Bản quyền nào cho Quốc ca?

Chủ Nhật, 11/12/2005, 09:59

Chẳng lẽ mỗi khi muốn hát lên bài Quốc ca, người ta lại buộc phải kiểm tra lại xem mình đã đóng tiền bản quyền hay chưa?

Khi có nhiều ý kiến đặt câu hỏi, nhạc sỹ Văn Cao sẽ được hưởng bao nhiêu tiền từ việc các đơn vị sử dụng bài hát "Tiến quân ca" trong hoạt động của mình, nhạc sỹ Phó Đức Phương giải thích: Với tần suất 7 lần/ ngày trên 7 kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam, nếu như Trung tâm của ông thỏa thuận được với Đài bằng một hợp đồng cụ thể (khoảng 400 triệu đồng/ năm cho tất cả các tác phẩm, tác giả, khoảng 259.200 lượt bài/ năm) thì nhạc sỹ Văn Cao sẽ nhận được 3.888.360 đồng/ năm với bài Quốc ca. Nhạc sỹ cho rằng, như vậy đâu có đáng gì để ai đó nghĩ rằng các nhạc sỹ sẽ thu được quá nhiều tiền!

Đúng là số tiền đó trong 1 năm là không nhiều. Và cũng không ai quan tâm, kể cả các nhạc sỹ, rằng đó là nhiều hay ít. Cái quan trọng là chúng ta có nên nhìn vấn đề một cách cơ học như thế hay không? Bài Quốc ca chính là sự ký thác của cả dân tộc vào những phút thăng hoa của người nghệ sỹ, để rồi nó trở thành một biểu tượng và không thể chỉ nhìn nhận nó như một ca khúc đơn thuần.

Nói một cách khác, Quốc ca cũng giống như Quốc kỳ, Quốc hiệu vậy, đã trở thành biểu tượng và là tài sản chung của dân tộc, của đất nước. Nếu tính tiền bản quyền cho Quốc ca, vậy sẽ tính sao với lá cờ được treo trên nóc những ngôi nhà suốt bao nhiêu tháng năm? Cũng giống như thế, Quốc ca là vô giá, không thể tính toán theo cách một cộng một sẽ bằng hai. Chúng ta tưởng rằng như thế sẽ tạo lập được sự công bằng, nhưng chẳng có sự công bằng nào dành cho tình yêu đất nước mỗi khi bài hát của Tổ quốc được cất lên.

Nếu suy theo cách tính của Trung tâm với Đài Tiếng nói Việt Nam, vậy thì một ngày các đài phường (cũng hoạt động công ích không thu tiền) sẽ phát bao nhiêu lần bài Quốc ca? Chẳng lẽ mỗi khi muốn hát lên bài Quốc ca, người ta lại buộc phải kiểm tra lại xem mình đã đóng tiền bản quyền hay chưa?

Tất nhiên, không thể lấy bất cứ lý do nào để phủ nhận bản quyền của tác giả. Với Văn Cao, ông sáng tác ca khúc ấy không phải vì biết nó là Quốc ca, nó sẽ được lưu danh hay vì mưu lợi cá nhân. Ông sáng tác vì ông là một nghệ sỹ, chiến sỹ, sáng tác cho cách mạng và vĩnh viễn vẫn là như vậy. Thế nên, bản quyền của Quốc ca phải thuộc về Nhà nước, Nhà nước nên có chính sách cụ thể. Quốc ca phải là bài hát của mọi người, nó luôn nằm trong tiềm thức mọi thế hệ người Việt, bởi đó là bao nhiêu khổ đau, hy sinh, anh dũng và tự hào của cả dân tộc Việt Nam

P.V. (thực hiện)
.
.