Những bước xích gần từ Israel đến Mỹ Latinh

Chủ Nhật, 15/10/2017, 08:21
Vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tiến hành chuyến công du đến Mỹ Latinh trước khi đến New York (Mỹ) dự kỳ họp hằng năm của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Israel đến Mỹ Latinh kể từ khi Nhà nước Do Thái Israel được thành lập năm 1948, dù khu vực này có đông đảo cộng đồng người Do Thái sinh sống.

Giới quan sát nhận định, với chuyến công du Mỹ Latinh lần này, Israel ngoài việc ra sức cải thiện mối quan hệ ngoại giao và tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại với các nước trên thế giới, còn nhằm mục đích tìm kiếm thêm đồng minh ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc, giúp Nhà nước Do thái thoát ra khỏi thế bị cô lập trong bối cảnh một số quốc gia Mỹ Latinh như Brazil, Venezuela, Bolivia và Ecuador phản đối chính sách chống lại người dân Palestine của Israel.

Chuyến thăm “lịch sử”

Sau những chuyến công du thành công tới Kazakhstan, Singapore, Australia và 5 nước châu Phi trong vòng 13 tháng gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến thăm Argentina, Colombia và Mexico. 

Diễn ra trước thềm cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đúng vào dịp Israel kỷ niệm 70 năm Liên Hiệp Quốc thông qua kế hoạch phân đất cho Israel, mở đường cho việc thành lập một nhà nước Do Thái vào năm 1948, chuyến công du Mỹ Latinh lần này được cho là sẽ mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ ngoại giao và hợp tác thương mại với các nước Mỹ Latinh.

Trước thềm chuyến công du, ông Netanyahu khẳng định đây là chuyến thăm “lịch sử” và Israel đang phát triển quan hệ với Mỹ Latinh, một thị trường khổng lồ với nhiều quốc gia quan trọng.

Thăm Argentina, Colombia và Mexico là thông điệp muốn xích lại gần hơn với khu vực Mỹ Latinh của Thủ tướng Netanyahu. Trong sự khởi đầu này, ông Netanyahu thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới cộng đồng Do Thái tại khu vực bằng việc tham dự lễ tưởng niệm 2 vụ tấn công khủng bố ở Argentina hồi những năm 1990. 

Thủ tướng Israel Netanyahu (phải) bày tỏ hy vọng với chính phủ của Tổng thống Argentina Macri (trái) rằng sự cải thiện quan hệ song phương sẽ thúc đẩy quan hệ giữa Israel với các quốc gia khác ở Nam Mỹ.

Đó là vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Israel làm 29 người thiệt mạng và 200 người bị thương năm 1992, và vụ đánh bom một trung tâm Do Thái năm 1994 làm 5 người chết và 300 người bị thương. Đây là những vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina mà cộng đồng Do Thái cáo buộc là do Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Li Băng đứng sau. 

Bởi thế, Thủ tướng Israel đã không bỏ lỡ cơ hội này để chỉ trích Iran, cũng như hối thúc Argentina “bắt tay” chặt hơn với Israel trong cuộc chiến chống khủng bố.

Quan hệ giữa Israel và Argentina, quốc gia có cộng đồng người Do Thái sinh sống lớn nhất Mỹ Latinh với 300 nghìn thành viên, đã được cải thiện nhanh chóng ngay sau khi Tổng thống Mauricio Macri nhậm chức vào tháng 12/2015. 

Chỉ ít ngày sau khi ông Macri, người có quan hệ thân thiết với ông Netanyahu lên cầm quyền, Buenos Aires tuyên bố bãi bỏ thỏa thuận được ký dưới thời người tiền nhiệm Cristina Fernandez cho phép Iran tham gia vào tiến trình điều tra vụ khủng bố nhằm vào trụ sở AMIA năm 1994, khiến mối quan hệ giữa Argentina và Irsael trở nên căng thẳng. Phát biểu ngay trong buổi họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, Tổng thống Macri cho rằng thỏa thuận với Iran không có lợi cho việc gắn kết người dân Argentina.

Chính phủ Argentina cũng tuyên bố nhân dịp này sẽ chuyển giao cho Israel khoảng 140.000 tài liệu liên quan tới vụ thảm sát diệt chủng Holocaust trong Thế chiến thứ hai, khiến khoảng 6 triệu người Do Thái thiệt mạng. Trong khi đó, với khoảng 300 nghìn người Do Thái sống tại Argentina và 100 nghìn công dân Argentina sống tại Israel, chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu là cơ hội để hai bên khai thác tiềm năng hợp tác. 

Đại diện Bộ Ngoại giao Argentina tuyên bố chuyến thăm “lịch sử” của người đứng đầu nhà nước Do Thái sẽ đem lại cơ hội tăng cường đầu tư và trao đổi thương mại song phương. Đáp lại tuyên bố này, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ hy vọng với chính phủ của ông Macri, quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện, góp phần thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác ở Nam Mỹ.

Tháp tùng Thủ tướng Israel trong chuyến thăm Mỹ Latinh là phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu trong các lĩnh vực mà Israel có thế mạnh như công nghệ cao, công nghệ nước và nông nghiệp. Các nước Mỹ Latinh quan tâm tiếp cận công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học trong phát triển nông nghiệp và hợp tác quốc phòng, an ninh với Israel. Mối quan hệ được hai bên thiết lập từ lâu. 

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Israel sang Mỹ Latinh đạt hơn 550 triệu USD, khi khu vực này là một trong những đối tác chính của ngành công nghiệp quốc phòng Israel. Tiếp nối thành công này, Israel ký nhiều thỏa thuận hợp tác khoa học và phát triển du lịch tại Colombia - nơi có khoảng 19 nghìn người Do Thái sinh sống. 

