Bạn đọc hỏi nhà báo trả lời số 171

Thứ Tư, 09/12/2015, 14:09
Nếu chúng ta không có những chế tài xử phạt nghiêm minh đúng với bản chất của các vi phạm mà có thể gọi đó là tội ác thì chúng ta sẽ không bao giờ giảm được hay chấm dứt “tội giết người gián tiếp” này. 

Cần có những cảnh báo chính thức từ chính quyền

Anh Nguyễn Đức Vinh (Yên Phong, Bắc Ninh): Thưa nhà báo, hệ thống bán hàng đa cấp đã tràn về đến nông thôn và các vùng sâu vùng xa. Đã có tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và yếu tố lòng tham, tâm lý muốn kiếm lợi nhanh mà kẻ lừa đảo đã dụ rất nhiều người vướng vào vòng xoáy bán hàng đa cấp này. Vậy làm cách nào thế nào để cảnh báo cho người dân, đặc biệt là những người nông dân biết cho họ tránh xa những cạm bẫy đó?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Nguyễn Đức Vinh, có lúc tôi nghĩ chúng ta đang làm những việc chẳng liên quan gì đến lợi ích của người dân. Về vấn nạn bán hàng đa cấp, chúng ta mới chỉ có những bài báo đơn lẻ lên tiếng mà tôi chưa thấy một cảnh báo nào chính thức từ chính quyền. Có cần phải liên tục gửi đi lời cảnh báo về hệ thống “ma quỉ” này không? Câu trả lời là: vô cùng cần thiết và cấp bách. Bởi hiện thực cho thấy có biết bao gia đình tan nát bởi hệ thống này. 

Lòng tham của con người chẳng bao giờ hết. Nó nằm trong máu thịt của con người và chờ cơ hội là thức dậy. Và đặc biệt trong đời sống kinh tế còn quá nhiều khó khăn. Thế là, sự xuất hiện của cái gọi là bán hàng đa cấp đã cuốn bao người vào cái vòng chết người ấy. Những người dân nghèo khó cùng với sự hiểu biết quá hạn chế hoặc bằng 0 là những điều kiện tốt nhất cho con quái vật đa cấp này. Nếu chúng ta thương xót thực sự cho số phận của những người dân thì sao chúng ta không thường xuyên gửi tới họ lời cảnh báo một cách rành mạch về hệ thống bán hàng ma quỉ này??? Nhưng chúng ta, những người có trách nhiệm, đã không làm. Và với sự thờ ơ của những cơ quan có trách nhiệm như hiện nay, con quái vật đa cấp này càng ngày càng tự do tung hoành và “ăn thịt” biết bao người.

Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là tội “giết người gián tiếp”

Chị Diễm Anh (quận 7, TP HCM): Tôi theo dõi chương trình thời sự, thấy những phóng sự về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng báo động. Hằng ngày chúng ta cần ăn, uống sinh hoạt, nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng tôi vô cùng hoang mang vì từ gạo, rau, quả, thịt, cá,... mọi thứ được bày bán giờ đây gần như là thực phẩm bẩn. Sự ô nhiễm và độc hại này có ảnh hưởng lâu dài và rất nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Thưa nhà báo, liệu các cơ quan chức trách đã làm gì hữu hiệu để từng bước ngăn chặn tình trạng này hay mới chỉ là những biện pháp nửa vời? Có phải những chế tài xử phạt của chúng ta hiện nay chưa đủ sức răn đe. Chúng ta có nên thi hành những biện pháp mạnh hơn như công bố tên những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm…, không, thưa nhà báo? Và trong khi chờ đợi, chúng tôi vẫn cần ăn để sống, vậy thì chúng tôi biết đặt niềm tin vào đâu, khi mà ngay cả một số nơi thực phẩm được dán nhãn “an toàn” - lại cũng là giả mạo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Diễm Anh, có hai nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ kinh hoàng về thực phẩm độc hại hiện nay đang tràn ngập trên lãnh thổ của chúng ta. Một, ý thức của con người đối với cộng đồng của họ. Hai, luật pháp của chúng ta quá lỏng lẻo.

