Cánh diều vàng năm 2011:

Bao giờ cho đến..."tử tế"?

Thứ Ba, 08/03/2011, 14:44
Có một thực tế khá buồn tại Việt Nam liên quan đến các giải thưởng nói chung và điện ảnh nói riêng là sự không phục của chính những người trong nghề với nhau. Và giải thưởng cũng chưa bao giờ là một cột mốc "làm sang" trong sự nghiệp của họ. Vậy thì hãy cứ "mơ" đi về một ngày "cánh diều" no gió bay cao và những "vàng" kia sẽ là vàng ròng.

Có hội thì có hè

Những nỗ lực của Hội Điện ảnh Việt Nam về một giải thưởng được "thậm xưng" là "Oscar của Việt Nam" ngay từ những ngày đầu tiên công bố của nhiều năm về trước đã bị nhận sự dè bỉu đầy tính nghi hoặc. Sự nghi hoặc đó chẳng có gì xa lạ bởi cái gọi là công nghiệp của nền điện ảnh, thì Việt Nam vẫn còn ở vạch xuất phát.

Nói về khâu tổ chức thì hãy còn là "xe thô sơ" trên đường cao tốc và nói về uy tín thì vẫn còn là "tình yêu đến em không mong đợi gì - tình yêu đi em không hề nuối tiếc"; dạng như: được cũng chẳng tự hào hơn mà không được cũng chẳng lấy đó làm xấu hổ. Không có ý phủ nhận hoàn toàn công sức của những người tổ chức nhưng rõ ràng thực tế đã minh chứng như vậy.

Được thành lập từ năm 1993 nhưng phải đến mười năm sau, 2003, thì Cánh diều vàng mới chính thức phủ sóng phổ thông qua sự liên thông với VTV và sau đó là hàng loạt những chỉ trích của báo chí dành cho những lộn xộn của lễ trao giải. Mang tiếng là một giải thưởng của Hội Điện ảnh, nếu xét đúng nghĩa sẽ chỉ trao cho những thể loại phim trực thuộc lĩnh vực điện ảnh một cách chính quy như phim truyện nhựa, phim ngắn, phim tài liệu, phim ca nhạc và phim hoạt hình, nhưng Cánh diều vàng lại "rộng lượng" hơn ở chỗ trao cả "Vàng" cho những thể loại ngoại lai như video và truyền hình.

Chưa hết, hệ thống giải thưởng của giải này cũng khá kì cục khi mỗi năm cao hứng lên, BTC lại tự động quyết định "bổ sung" thêm một số hạng mục. Cụ thể như năm 2003 thêm giải thưởng Cánh diều đặc biệt cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”; năm 2004 thêm giải Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất cho “Mùa len trâu”; năm 2005 thì Cánh diều bạc, Cánh diều đồng bị bỏ, thêm giải Phim xuất sắc do báo chí bình chọn cho “Sống trong sợ hãi”; năm 2006 thêm hai giải mới Phim phục vụ người xem nhiều nhất và Phim bán được nhiều vé nhất, giải Cánh diều bạc được khôi phục, bằng khen thay cho Cánh diều đồng.

Và cứ tình hình này thì chẳng ai có thể hứa hẹn hay đảm bảo gì giải Cánh diều vàng 2011 sẽ không "lòi ra" hoặc "mất hút" thêm một số hạng mục khác. Đó là chưa kể đến chuyện cả giải thưởng có 7 phim tham dự nhưng có đến 5 phim lọt vào đề cử cuối cùng cho hạng mục "xuất sắc nhất", thế nên mới có chuyện nói vui với nhau "gái xấu nhưng vẫn… có quà".

Thực tình là cũng chẳng có liên hoan phim nào trên thế giới từ quốc tế cho tới địa phương có tình trạng trao giải cho những phim chưa (hoặc cũng có thể là không bao giờ) công chiếu. Về nguyên tắc, giải Cánh diều vàng được tổ chức để trao cho các tác phẩm của năm trước đó, nhưng thực tế, trong các bộ phim được trao giải có những phim chưa kịp công chiếu, có những phim trước đó 3 năm.

“Trò đùa của Thiên lôi” được trao Cánh diều bạc 2003, đến nay vẫn chưa ra mắt khán giả. “Chuyện của Pao” được trao Cánh diều vàng 2005 khi chưa công chiếu. “Lọ lem hè phố” giải Phim có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất của Cánh diều vàng 2006 được công chiếu từ 2004. Tương tự các phim Hải quỳ, Có một chuyến đi, Giải phóng Sài Gòn, Đường thư, Cầu ông Tượng dù tham dự Cánh diều vàng từ những năm trước thế nhưng phải một thời gian rất lâu sau đó một số ít trong các bộ phim kia mới đến được với khán giả qua những suất chiếu hạn chế, chóng vánh đến không ngờ.

Thế nên gọi là hội và hè cho giải thưởng này có lẽ cũng không phải sự ngoa ngôn hoặc xúc phạm đến những người tổ chức.

Có nên hi vọng?

Cánh diều vàng 2011 chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến lễ trao giải nhưng tính đến thời điểm này mới chỉ có hơn hai bàn tay số lượng phim đăng kí tham dự, dù 2010 là năm "bội thu" về số lượng phim ra rạp của điện ảnh Việt. Sự thờ ơ của những hãng phim tư nhân không phải là không có cơ sở khi nhìn đi nhìn lại họ tham dự cũng chỉ mang tinh thần "đủ tụ" chứ cũng chẳng hi vọng gì về chuyện được vinh danh.