Trong khi đó, các chương trình hợp tác nghiên cứu vũ trụ, hàng không và viễn thông giữa Israel và Mexico cũng có nhiều triển vọng. Với khoảng 150 công ty Israel đang kinh doanh tại Mexico, chuyến thăm Mexico của Thủ tướng Israel nhằm củng cố thêm niềm tin trong quan hệ hai nước. 

Đây cũng là thông điệp khẳng định rằng, việc Mexico bỏ phiếu trắng trong vấn đề Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine năm ngoái hay những tuyên bố của ông Netanyahu ủng hộ việc xây bức tường ngăn giữa biên giới Mỹ và Mexico của Tổng thống Donald Trump không làm tổn hại quan hệ song phương.

Kiếm tìm đồng minh

Mối quan hệ lạnh nhạt giữa Israel và Mỹ Latinh chủ yếu có nguyên nhân từ vấn đề Palestine. Năm 2010, sau khi Brazil công nhận nhà nước Palestine với đường biên giới trước năm 1967, nhiều nước khác trong khu vực đã đồng loạt hưởng ứng theo. 

Năm 2014, năm nước gồm Brazil, Chile, Ecuador, El Salvador và Peru triệu đại sứ của họ tại Israel về nước nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Tel Aviv chống người Palestine ở Dải Gaza. 

Vì lý do này mà dường như Israel khá kín đáo trong mối quan hệ với Mỹ Latinh và đây là lần đầu tiên một thủ tướng đương nhiệm của quốc gia Trung Đông tới thăm khu vực. Trước đó vào năm 2014, ông Netanyahu từng có kế hoạch thăm Mexico, Panama và Colombia; tuy nhiên, do cuộc đình công của các nhân viên ngoại giao Israel khi đó, chuyến đi đã bị hủy.

Các chuyên gia nhận định, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang nỗ lực tìm kiếm các đồng minh ủng hộ Israel tại Liên Hiệp Quốc cả về kinh tế lẫn quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác (trong đó có Brazil, Venezuela, Bolivia và Ecuador) phản đối chính sách thù địch của Tel Aviv chống người Palestine. 

Israel có thế mạnh về công nghệ cao khiến các nước Mỹ Latinh vô cùng quan tâm và bày tỏ mong muốn hợp tác để chuyển giao công nghệ.

Ông Netanyahu muốn tận dụng chuyến thăm lịch sử tại Mỹ Latinh để tìm kiếm các cơ hội mới về thị trường thương mại, quốc phòng và đầu tư rộng lớn, đồng thời thúc đẩy cải thiện quan hệ ngoại giao, an ninh và chính trị với khu vực này. 

Trong tầm quan sát rộng hơn, giới quan sát nhận định chuyến công du Mỹ Latinh là một phần trong nỗ lực “xoay trục toàn cầu” của ông Netanyahu nhằm cải thiện quan hệ với các đối tác phi truyền thống trên toàn thế giới, kể cả các quốc gia có đa số người Hồi giáo.

Ngoài đồng minh chiến lược Mỹ, Israel đang cần sự ủng hộ của các nước Mỹ Latinh trong bối cảnh Nhà nước Do Thái gần như bị cô lập trong các vấn đề liên quan cuộc xung đột với Palestine. 

Diễn ra chỉ ít ngày sau chuyến thăm mới đây của Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro tới Jerusalem, chuyến thăm Mỹ Latinh của Thủ tướng Netanyahu được coi là “cơ hội vàng” để củng cố quan hệ giữa Nhà nước Do thái với các nước ở khu vực này. 

Chưa hết, thời gian gần đây, kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Israel đã “ấm lên” với sự tương đồng về quan điểm trong nhiều vấn vấn đề.

 Đặc biệt là sự ủng hộ của Washington liên quan đến chính sách định cư Do Thái. Sự cởi mở trong quan hệ Mỹ - Israel cũng là yếu tố để thúc đẩy các mối quan hệ khác, trong đó có Mỹ Latinh, dù khu vực này chưa từng ủng hộ Israel trong chính sách định cư Do Thái.

Vì thế, “xóa bỏ khác biệt, tiến tới hợp tác” là mong muốn mà Thủ tướng Israel đặt ra trong chuyến công du lần này. Trong phiên họp chính thức gần cuối tháng 9, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 70 năm thông qua Nghị quyết 181 tạo cơ sở pháp lý thành lập Nhà nước Israel. 

Trong quá khứ, 13 nước Mỹ Latinh đã từng bỏ phiếu ủng hộ thành lập Nhà nước Israel. Vì thế, qua chuyến công du và các hợp đồng kinh tế lớn, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đặt mục tiêu mở rộng quan hệ đối ngoại với Mỹ Latinh, từ đó tìm kiếm thêm sự hiểu biết và ủng hộ từ khu vực trên. Tuy vậy, không phải là không có những thách thức trong mối quan hệ Israel - Mỹ Latinh. 

Mặc dù hai bên đang đứng trước những cơ hội lớn về đầu tư và thương mại, nhưng sự khác biệt về quan điểm chính trị, đặc biệt trong vấn đề hòa bình Trung Đông có thể sẽ khiến Mỹ Latinh không hoàn toàn đứng về phía Israel trong những vấn đề lợi ích cốt lõi. 

Mặt khác, mục tiêu và mong muốn của các nước Mỹ Latinh trong mối quan hệ với Israel chưa thực sự rõ ràng, khiến cho quan hệ song phương vẫn chỉ đang dừng ở điểm khởi đầu chứ không phải đang phát triển và sẽ “cán đích thắng lợi” như Israel kỳ vọng...

Nguyễn Tuyết
.
.