Chưa bao giờ lợi ích cá nhân hay nói rõ ra là lòng tham lam của mỗi cá nhân con người Việt Nam đã đạp lên lợi ích cộng đồng như bây giờ. Chính vì lòng tham lam vô bờ bến ấy mà con người có thể làm tất cả kể cả sự độc ác để thỏa mãn lòng tham của mình. Chưa bao giờ, chúng ta lại phải chứng kiến những tội ác tận cùng man rợ mà cách đây khoảng mười, hai mươi năm chúng ta không thể nào tưởng tượng được.

Đã có không ít những cá nhân, những doanh nghiệp vi phạm trầm trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng chúng ta đã xử lý một cách hời hợt, không đến nơi đến chốn. Ở hầu hết các nước trên thế giới, khi một nơi cung cấp thực phẩm mà vi phạm những qui định hay luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí cấm hoạt động vĩnh viễn. Bởi những vi phạm về vệ sinh an toàn thực thẩm và môi trường là những hành động gián tiếp ảnh hưởng đến sinh mạng của con người. Nếu chúng ta không có những chế tài xử phạt nghiêm minh đúng với bản chất của các vi phạm mà có thể gọi đó là tội ác thì chúng ta sẽ không bao giờ giảm được hay chấm dứt “tội giết người gián tiếp” này. Cùng với lời kêu gọi lương tâm phải là những hành động pháp lý mạnh mẽ và quả quyết.

Những chiếc xe thương binh giả và những người thương binh giả

Bác Nguyễn Viết Xuân (quận Hoàng Mai, Hà Nội): Hiện nay ở khu dân cư nơi tôi ở có hiện tượng người dân bình thường giả làm thương binh để chạy xe ba bánh. Những thương binh giả này thường chở hàng cồng kềnh, vượt quá quy định cho phép và lưu thông trên đường rất ẩu, không ít lần gây ùn tắc, mất an ninh trật tự, thậm chí cả tai nạn giao thông. Tôi băn khoăn rằng lực lượng Cảnh sát giao thông đã có biện pháp gì để phân biệt xe ba bánh của thương binh và xe ba bánh tự chế mạo danh xe thương binh? Những người giả mạo sẽ bị xử lý ra sao, thưa nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa bác Nguyễn Viết Xuân, có hai vấn đề liên quan đến điều bác hỏi. Một là những người là thương binh giả và hai là những chiếc xe thương binh giả.

Trường hợp xe thương binh giả nghĩa là xe có biển thương binh nhưng không phải thương binh điều hành thì Cảnh sát giao thông phát hiện đều lập biên bản thu giữ. Số lượng xe giả này bị thu giữ và xử phạt khá nhiều. Trường hợp này không khó khăn lắm đối với lực lượng làm công tác giữ trật tự an toàn giao thông. Nhưng trường hợp thương binh giả thì rất phức tạp. 

Thực tế cho thấy: không ít những người bình thường đã chạy được thẻ thương binh. Để xác định người này hay người kia là thương binh giả thì không chỉ công an làm được việc này mà cần sự phối hợp của một số cơ quan khác. Đối với trường hợp này, điều mà chúng ta sợ hãi không phải là những người có thẻ thương binh mà không phải thương binh sử dụng để thực hiện các hoạt động kinh doanh, buôn bán hay nhận chế độ. Điều sợ hãi hơn cả là nơi cấp thẻ thương binh cho những người không phải là thương binh. Nghĩa là, vì lợi ích cá nhân họ có thể làm mọi thứ mà coi thường luật pháp. Hơn nữa, việc làm đó gián tiếp coi thường sự hy sinh xương máu của những liệt sỹ, thương binh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Sự thiêng liêng đã bị đánh cắp và đó là sự đánh cắp tồi tệ nhất.

