và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khẳng định không thay đổi mức sản lượng hiện tại. Tình hình này đã khiến cả một số cường quốc kinh tế cũng phải thêm phần lao đao.

Với Hoa Kỳ chẳng hạn, mặc dầu có thể thời kỳ tệ hại nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng đã qua, nhưng Washington cho tới cuối năm nay vẫn có thể không vượt qua được cơn vận hạn đen đủi của mình trong lĩnh vực nhà đất. Địa ốc ở Mỹ vẫn chưa có cơ may sớm chấm dứt tình trạng khó khăn. Theo dự đoán mới đây nhất của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ Alan Greenspan, hiện đang có tới 50% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ở một thời điểm nào đó trong năm nay.

Người tiêu dùng ở Mỹ đang buộc phải thắt lưng buộc bụng nghiệt ngã trong các chi tiêu. Và đây cũng là lý do khiến nhiều đại gia bán lẻ ở Mỹ như Home Depot, Walt Disney Stores, Talbots, Ann Taylor, Pacific Sunwear, Hoop Retail Stores... phải đua nhau đóng cửa hàng trăm cửa hàng để tránh bị thua lỗ… Nguy cơ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát cũng đang là nỗi đe dọa nhỡn tiền đối với nhiều quốc gia.

Theo ông John Lipsky, Phó Giám đốc thứ nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bài phát biểu tại Hội đồng các quan hệ đối ngoại ở New York ngày 8/5, giá năng lượng và hàng hóa tăng với tốc độ phi mã đã tác động cực kỳ xấu đến nền kinh tế chung. Và ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu về cơ bản đã chậm lại thì vẫn không thể làm ngơ trước nỗi lo lạm phát…

Họa vô đơn chí, sự thiếu hụt lương thực và cơn bão giá lương thực đang thực sự là nguy cơ gây bất ổn về an ninh trật tự ở không chỉ một quốc gia, đặc biệt là trong những nước đang phát triển với chỉ số nghèo đói cao… Theo những con số thống kê sơ bộ nhất, chỉ tính từ năm 2007 đến nay, giá lương thực trên thị trường quốc tế đã tăng tới 40%!

Những sự việc trên không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Về khách quan, trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã phải đối mặt với không ít thiên tai, trong đó có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài cùng một số dịch bệnh diễn ra trên diện rộng. Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm 2008 tuy đạt khá cao (7,4%) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,8%) và thấp xa so với mục tiêu kế hoạch cả năm (8,5 đến 9% và phấn đấu đạt mức cao hơn)…

Những khó khăn không thể tránh khỏi đã khiến lạm phát ở nước ta đã vượt xa mức dự báo. Thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến tư tưởng và tâm lý xã hội.

Tình hình lạm phát, giá cả tiêu dùng và nhập siêu tăng cao, cùng với những biến động bất thường của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến sản xuất, đến tăng trưởng của nền kinh tế và môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh…

Nhìn thẳng sự thật

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ những kết quả đạt được, mặt mạnh, mặt tích cực, đồng thời nhìn nhận sâu sắc về những mặt bất cập, yếu kém, khuyết điểm của mình trong quản lý, điều hành. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất thẳng thắn chỉ rõ các mặt chủ yếu của việc điều hành nền kinh tế đã thể hiện những bất cập, yếu kém trong quản lý điều hành của Chính phủ.--PageBreak--

Trước hết, đó là việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao gây áp lực trực tiếp đến lạm phát. Một số biện pháp xử lý cụ thể chưa thật thích hợp và đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên đã làm nảy sinh những khó khăn mới…

Tiếp đó, tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 5% được giữ liên tục trong nhiều năm trong khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn nhưng chưa đặt ra kế hoạch phấn đấu giảm dần bội chi; do đó không tạo được áp lực đối với việc kiểm soát và tiết kiệm chi tiêu ngân sách…

Vai trò của Nhà nước trong quản lý thị trường (trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản) và quản lý giá cả, quản lý xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập, yếu kém; chậm đề ra các chính sách thích hợp, có hiệu quả để quản lý và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các hoạt động này…

Công tác nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức. Năng lực tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý điều hành… Công tác thông tin tuyên truyền, giải thích tình hình vẫn chưa kịp thời, chưa đủ rõ và thiếu nhất quán, nhất là trước những diễn biến mới và khi ban hành các chính sách, giải pháp có tính nhạy cảm, gây tâm tư lo lắng trong xã hội…

Nói một cách công bằng, Chính phủ đã không bó tay thúc thủ mà tập trung sức chỉ đạo theo dõi sát các diễn biến của tình hình, phát hiện và xử lý những vấn đề mới phát sinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Nhiều chính sách, biện pháp đã được khẩn trương triển khai thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và ổn định thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất, đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và bảo đảm cân đối các hàng hoá thiết yếu; hỗ trợ thiết thực để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là nông dân, ngư dân, người nghèo, người bị thiệt hại, khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và giá cả tăng cao…".

Tất nhiên, có thể nói nhiều hơn nữa về những công việc mà Chính phủ đã làm trong thời gian qua, giúp cho nền kinh tế quốc gia chỉ phải chịu những tác động tiêu cực từ những "cơn sóng đen" trên trường quốc tế. Chúng ta đã hạn chế được thiệt hại khách quan trong những cuộc chơi chung trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Và quan trọng hơn là bước đầu, chúng ta đã thu nhận được những kinh nghiệm ứng phó với các tình huống bất thường của nền kinh tế thế giới. Và trên cơ sở những kinh nghiệm đã thu nhận được đó, Chính phủ đã thống nhất xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong những tháng tiếp theo của năm nay là: phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thay mặt Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2008 ở mức khoảng 7%. Và Chính phủ cũng đã xác định 8 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung sức chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, trong đó có việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ và thu hút đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá; tăng cường quản lý thị trường, giá cả; chống đầu cơ, buôn lậu; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội…

Bắt đúng nhịp đời thường

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nói trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, trước các đại biểu Quốc hội đang họp kỳ họp giữa năm 2008 này là một khối lượng công việc rất lớn, có nhiều nội dung quan trọng mà nếu không tiếp tục cải tiến phương pháp, cách thức làm việc theo hướng rút ngắn tối đa thời gian họp mà không ảnh hưởng đến chất lượng công việc thì có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Những ý kiến của các đại biểu nhân dân vang lên ở hội trường hay trong các cuộc họp tổ cũng đều cần thể hiện tinh thần chung tay tháo gỡ khó khăn, tìm ra được biện pháp hay để góp phần đưa nền kinh tế đất nước vượt qua được những bộn bề ghềnh thác hiện nay. Quan trọng không phải là quy trách nhiệm cho ai về những sơ sảy đã vấp phải mà là tìm được đúng những phương thức hành xử cho đúng nhịp đời thường của nền kinh tế thế giới.

Thực tế cho thấy, bản thân nền kinh tế thế giới đang còn diễn biến rất phức tạp và khó lường. Và trong tình hình đó, nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, "chúng ta phải thường xuyên theo dõi tình hình, cập nhật đầy đủ thông tin, bình tĩnh, thận trọng phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do những khó khăn khách quan mới nảy sinh; mặt khác, phải nhanh nhạy tận dụng có hiệu quả những thời cơ mới xuất hiện để phát huy tốt nhất tiềm năng phát triển của đất nước”

Hoàng Trọng Tuân
.
.