Phát ngôn quan chức

Trách nhiệm phát ngôn

Thứ Hai, 25/09/2017, 23:59
Ai cũng phải nói một cách có trách nhiệm, lãnh đạo lại càng phải thế. Đó là thể hiện sự tôn trọng nhân dân và tôn trọng vai trò, hình ảnh của chính mình.

Cũng không hiểu sao dạo này có nhiều phát ngôn của các vị quan chức lại vô trách nhiệm đến vậy, các vị phát ngôn mà không cần quan tâm đến cảm xúc của nhân dân, không cần quan tâm đến chuyện nhân dân sẽ nghĩ gì, nhân dân sẽ phản ứng ra sao. Những phát ngôn cứ như lực đẩy, như nhát cuốc khoét sâu thêm khoảng cách giữa quan chức và nhân dân.


1. Những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt chú ý đến vụ xét xử Công ty dược VN Pharma nhập hơn 9 nghìn hộp thuốc chữa bệnh ung thu giả. Đã có rất nhiều phát ngôn được xuất phát từ vụ việc này và đa số nó đều để lại một tâm trạng tồi tệ, có phần phẫn uất cho người đọc. 

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma thản nhiên khẳng định rằng thuốc chữa bệnh ung thư giả là bình thường! Người ta có thể đem sức khỏe, tính mạng của con người ra nói với hai chữ "bình thường" thì sự vô cảm của VN Pharma đã lên đến đỉnh điểm. Trong khi đó, Bộ Y tế thì cố gắng xoa dịu rằng thật ra đây không phải là thuốc ung thư giả mà chỉ là thuốc kém chất lượng mà thôi!

Trong lúc dư luận sôi sục nhất, nhân dân mong muốn được lắng nghe lời của lãnh đạo Bộ về vụ việc thì vẫn im lặng. Rồi sau đó lãnh đạo Bộ này vẫn lên tiếng nhưng thay vì đó là một phát ngôn đầy trách nhiệm của người đại diện cho lãnh đạo Bộ Y tế đã để xảy ra tiêu cực gây chấn động đến niềm tin của nhân dân về y tế nước nhà,… thì đó lại là những lời khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng đến vô cùng.

Minh họa: Lê Phương.

Trong một bài phỏng vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: "Đây là công ty nhỏ (VN Pharma - PV), tôi còn không biết nó như thế nào đến khi việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý Dược báo cáo"… 

Thật khó để thấu cảm với lý do "không biết" vì "công ty nhỏ" của người đứng đầu Bộ Y tế trong khi VN Pharma đã trúng thầu cung cấp thuốc tại nhiều bệnh viện trung ương và địa phương, nhiều nhất ở TP HCM với số tiền gần 480 tỷ đồng vào năm 2014. Một "công ty nhỏ" nhưng có thể làm được một "chuyện lớn" bất thường như vậy mà được cho là bình thường?

Và quan trọng nhất vẫn là niềm tin của nhân dân vào nền y tế nước nhà, niềm tin ấy vốn vẫn chưa cao nay lại càng thêm sụt giảm nghiêm trọng. Dễ thấy là sau những phát ngôn của ngành Y tế về vụ việc VN Pharma, trên mạng xã hội tràn ngập những ca thán về y đức!

Cảm xúc của nhân dân từ vụ việc VN Pharma thật dễ hiểu, đó là những hoang mang, lo lắng về tình trạng khám chữa bệnh ở nước ta khi mà một công ty dược có thể điềm nhiên khẳng định: Thuốc chữa bệnh ung thư giả là bình thường! Nhưng ngành y đã ít quan tâm đến cảm xúc đó của nhân dân.

Khi nhân dân dần mất niềm tin vào y tế trong nước thì đó cũng là lúc họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho y tế nước ngoài để sức khỏe, tính mạng mình được đảm bảo. 

Còn nhớ, ngành y tế từng công bố thống kê rằng mỗi năm đất nước bị "chảy máu" khoảng 2 tỷ USD do có khoảng 40.000 lượt người sang nước ngoài khám chữa bệnh. Đó là một con số quá lớn đối với một nước còn nghèo. Vậy nguyên nhân vì sao mà chúng ta lại mang tiền đi làm giàu cho nước khác như thế? Đây không phải là câu chuyện sính ngoại mà là vấn đề niềm tin của dân ta đối với y bác sĩ ta!

Sau vụ VN Pharma, liệu sẽ có thêm bao nhiêu lượt người sẽ chấp nhận xa nhà, chấp nhận chi phí cao để sang nước ngoài chữa bệnh?!

2. Chưa hết băn khoăn, lo lắng về vấn đề sức khỏe, tính mạng bản thân thì ngay sau đó, cảm xúc nhân dân lại như bị "dội gáo nước lạnh" khác liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền. Đó là phát ngôn của Bộ Tài chính về vấn đề tăng thuế VAT lên 12%. 

Cụ thể là Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay việc tăng thuế VAT lên 12% không ảnh hưởng đến người nghèo. Theo lý giải của Bộ Tài chính thì nhóm người thu nhập thấp chi tiêu chủ yếu cho lương thực, thực phẩm, giáo dục,… thì không chịu thuế.

Về chuyện thuế VAT, được biết trong 11 nước Đông Nam Á thì hiện có 10 nước có thuế VAT từ 10% trở xuống, trong khi Việt Nam là nước thuộc nhóm nghèo trong khu vực lại đề xuất thuế VAT cao đứng đầu khu vực! Mà ai cũng biết, tăng thuế VAT tức là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, hàng nhiều triệu người sẽ chi tiêu đắt đỏ hơn. Và thật ra, người nghèo mới chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Với những nhu cầu và hàng hóa thiết yếu thường ngày như cơm ăn áo mặc, xe cộ đi lại, vui chơi giải trí,… thì người nghèo hay giàu cũng đều phải chi. Cho nên khi thuế VAT tăng lên 12% thì nhóm người nghèo càng thêm khó hơn. Chưa kể, Bộ Tài chính cho rằng người nghèo không bị tác động bởi chi phí chủ yếu cho lương thực, thực phẩm,… 

Song, dù là mua con cá, mớ rau ngoài chợ không chịu thuế VAT xong giá sẽ đội lên khi mà việc vận chuyển tăng do thuế VAT xăng dầu tăng. Khi đó, người thu nhập thấp càng thêm bấp bênh.

Cho nên, phát ngôn "tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo" là một phát ngôn vội vàng, thiếu trách nhiệm. Để đề xuất chính sách tăng thuế VAT, lẽ ra Bộ Tài chính phải có những nghiên cứu tỉ mỉ về tác động của nó đến đời sống nhân dân, nhất là những người thu nhập thấp, những công nhân đang miệt mài trong các nhà máy, khu công nghiệp với mức lương hiện tại chỉ đủ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu của cuộc sống. 

Nếu như có một nghiên cứu tỉ mỉ, hẳn phía Bộ Tài chính đã không có phát ngôn như vậy!

Phát ngôn của lãnh đạo phải có trách nhiệm, đó không chỉ là nhiệm vụ, là công việc với lĩnh vực mình phụ trách mà đó còn là trách nhiệm với nhân dân. Nhưng những phát ngôn của một số lãnh đạo bộ, ngành gần đây rất mờ nhạt về điều đó. 

Nếu lãnh đạo không làm việc với tinh thần trách nhiệm thì xã hội không thể phát triển được và ngay cả những phát ngôn thể hiện sự tôn trọng đối với nhân dân cũng không thể nói ra được thì không biết, cảm xúc xã hội sẽ ra sao?!

Hoàng Lãm
.
.