Bão... rác

Thứ Sáu, 25/07/2008, 08:15
Có thể đó là một điều trớ trêu nhưng trên thế giới hiện nay không hề có khái niệm thống nhất về… rác. Nhìn chung, mọi người đều hiểu với nhau là, rác là thải, là thứ vứt đi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ rằng, rác đang tạo nên ngày một nhiều những hiểm họa đối với môi trường và tương lai của nhân loại.

Hằng hà sa số

Có bao nhiêu loại rác? Câu trả lời đơn giản nhất: vô số. Tùy theo cách phân loại mà ta có những nhóm chất thải khác nhau. Tại Mỹ rác được chia ra thành các loại khác nhau trên cơ sở một số đặc tính nhất định. Rác cứng (solid waste) là những thứ chất thải có chứa ít hơn 70% nước.

Thuộc loại này đa số các chất thải gia đình, một phần chất thải của các ngành công nghiệp, của khai thác mỏ… Rác lỏng (liquid waste) là những chất thải có ít hơn 1% chất cứng. Còn có cả khái niệm "rác mềm" (sludge); đó là những chất thải có chứa từ 3% đến 25% lượng chất rắn.

Ngoài ra, các chất thải còn được phân loại theo tiêu chí "không độc" (non-hazardous), tức là không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ con người và môi trường xung quanh; rác độc (hazardous), đó là những chất thải có chứa một tỉ lệ nhỏ những chất độc hoặc chất phóng xạ. Còn có cả khái niệm riêng về nhóm các chất thải đặc biệt (special waste); đó là những chất thải phóng xạ hoặc rác y tế.

Có phương thức phân loại chất thải ra thành loại rác đô thị (municipal waste, tức là chất thải của các cá nhân, các cơ quan công sở, các công ty dịch vụ…) và rác công nghiệp (industrial waste, đó là các chất thải do các ngành công nghiệp, kể cả khai thác mỏ thải ra)…

Để định lượng rác, tại Mỹ sử dụng hai cách, đánh giá về khối lượng và về thể tích. Theo số liệu của cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency), về khối lượng, 32% khối lượng rác thải ở Mỹ, đó là những côngtennơ và các vỏ hộp khác nhau; 25% là chất thải thực phẩm và sinh hoạt; 17% là những hàng hóa sử dụng lâu dài; phần còn lại là những hàng hóa sử dụng ngắn hạn (đó là những đồ vật chỉ có thời hạn sử dụng dưới một năm, như giấy, vải, cao su…). Tính theo thể tích, loại chất thải là đồ dùng đứng đầu (32%); tiếp theo là đồ dùng ngắn hạn (21%).

Tổ chức môi trường ZWA đã đi tới kết luận sau: không ai có thể biết rõ số lượng chính xác về rác ở Mỹ. Vấn đề không phải là không thể có những con số thống kê chi tiết mà ngay cả nếu như có chúng thì cũng không ai có thể kiểm tra lại chúng được.

Theo những con số chính thức, năm 2007 tại Mỹ đã bỏ ra bãi thải khoảng 251 triệu tấn rác cứng đô thị (chưa kể chất thải phóng xạ công nghiệp và y tế). Như vậy là trung bình mỗi người Mỹ mỗi ngày thải ra khoảng gần 2kg rác (để so sánh, có thể biết thêm: năm 1960, người Mỹ thải ra khoảng 88 triệu tấn rác; còn năm 2005, con số này là gần 241 triệu tấn).

Một phần nguyên nhân của sự gia tăng này là sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, trong bất luận trường hợp nào thì năm 1960, một người Mỹ trung bình chỉ thải ra khoảng 0,8kg rác mỗi ngày, ít hơn hai lần so với hiện nay. Tốc độ gia tăng lượng rác thải ở Mỹ như vậy là nhanh gấp hai lần so với tốc độ gia tăng dân số!

