Nước mắt nông dân, thái độ quan nhân

Nước mắt nông dân, chảy đến bao giờ?

Thứ Năm, 25/05/2017, 07:58
Nếu như những chiến dịch giải cứu nông sản đầy cảm tính và mang tính chữa cháy như vừa qua không được thay thế bằng một chiến lược quy hoạch phát triển ngành, không được thay thế bằng những dự báo và cảnh báo thì nước mắt nông dân vẫn sẽ còn rơi…


Lại vẫn là một câu chuyện cũ, tiếc rằng câu chuyện cũ ấy ẩn chứa nhiều nước mắt. Lại càng đáng tiếc hơn khi biết là chuyện đã cũ nhưng mãi vẫn không có hướng giải quyết nào tích cực hơn.

1. Vào những năm 1990, đất ruộng quê tôi ở Bến Lức, Long An toàn trồng mía, chứ không hề có vườn tược cây trái như bây giờ. Sau đó giá mật rớt thê thảm, nhà máy đường cạnh nhà tôi đóng cửa. Nghe đâu nguyên nhân vì cung nhiều hơn cầu. Khi đó, nông dân chuyển đổi từ trồng mía sang trồng lúa. Rồi bất ngờ, trào lưu trồng nhãn không biết từ đâu dấy lên. 

Ở quê tôi, nhà nhà thi nhau dọn vườn, dọn ruộng lúa, lên mô đất cao để trồng nhãn. Khoảng đầu những năm 2000, nhà nào trong làng cũng có vườn nhãn, nhỏ thì cũng vài nghìn mét vuông. Nhãn khá lâu mới cho trái, thời gian đầu tôi nhớ bán rất được giá, nhưng không phải nhà nào cũng có nhãn để bán bởi có những nhà không biết kỹ thuật trồng, trái rất ít.

Được vài năm, rồi cũng đến lượt nhãn rớt giá, còn vài nghìn 1 kg. Nông dân bắt đầu lần lượt hạ nhãn để thay thế vào đó là dừa, bởi dừa vào khoảng cuối những năm 2000 bắt đầu có giá cao. Mà dừa ở đây không phải là loại dừa cao ngút như những cây dừa "cổ" tựa bờ sông nhà ngoại tôi mà tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ, dừa bây giờ là dừa lùn, con gái nhỏ lên 5 tuổi của tôi cũng có thể đứng hái được. 

Do không có kỹ thuật, kiến thức trồng giống dừa mới nên không ít nhà vỡ mộng, dừa bị sâu ăn, gãy ngọn, dừa không cho trái sai nên giá trị kinh tế từ vườn dừa là không có. Mà dừa trồng 3 năm mới có trái, đốn bỏ thì tiếc nên nhiều nhà vẫn để lại, thỉnh thoảng muốn ăn dừa, ra vườn bẻ một trái cũng vui! 

Minh họa: Lê Phương.

Đặc biệt, bây giờ là phong trào nhà nhà trồng thanh long ruột đỏ, có thể nói, trong các loại cây trồng ở quê tôi từ khi tôi biết đến nay, đây là loại phải đầu tư nhiều nhất, nghe đâu mỗi nghìn mét vuông khoảng 20 triệu đồng. Hiện tại, thanh long ruột đỏ đang được giá, vài nhà trồng ban đầu đã cho trái và trúng mùa, phấn khởi. Thế là đang có hiện trạng rất nhiều bờ xôi ruộng mật trồng lúa được chuyển sang trồng thanh long. Theo tìm hiểu, thanh long ruột đỏ này trồng chủ yếu được thu mua xuất sang Trung Quốc.

Hôm lễ 30-4 vừa rồi về quê, tôi có trò chuyện với ông chú họ hàng xa trong xóm. Ông tỏ ra hết sức quan ngại về phong trào trồng thanh long này. Là người theo dõi sát sao tin tức thời sự trên truyền hình, ông lo khi thương lái Trung Quốc hết mua thì thanh long này bán cho ai, liệu có được giá như bây giờ hay không hay chỉ còn bán cho những hộ nuôi bò trong xóm ăn!? 

