Phía sau lời xin lỗi

Đừng để thành lời đãi bôi

Thứ Bảy, 23/06/2018, 16:57
Nhân dân hẳn đã nghe nhiều lời xin lỗi từ lãnh đạo của các bộ ngành về những tồn tại yếu kém hay sai phạm trong lĩnh vực quản lý của mình. 

Có rất nhiều lời xin lỗi được đưa ra từ lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Song hành với lời xin lỗi, còn có cả nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm…

Nhưng rồi hành trình từ xin lỗi, nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm cho đến sửa đổi, có giải pháp để hướng đến sự hoàn thiện, sự phát triển là còn thăm thẳm xa.


Có sai sót và thẳng thắn nhận lỗi là một điều tốt, bởi “nhân vô thập toàn”, đừng hy vọng làm mà hoàn toàn không có sai sót hay mắc lỗi gì, cái quan trọng hơn là nhìn thấy sai sót đó và kịp thời sửa đổi, khắc phục nó. Một thường dân hay một vị tư lệnh ngành, Thủ tướng xem ra cũng không khác nhau về điều này.

Còn nhớ chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng “xin lỗi và mong người dân thông cảm” về chuyện đoàn xe công tác đi vào phố cổ Hội An dạo trước. 

Thủ tướng đã giải thích là khi ông đi bộ vào khu phố đi bộ cả cây số, ô tô đi phía sau đi vào đường cấm, ông không biết. Song, Thủ tướng vẫn nghiêm khắc nhìn nhận trách nhiệm trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt, Thủ tướng đã xin lỗi người dân và không để sự việc tái diễn nữa.

Minh họa: Lê Phương.

Đó là một việc rất nhỏ, không phải là sai phạm gì lớn nhưng Thủ tướng đã thực hiện một tinh thần làm gương nhận trách nhiệm. Ông lắng nghe ý kiến nhân dân và trân trọng ghi nhận những ý kiến đó. 

Còn nhớ, khi còn là Phó Thủ tướng, ông đã từng yêu cầu cán bộ công chức phải thực hành “4 xin”. Trong đó có: Xin chào, xin phép, xin cám ơn và xin lỗi.

Nhưng rồi tấm gương trách nhiệm đó của Thủ tướng không phải ai cũng noi theo được. Và cũng phải nói ngay rằng, không phải lời xin lỗi nào cũng giống nhau, có lời xin lỗi vì nhận chân rõ ràng và mong muốn khắc phục; song cũng có những lời xin lỗi kiểu đãi bôi, xin lỗi cho có, cho qua chuyện chứ chưa hẳn là người xin lỗi nhìn thấu đáo sự việc và muốn sửa chữa.

Vừa qua, có quá nhiều những vấn đề trong ngành giao thông khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bức xúc. Đó là chuyện hàng loạt những vụ tai nạn đường bộ, đường sắt nghiêm trọng, là vấn đề hàng loạt “trạm thu phí” được này đổi tên thành “trạm thu giá”, là những sai phạm của các trạm BOT… 

Cho nên, ngành giao thông và tư lệnh ngành này là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tại (GT-VT) Nguyễn Văn Thể được nhân dân quan tâm đặc biệt, cụ thể là trong phiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua.

Trước tiên, phải thừa nhận rằng trong phiên chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã phần nào làm sáng tỏ được những vấn đề của ngành mình, về những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Nhưng điều quan trọng hơn hết là những câu hỏi, những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đưa ra vẫn không được Bộ trưởng trả lời một cách thỏa đáng.

Trong phiên chất vấn đó, đã có ít nhất 3 lần tư lệnh ngành giao thông nói lời “xin lỗi”, nhận trách nhiệm về các yếu kém của ngành giao thông. Nhưng vấn đề là sau những lời xin lỗi và nhận trách nhiệm đó, nhân dân chưa thấy một cam kết hay một giải pháp nào để khắc phục cả.

Cụ thể là thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp và có gia tăng về số vụ, đặc biệt là đường sắt liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, tập trung ở đường tránh, dân sinh chưa có gác chắn, điều kiện hạ tầng cũ kỹ. Bộ Trưởng Bộ GT-VT đã nhận trách nhiệm nhưng vẫn chưa thấy Bộ trưởng nói đến giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng trên.

Thật ra, nói Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có lỗi trong việc ngành đường sắt xảy ra liên tiếp 4 vụ tai nạn nghiêm trọng thì cũng không hoàn toàn, bởi tuyến đường này đã quá cũ kỹ và lạc hậu, an toàn không đảm bảo thì tai nạn xảy ra cũng là chuyện dễ hiểu. Song, điều nhân dân mong đợi là sự xuất hiện và lên tiếng của ông sau những vụ như thế thì không có.

Đợi đến khi dư luận ào ào lên tiếng, Bộ GT-VT mới “họp khẩn” và có mấy lời nhận lỗi. Song, Bộ lại cho rằng nhân viên gác tàu lương thấp, trách nhiệm sẽ không cao nên để xảy ra tai nạn(?!). Một lý do mà không ai có thể chấp nhận nổi!

Rồi liên quan đến vấn đề trạm BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lại một lần nữa trả lời rằng, “do yếu tố lịch sử để lại”; còn trước đó, chính xác hơn thì ông gọi đó là “sản phẩm của giai đoạn trước”.

Đây là cách trả lời khiến nhiều người thắc mắc, bởi nó  khác gì là đổ trách nhiệm cho người trước. Trong khi đó, “yếu tố lịch sử” đó có dấu ấn rất đậm của bản thân ông, khi ông từng đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ GT-VT với sản phẩm là hàng loạt BOT đặt sai vị trí, trong đó, hệ lụy lớn nhất là BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Vậy thì trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ở thời điểm đó là gì, sao không nói đến mà lại bảo đó là “sai lầm của lịch sử”?

Và phải chăng vì sai lầm của “giai đoạn trước”, và “do lịch sử để lại” nên người tư lệnh ngành Giao thông Vận tải giai đoạn này vô can?

Vì thế cho nên, từ khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở trạm thu phí BOT Cai Lậy vào cuối năm 2017 đến nay, sự việc đã lan ra rất nhanh với các trạm BOT khác. Thế nhưng các vướng mắc như vị trí đặt trạm, mức thu phí vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. 

Và ngay chính BOT Cai Lậy đến giờ phút này vẫn chưa có giải pháp cuối cùng. Trong khi đó, mọi việc đều nằm trong trách nhiệm tham mưu của Bộ GT-VT.

Cũng liên quan đến BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc đặt trạm “có sự tham gia của các bộ ngành nên bộ xem như việc đặt trạm đó là sự hợp lý”. 

Và đáng nói hơn, đối với các dự án BOT, nếu Bộ Giao thông Vận tải làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm nhưng đằng này lại có ý dùng tiền ngân sách để sửa cái sai đó bằng cách… mua lại. Đó chẳng khác nào một cách “ăn vạ” ngân sách nhà nước, tiền thuế của nhân dân?

Trong phiên trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có nói, ông mong nhân dân hết sức thông cảm. Song, sự thông cảm đó chỉ có khi với cương vị là một vị tư lệnh ngành, ông cần đi sâu vào bản chất vấn đề của những chệch choạc nổi lên thời gian gần đây. Rất tiếc, nhân dân chỉ thấy những lời xin lỗi kiểu và những ý tứ... đổ lỗi cho “yếu tố lịch sử”!

Hoàng Lãm
.
.