"Sọt rác" ở Mỹ có thành phần như sau: giấy và các sản phẩm từ giấy chiếm khoảng 34%, những chất thải từ vườn cây (cỏ, cành cây, lá, đất, đá…) - khoảng 13%, chất thải thực phẩm - gần 12%, chất dẻo - 11,5%, kim loại - 7,5%, cao su, da và vật phẩm dệt may - gần 7,2%, gỗ - 5.5%, thủy tinh - gần 5.2%...--PageBreak--

Càng giàu, càng lắm rác

Theo tính toán của tổ chức môi trường Co-op America, tính trung bình mỗi một cư dân ở các nước giàu sử dụng lượng hàng hóa cao gấp 53 lần so với một người Trung Quốc tính trung bình và 35 lần cao hơn so với một người Ấn Độ tính trung bình. Lượng rác mà họ thải ra cũng cao hơn tương ứng.

Trong đời mình, một cư dân ở các nước giàu có tại Bắc Mỹ hay tại Tây Âu gây hại cho môi trường sinh thái gấp 13 lần một cư dân ở một nước có mức sống trung bình như Brazil chẳng hạn.

Theo đánh giá của LHQ, khoảng 15% dân số trên thế giới, cư trú tại các nước công nghiệp phát triển, sử dụng 87% lượng giấy chung. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất giấy tiêu thụ nước nhiều nhất trên thế giới và đứng ở vị trí thứ ba sau công nghiệp hóa học và luyện thép về lượng khí thải độc hại.

 Năm 2006, trong quá trình sản xuất các vỏ hộp (mà kết cục của nó là nằm trong sọt rác) đã thải ra một lượng khí cácbôníc bằng lượng khí thải của 7 triệu chiếc xe hơi.

Theo số liệu của Đại học Arizona ở Tucson, công bố năm 2006, trung bình một gia đình người Mỹ vứt vào sọt rác khoảng 14% lượng thực phẩm mà họ đã mua. 15% số thực phẩm này còn nằm trong hộp, chưa được mở ra và thời hạn sử dụng cũng chưa hết.

Như vậy là tính trung bình mỗi một gia đình người Mỹ vứt đi một lượng thực phẩm trị giá khoảng 590 USD. Một công trình nghiên cứu khác, tiến hành năm 2008 tại Anh (do Tổ chức Waste & Resources Action Programme công bố kết quả), cũng cho thấy, người dân Anh thường vất vào sọt rác khoảng 18% lượng thực phẩm đã mua.

Trong những gia đình có trẻ con, tỉ lệ này còn cao hơn: 27%! Loại thực phẩm hay bị vứt đi nhất là các loại bánh (19%); tiếp theo đó là rau, thịt và cá (mỗi thứ chiếm 18%). Tính tổng thể, mỗi năm người Anh vứt vào sọt rác khoảng 20 tỉ USD tiền thực phẩm…

Mối đe dọa lớn cho tương lai

Những năm gần đây, chuyện rác thải điện tử (những công cụ điện tử đã hết thời hạn sử dụng hay đã hư hỏng) đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Hiểm họa từ loại rác thải này rất lớn vì chỉ đơn cử một monitor bình thường của máy tính cũng chứa đựng không chỉ một chất độc (chì, thủy ngân…), có thể làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và lòng đất.

Mức độ thực sự của tai họa này, như của nhiều loại rác khác, cho tới ngày hôm nay cũng vẫn chưa được xác định chuẩn xác. Năm 2007, Hiệp hội Quốc tế những cơ sở tái chế rác điện tử (International Association of Electronics Recyclers) cho biết, mỗi năm có khoảng 400 dụng cụ điện tử bị thải ra. --PageBreak--

Công ty Maketing Gartner cũng trong năm đó đã công bố thông tin mà theo đó, tính từ năm  2000 chỉ riêng ở Mỹ mỗi ngày đã thải ra gần 140 nghìn máy tính cá nhân.

Để so sánh, nên biết những con số sau: theo cơ quan Bảo vệ môi trường (Environmental Protection Agency),  mỗi năm ở Mỹ bán ra khoảng từ 55 tới 60 triệu máy thu hình và máy tính. Những khách hàng mua các loại máy này thường bỏ những máy cũ vẫn còn hoạt động được nhưng đã lỗi mốt và thay vào đó là những máy mới.