Bởi ông nói, hàng này rất khó xuất sang các thị trường lớn bởi chắc chắn không đủ tiêu chuẩn do dùng thuốc bảo vệ thực vật quá khủng khiếp. Đến nỗi có những nhà, họ trồng vài cây ở xa vườn trồng bán để ăn riêng, những cây này không dùng thuốc. Mà không cho bò ăn thì biết bán đi đâu bởi quá nhiều.

2. Bức tranh trồng trọt ở quê tôi cũng là một bức tranh thu nhỏ tình trạng của đa số người nông dân nước ta hiện tại. Đó là làm tự phát, làm theo phong trào và họ không hề được ai tư vấn, dự báo và cả cảnh báo về những rủi ro thị trường. Đó cũng là một phần lý do quan trọng dẫn đến tình trạng thời gian qua, chúng ta phải giải cứu chuối, giải cứu dưa hấu,... và hiện tại là phong trào giải cứu lợn.

Tất cả những thứ mà ta phải giải cứu đó đều có chung một đặc điểm là chúng ế ẩm và quá dư thừa. Và những sản phẩm đó ra đời từ sự phát triển một cách bùng nổ, tự phát và những thông tin, dự báo thị trường là không có hoặc đều trở nên vô nghĩa.

Tôi nghĩ rằng sắp tới là giải cứu gì thì chưa thể biết nhưng có lẽ là sẽ còn "những trận thua" dài dài, nếu như ngành nông nghiệp nước ta không có những thay đổi trong quy hoạch phát triển ngành mà cứ manh mún và tự phát như hiện nay.

Một sự thật là hiện tại, nông nghiệp chúng ta đang sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát là chính. Người dân muốn trồng gì thì trồng, nuôi con gì thì nuôi, cứ chạy theo trào lưu mà không mấy khi bận tâm đến thị trường tiêu thụ. Nhưng cũng khó trách nông dân, họ quanh năm bám mặt với ruộng đồng, chuồng trại, là thế hệ ít có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, và nhất là công nghệ thông tin như thế hệ trẻ bây giờ. Mà thế hệ trẻ bây giờ, mấy ai làm nông!? Họ ly hương đến những thành phố đông đúc, chật chội để tìm cơ hội đổi đời; họ thà gắn bó với đời công nhân cùng đồng lương rẻ mạt trong những khu công nghiệp, những nhà máy chứ nhất định nói không với ruộng đồng.

Người nông dân thấy trồng gì, nuôi gì có lợi thì làm, đó cũng là lẽ tất yếu. Song, vai trò của những cán bộ Hội Nông dân xã hay ngành nông nghiệp các cấp đã ở đâu trong xu hướng nông nghiệp theo hướng chủ đạo là "tự phát" đó hiện nay?! Câu trả lời hẳn là chúng ta đều thấy!

Những chiến dịch giải cứu nghĩa tình thời gian qua rất tốt, nó cho thấy tình tương thân tương ái của cộng đồng. Song, một nền nông nghiệp của đất nước nông nghiệp mà chỉ trong chờ vào sự giải cứu nghĩa tình của cộng đồng thì thật quá thê thảm. Và thử hỏi, chúng ta phải giải cứu đến bao giờ và tiếp theo là giải cứu gì đây?

Ở đây, vai trò, trách nhiệm của ngành nông nghiệp các cấp là rõ ràng. Ngành nông nghiệp không thể cứ mãi đợi đến khi nông dân điêu đứng rồi mới kêu gọi giải cứu nông sản được, đó chỉ là cách để chữa cháy mà thôi. Thay vào đó, để chấm dứt câu chuyện "giải cứu" thịt lợn như hôm nay thì cần có một cuộc thay đổi lớn trong quy hoạch phát triển ngành.

Dễ thấy, khâu tổ chức phân phối, tiêu thụ nông sản của ta hiện nay còn quá yếu. Tình trạng nông dân được mùa thì mất giá diễn ra như cơm bữa và nông dân luôn bị thương lái ép giá là vì vậy. 

Kế đến, nếu như những chiến dịch hoàn toàn cảm tính, mang tính chất chữa cháy như giải cứu lợn, dưa hấu vừa qua không được thay thế bằng những thông tin dự báo, cảnh báo thì nước mắt nông dân vẫn sẽ còn rơi. Mà đó không phải chỉ là những giọt nước mắt mặn đắng của người nông dân, đó còn là của mỗi người chúng ta trước một nền kinh tế!

Hoàng Lãm
.
.