Vô cảm tới đỉnh điểm sẽ trở thành tội ác

Chị Trần Hà Linh (Thái Hà, Quận Đống Đa, Hà Nội): Vụ tai nạn một taxi đâm liên hoàn xe máy trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc vừa rồi gián tiếp đặt ra cho chúng tôi những câu hỏi và những ám ảnh. Đó là, trên mạng xã hội, trên các trang web phát tán liên tục các clip được quay tường tận, các góc độ khác nhau từ những người chứng kiến (thuộc vào một đám đông tự cho mình không liên quan đến tai nạn). Đây chỉ là một ví dụ gần nhất cho thấy tình trạng đáng báo động về sự vô cảm của chúng ta, phải không thưa nhà báo? Thử hình dung cảnh một người chết, người đang nhảy cầu, đang giập chân, đang máu chảy,... còn bạn thì quay clip, và để hình ảnh được rõ nét, thể hiện được sống động nhất thì bạn phải lạnh lùng bình thản giữ máy không rung, zoom gần, xa... bằng một cơ thể không trái tim!!! Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ và tác dụng của những đoạn clip ấy trên mạng xã hội (thậm chí chúng có thể có góp phần trong quá trình điều tra vụ án chẳng hạn), nhưng chúng ta thực sự xót xa và ám ảnh bởi câu hỏi, điều gì khiến người ta có thể lạnh lùng vô vảm trước nỗi đau của người khác đến như vậy?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Trần Hà Linh, mọi thành tựu của khoa học không có tội lỗi mà tội lỗi thuộc về con người khi sử dụng những thành tựu đó. Hiện thực chị đặt câu hỏi là một hiện thực đau lòng và xấu hổ đang diễn ra ngày ngày. Khi chúng ta chứng kiến những đứa trẻ được sinh ra bị vứt ra hè đường, bỏ trong thùng rác.., khi những kẻ gây tai nạn chết người rồi bỏ mặc nạn nhân, khi một kẻ cắt người yêu ra từng khúc, khi vì một con chó bị ăn trộm mà cả một đám đông lao vào đập cho kẻ ăn trộm đó chết... thì sự vô cảm đã lên đến đỉnh điểm và nó đã trở thành tội ác.

Và câu hỏi của chị “điều gì khiến người ta có thể lạnh lùng vô cảm trước nỗi đau của khác đến như vậy?”. Câu trả lời duy nhất tất cả là do sự GIÁO DỤC. Chúng ta đã có những sai lầm nghiêm trọng trong giáo dục. Nói một cách chính xác là sự GIÁO DỤC này ở ba trường học quan trọng: Gia đình, Nhà trường và Xã hội. Điều tôi nói không mới mẻ gì mà có lẽ mọi người đều biết. Nhưng sự thật ở “bên trong” ba trường học này là những sự thật đau lòng. Xin chúng ta hãy nhìn lại một lần mối quan hệ, hành xử giữa người với người trong từng gia đình, trường học và trong xã hội để xem thực trạng như thế nào. Và từ đó chúng ta suy ra kết quả của các hành vi con người đối với thiên nhiên và đồng loại.

Tôi có đọc được bài viết của một nhà báo về hành vi của chính anh ấy khi anh ấy ở Singapore. Anh ấy hút thuốc và cầm mẩu thuốc đi dọc phố đến khi tìm thấy một thùng rác mới vứt bỏ mẩu thuốc đó. Nhưng khi về Hà Nội hay mọi thành phố ở Việt Nam thì anh ấy vứt ngay dưới chân mình vì anh ấy không cảm thấy xấu hổ khi hầu hết mọi người Việt Nam đều làm thế. Sự vô cảm chỉ có cơ hội sinh ra từ sự vô cảm mà thôi.

ANTG Giữa tháng - Cuối tháng
.
.