Hãng sản xuất phim "Giao lộ định mệnh" đã quyết định tham gia dù rằng vẫn nhận được những điều tiếng về nghi hoặc chuyện "đạo phim". Cũng chính từ trường hợp của "Giao lộ định mệnh" mới thấy những lỗ hổng về quản lí của ngành điện ảnh Việt Nam. Chưa có một văn bản thẩm định, thanh tra hay thanh minh gì cho bộ phim mà bỏ mặc cho đạo diễn và nhà sản xuất "tự bơi" trong công việc vãn hồi thanh danh.

Nực cười ở chỗ có hội đồng duyệt để cấp giấy phép ra rạp nhưng lại chẳng có hội đồng duyệt để thẩm tra tính chất vụ việc (?!). Thế nên việc "Giao lộ định mệnh" tham gia Cánh diều vàng chắc chắc là chỉ để xôm tụ chứ cũng chẳng dám trông mong gì bất cứ giải thưởng nào bởi sự nguy hiểm của việc trao giải là quá rõ. "Sản xuất phải an toàn - An toàn để sản xuất" - khẩu hiệu tại các công trường xây dựng xem ra đúng với công trường… điện ảnh.

Lượng và chất cũng là một vấn đề đau đầu cho BTC khi công bố danh sách phim dự giải. Ai cũng biết mùa phim Tết thì đừng trông mong gì vào những tác phẩm kiệt xuất (thực tế là như vậy còn tương lai thì chưa biết) nhưng nếu không kêu gọi các hãng phim tư nhân gửi phim tham dự thì biết lấy phim đâu mà chiếu? Lấy ngôi sao nào mà thu hút dư luận?

Lấy đề tài gì để tổ chức hội thảo và lấy đâu câu chuyện để báo chí ầm ĩ? Chẳng biết có phải vì thế hay không mà Cánh diều vàng thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3, như một thời điểm "đón lõng" các phim Tết vừa hoàn thành "sứ mệnh" doanh thu phòng vé mùa vàng?

Hoặc nếu không thì một nguy cơ khác rõ ràng hơn là nếu các phim tư nhân không tham dự, không xôm tụ thì với danh sách phim quá hẻo như vậy, ngày hội sẽ không vui, hiệu quả sẽ không đạt được như mong muốn (dù rằng nó cũng chưa từng tốt như kế hoạch định ra) dẫn đến điều quan trọng nhất: kế hoạch duyệt chi để tổ chức liên hoan đã kí, giờ chẳng nhẽ hoãn sang năm cho đủ phim để tổ chức (?!).

Vậy nên những Thiên sứ 99, Em hiền như Ma- Sơ, Bóng ma học đường, Vũ điệu đam mê, v.v… những phim được báo chí hết sức "ca ngợi" về "sự đóng góp cho điện ảnh Việt những bộ phim dở nhất trong năm" vẫn cứ ung dung bước trên thảm đỏ. Trong khi đó những bộ phim độc lập, giành được nhiều giải thưởng quốc tế và được chờ đợi như Bi, đừng sợ lại nằm trong vòng "xét duyệt" về chuyện có tham gia hay không. 

Tất nhiên là vẫn phải hi vọng thôi, hi vọng một ngày Cánh diều sẽ "căng" gió và bay cao, bay xa để những dòng chữ như "Phim xuất sắc nhất Cánh diều vàng" hoặc "Đề cử phim xuất sắc nhất Cánh diều vàng" sẽ xuất hiện trang trọng trên các poster hoặc bìa đĩa của các bộ phim khi công chiếu hoặc phát hành dưới dạng băng đĩa. Chừng nào công chúng, báo giới, thậm chí cả người trong nghề còn đánh giá cao những giải thưởng quốc tế - dù nó bé li ti - thì những người tổ chức Cánh diều vàng đừng vội trách họ vô tâm mà hãy "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân".

- Cánh diều vàng 2011 tính đến thời điểm này có các phim sau tham dự: "Nhìn ra biển cả" (Hãng phim Hội Điện ảnh), "Vũ điệu đam mê" (Hãng phim truyện Việt Nam), "Long thành cầm giả ca" (Hãng phim Giải Phóng), "Trung úy" (Hãng phim truyện Việt Nam), "Vượt bến Thượng Hải" (Hãng phim Hội Nhà văn), "Hoa đào" (Hãng phim truyện I), "Giao lộ định mệnh" (Saiga phim).

- Cánh diều vàng năm nay có sự đổi mới khi có thêm hạng mục phim ngắn xuất sắc nhất. Sau 7 năm tổ chức một giải thưởng riêng thì năm nay, phim ngắn chính thức quy về một mối.

- Thành viên ban giám khảo phim truyện nhựa cũng đông đảo nhất (11- 13 người) so với thành phần các ban giám khảo còn lại (5-7 người).

- Năm nay, Cánh diều vàng sẽ tôn vinh sự nghiệp của ba cố nghệ sĩ: NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh, NSND Nguyễn Văn Thông và NSND Trần Vũ.

- Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2011 sẽ diễn ra lúc 20g ngày 13/3 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) và được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và VTV4. Trong Ban văn nghệ Ðài Truyền hình VN - đạo diễn, NSƯT Trịnh Lê Văn sẽ là tổng đạo diễn đêm trao giải.

- Giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và Bằng khen trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất tại bảy thể loại: phim hoạt hình (nhựa và video), phim khoa học (nhựa và video), phim tài liệu (nhựa và video), phim ngắn (một Cánh diều vàng cho phim ngắn và các bằng khen), phim truyện video, phim truyện nhựa, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Ngoài ra sẽ có giải báo chí - phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất.

Nguyễn Hà (thực hiện)
.
.