Những máy bị gỡ ra hoặc được bán cho tiệm đồ cũ hoặc được mang đi cho hoặc bị thải vào sọt rác nhưng phần lớn đều được giữ lại dự trữ khi cần lại chúng - trung bình một gia đình người Mỹ giữ trong kho khoảng từ 2 tới 3 dụng cụ điện tử phức tạp mà hiện họ không còn cần sử dụng.

Kết cục là, đang có khoảng từ 20 tới 24 triệu máy tính và máy thu hình được để trong nhà hoặc trong công sở, tạo nên cả một kho "bom nổ chậm" vì sớm hay muộn chúng cũng bị ném vào sọt rác. Chỉ có 20% số máy tính ở Mỹ đã bị người chủ đầu tiên gỡ ra về sau được những người khác sử dụng tiếp.

Cũng theo số liệu của cơ quan Bảo vệ Môi trường, mỗi năm tại Mỹ có tới 130 triệu điện thoại di động bị vứt vào sọt rác. Còn theo số liệu của hãng Inform, trong những năm gần đây tại Mỹ chỉ có 1% số máy điện thoại di động cũ đã bị vứt đi về sau được xử lý một cách thỏa đáng.

Hàng trăm triệu những máy cũ hoặc hỏng đã bị ném vào sọt rác. Trong khi đó, cứ 1 triệu máy điện thoại di động cũ, lại có 500 nghìn tấn chất thải độc hại!

Theo số liệu của  tổ chức môi trường Silicon Valley Toxics Coalition, tại Mỹ chỉ riêng trong năm 2006 đã xuất hiện tới  2,6 triệu tấn rác điện tử. Hiện thời đó chỉ là một lượng nhỏ trong tổng lượng rác chung, khoảng 1,4%.

Tuy nhiên, trong 1,4% này là 70% tất cả các chất thải độc hại nằm trong bãi rác! Chỉ có khoảng 12% số máy điện tử bị vứt đi về sau đã được xử lý thỏa đáng.

Trên quy mô thế giới, những chỉ số rác thải điện tử cao hơn nhiều so với ở Mỹ. Theo đánh giá của LHQ, mỗi năm trên thế giới sinh ra từ 20 tới 50 triệu tấn rác điện tử, tức là hơn 5% lượng rác thải đô thị.

LHQ dự đoán rằng, lượng rác thải này sẽ không ngừng gia tăng vì tại các nước công nghiệp phát triển lượng máy điện tử bị vứt bỏ sẽ tăng từ 4 tới 6% mỗi năm, còn ở các nước đang phát triển, loại rác này  sẽ tăng gấp ba ngay trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Các con số thống kê đủ sức tạo nên một bức tranh ghê rợn. Theo tính toán của hãng IDC, năm 2007 trên thế giới đã sản xuất khoảng 267,7 triệu máy tính (năm 2006, con số này chỉ là 235 triệu).

Tới cuối năm nay, lượng máy tính được sản xuất trong cả năm 2008 sẽ lên tới 302 triệu đơn vị và tới năm 2012 - sẽ tăng lên tới mức 426 triệu. Bất chấp việc một số nhà sản xuất máy tính cố gắng sử dụng một số công nghệ tiên tiến thân thiện với thiên nhiên nhưng nhìn chung, không vì thế mà loại kỹ thuật này trở nên bớt hại đối với môi trường.

Thêm vào đó, sẽ gia tăng tốc độ già đi của các loại công cụ điện tử và như vậy là lượng rác điện tử cũng sẽ không ngừng gia tăng tốc độ chất chồng…

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế về phát triển bền vững (International Institute for Sustainable Development), đầu năm 2008, đại đa số các nước trên thế giới đã tham gia 13 thỏa thuận đa phương toàn cầu hoặc các hiệp ước về bảo vệ môi trường và hơn 500 thỏa thuận quốc tế khác kêu gọi một cách gián tiếp về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, số lượng gia tăng các văn kiện quốc tế đã được ký kết như thế lại không mang tới những kết quả tương xứng - thông thường là người ta nói thì hay nhưng làm lại không mấy hiệu quả! "Cơn bão rác" vì thế vẫn rất có thể sẽ bùng lên trong tương lai gây ra những hệ lụy khôn lường

Phi Long Hằng
.
.