Người Việt có hung hãn không?

Bạo lực hiển nhiên

Thứ Sáu, 04/03/2016, 17:56
Người Việt có hung hãn hay không? Câu trả lời là “chắc chắn có”. Nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm đã xảy ra, đó chính là biểu hiện của sự hung hãn, của hành vi bạo lực, của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người trong xã hội hôm nay.

Con số thống kê của Bộ Y tế: hơn 5.100 người phải nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày Tết Bính Thân 2016 vừa qua cũng đã là câu trả lời rõ ràng nhất rồi. Mà đây cũng chỉ là một con số thống kê chưa đầy đủ, thậm chí là rất ít so với con số thực tế bởi số người đánh nhau nhưng đã được xử lý tại gia đình, đánh nhau nhưng hậu quả không đến mức phải tới bệnh viện, các vụ đánh nhau chỉ đến trạm y tế địa phương hay bác sĩ tư… thì chưa được cập nhật. Và chắc hẳn con số ấy cũng không hề nhỏ!

Thật sự không thể hiểu nổi là vì sao con người ta ngày càng dễ dàng xô xát nhau đến như thế? Mời rượu nhưng không uống - đánh, hay uống dối dẫn đến lời qua tiếng lại – cũng đánh; đứng chen lấn mua vé, va chạm mà không nói lời xin lỗi - đánh; nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời - đánh; va chạm tình cờ trên đường phố cũng dẫn đến những trận thư hùng hỗn loạn… Đó là những lý do của các vụ ẩu đả, có khi dẫn đến thương vong trong xã hội ngày nay mà người ta có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó.

Câu hỏi đặt ra là vì sao con người ta lại trở nên hung hãn như vậy?

Chúng ta có thể dễ dàng trả lời chung chung rằng, là do các cá nhân đánh nhau đó đã thiếu sự cân nhắc trên bình diện bản thể nên dẫn đến sự hung hăng trong phản ứng. Còn xét trên tầm vĩ mô thì có rất nhiều nguyên nhân như: do nhà trường chưa giáo dục tốt về hành vi ứng xử; gia đình thì chưa thực sự trang bị cho con những kỹ năng sống, mà cụ thể là sự ôn hòa trong giải quyết mâu thuẫn; kế đến là những dự án về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản…

Cuộc sống con người ngày nay có quá nhiều áp lực, từ học hành, công danh sự nghiệp đến cơm áo gạo tiền, tất cả dễ khiến người ta rơi vào trạng thái stress. Sự hung hãn từ đó cũng nảy sinh. Tiêu thụ rượu bia quá nhiều cũng một phần khiến con người bị mất khả năng kiểm soát hành vi bản thân. Nhiều vụ ẩu đả, án mạng đã xảy ra cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Nhưng có phải vì người ta uống nhiều rượu bia ngày Tết nên sự hung hãn gia tăng rồi dẫn đến nhiều bạo lực hay không? Thật ra, rượu bia lắm khi chỉ là cái cớ mà thôi. Bởi trước hay sau Tết, nếu có thống kê thì số lượng người đánh nhau vẫn sẽ nhiều như vậy. Vì sao? Vì sự hung bạo thật sự đã phủ lên khắp cuộc sống thường nhật của chúng ta hôm nay.      

Những người đã giẫm đạp, chen lấn và ẩu đả nhau ở các đình chùa, miếu mạo mà chúng ta chứng kiến qua các bài báo, họ không hề say. Họ đã rất tỉnh táo khi quyết tâm cướp cho được cái phết, cái ấn về cầu may, cầu tương lai rộng mở trên con đường quan lộ. Và để đạt được việc đó, họ sẵn sàng dùng bạo lực, họ sẵn sàng từ chối lòng tự trọng của bản thân, họ vung gậy đánh nhau như những kẻ du thủ, du thực.

Bạo lực cũng đang hoành hành trong chốn học đường. Chúng ta đã xem rất nhiều những đoạn video clip mà trong đó những em học sinh thân yêu vác ghế phang vào đầu nhau, lột quần lột áo nhau, thậm chí cầm dao lạnh lùng đâm gục bạn mình trong lớp học hay trước sân trường.

Sự hung bạo có mặt ở khắp nơi, từ những lời sỉ vả nhau trên mạng xã hội cho đến những trận thư hùng ngoài phố. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là thái độ dửng dưng của nhiều người trước bạo lực. Trong các video clip học sinh đánh nhau, bao giờ cũng có cảnh đám bạn xung quanh dửng dưng đứng nhìn. Người lớn cũng đã dửng dưng với bạo lực khi cả đám đông tụm lại xem đánh nhau trên phố.

Sự dửng dưng đó nói lên điều gì? Ngoài sự vô cảm thì nó còn cho thấy, bạo lực đã dần quen thuộc, dần trở thành một điều bình thường và người ta chấp nhận nó như là một phần trong cuộc sống này!

Đó mới thật sự là một điều vô cùng nguy hiểm. Bởi khi con người ta chấp nhận bạo lực xung quanh mình như điều tất yếu để giải quyết những mâu thuẫn thường nhật thì việc họ có hành vi bạo lực cũng là điều tất yếu!

Ở đây xin nhấn mạnh thêm chi tiết liên quan đến bạo lực học đường rằng, khi những em học sinh nhỏ đã quen với bạo lực ngay từ trên ghế nhà trường thì liệu lớn lên các em sẽ không bạo lực, nếu xét theo hành vi diễn tiến không được kiểm soát, không được điều chỉnh?! Có thể nói, ngay trong môi trường học đường, việc giảng dạy những giá trị đạo đức, giá trị ứng xử chưa được quan tâm và thực thi một cách hữu hiệu thì những nhận thức, thái độ tiêu cực mang màu sắc của sự hung hãn có nguy cơ tái xuất hiện. Mà người trưởng thành của ngày mai chính là những học sinh hôm nay!

Thông thường, người ta chỉ dùng bạo lực với nhau vì một mâu thuẫn, vì sự thù hằn sâu sắc nào trước đó. Nhưng bây giờ thì không như vậy, người ta dễ dàng xuống tay với một con người xa lạ chỉ vì một tiếng còi xe, một cái pha đèn vô ý, một ánh nhìn, một câu nói vu vơ nào đó.

Nhưng thật ra, sự hung hãn đó cũng bắt nguồn từ một nỗi oán thù mơ hồ với đồng loại. Mà ngày nay, nỗi oán hờn đó đến từ nhiều nguyên nhân. Những chính sách đi ngược lại với lợi ích của số đông được ban hành từ những người vô trách nhiệm; chuyện người ta tự đầu độc nhau trong những bữa ăn hằng ngày bằng đủ loại thực phẩm độc… là những ví dụ điển hình.  

Thời gian qua, rất nhiều đợt thanh kiểm tra các trang trại nuôi lợn đã diễn ra và kết quả là quá nửa số trang trại đó sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi! Rồi đến trái cây nhúng hóa chất, đến rau muống tắm dầu nhớt.

Có quá nhiều những thông tin xấu xí ấy xuất hiện trên mặt báo. Nó khiến cho người ta cảm thấy cuộc sống của mình bỗng chốc trở nên bất an đến vô cùng. Và đó cũng là lúc người ta nảy sinh sự nghi kỵ, oán hờn với tất cả những người xung quanh.

Sự hung hãn với bất cứ ai bắt đầu từ đó!

Hoàng Lãm
.
.