Thiên tai và nhân tai

Những cơn bão không có mùa

Thứ Tư, 11/10/2017, 08:41
Trước bão lũ thiên nhiên, chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng chống nó không dễ dàng nhưng không phải là không thể làm được. Còn trước bão không mùa, bão do chính con người gây ra, người dân chẳng có cách nào có thể khắc phục... 

Khúc ruột miền Trung lại đắm mình trong bão dữ, những bi thương chia ly, những khói hương đưa tiễn, những căn nhà là gia sản một đời đổ ập, những vụ mùa của hy vọng tan biến… Bão về rồi bão đi, cuốn theo bao nhiêu nụ cười chỉ còn để lại những nỗi niềm hiu hắt khôn nguôi.

Cơn bão số 10 mới vừa qua đi, những thống kê ban đầu đã cho thấy thiệt hại của nó khủng khiếp đến nhường nào. Nhà cửa hư hại nặng; 2 cột truyền hình bị sập; gần 1.200 cột điện hạ thế đổ gãy, trên 1.700 cột bị nghiêng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… 

Những liệt kê đó chưa nói hết được thiệt hại của thiên tai, bởi đằng sau những đổ nát kể trên còn là những nỗ lực khắc phục để đưa đời sống bà con ổn định trở lại, những nỗ lực không chỉ của một mình miền Trung mà là của cả nước. Thế mới hiểu, tại sao trước khi bão vào, nhiều người có cảm giác nín thở chờ nó khi họ biết rằng bão số 10 là một cơn bão siêu mạnh.

Nhưng bà con miền Trung kiên cường, như bao nhiêu năm nay rồi họ vẫn cắn răng chịu đựng, vì họ hiểu, bão lũ có mùa, và cứ đến mùa bão, họ sẵn sàng căng mình đón nhận những hậu quả của nó. Mảnh đất miền Trung vốn khó lại càng thêm khó cũng chỉ vì những mùa bão như thế. Và năm nay, không phải cơn bão số 10 là dấu chấm hết cho mùa bão. Sau nó, còn có thể là cơn bão số 11, số 12… Cầu trời thiên tai nhẹ tay cho bà con bớt khổ.

Minh họa: Lê Phương.

Những cơn bão theo mùa kia đáng sợ bao nhiêu thì chúng cũng chỉ là một thứ thuận theo quy luật của tự nhiên mà thôi. Bao đời nay rồi, tự nhiên năm nào cũng thử thách con người bằng những khắc nghiệt nhất của nó. Và con người được trui rèn qua thử thách ấy sẽ không cảm thấy sờn lòng mà thay vào đó, họ chấp nhận quy luật thiên nhiên kia dù nó có kinh hoàng đến mấy. 

Con người chỉ sờn lòng, chỉ sợ hãi, chỉ nổi giận với một thứ kinh khủng hơn. Nó không gào rú như gió bão, không cuồn cuộn như lũ, không làm đổ rạp những mái nhà như những cơn lốc giật, giông tố ầm ào. Đó chính là "nhân tai", thứ tác hại do chính đồng loại của mình tạo ra, với hậu quả còn nghiêm trọng hơn bất kỳ cơn bão nào và chúng xảy ra không theo một quy luật, một trình tự thời gian nào cả. 

Chúng như những cơn bão không mùa, tràn qua bất kể nơi nào của xứ sở này, những cơn bão đến từ lòng tham, sự ngu dốt, thói vô trách nhiệm và khi chúng tràn qua một địa điểm cụ thể nào đó, để khắc phục tác hại nó để lại, có khi phải mất đến vài thế hệ.

Chúng ta sẽ nói gì khi đọc trên bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam những dòng như sau "Theo kế hoạch, 2 tuần nữa, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử. Tuy nhiên phương án này gần như "phá sản" vì thiếu vốn". Dòng tin ấy được viết ngay trong ngày đầu tuần, sau 1 cuối tuần bão số 10 vừa tàn phá dải đất miền Trung và Thủ tướng Chính phủ phải họp khẩn để khắc phục hậu quả. 

Và khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đội mưa thị sát vùng lũ, vẫn đang có những con người đã và đang bắt đầu một dự án ở đâu đó mà có thể vài năm sau, chúng ta mới phát hiện ra rằng dự án ấy là cả một sự hoang phí vô cùng, với những giá trị vật chất mất đi mà vốn dĩ nó có thể bù đắp lại được nhiều lần cho những mất mát bà con vùng bão lũ đang phải gánh chịu.

Chúng ta nghĩ gì về Khu gang thép Thái Nguyên hôm nay, một tổ hợp hoành tráng và đồ sộ với số vốn đầu tư lên tới hơn 8.000 tỷ đồng? Nó có thể không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào và có lẽ càng tiếp tục lỗ nặng.

Cơn bão không mùa ấy sẽ còn để lại hậu quả hệ lụy đến tận bao giờ? Đó là câu hỏi không ai có thể trả lời được và khốn thay, nó chỉ là một trong rất nhiều cơn bão không mùa đã xảy ra mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về những người đang được coi là đầy tớ của nhân dân.

Nếu ta gõ cụm từ khoá "đội vốn đắp chiếu" trên google, chúng ta sẽ lập tức nhận được 136 ngàn kết quả. Có thể sự trùng lặp của tin tức đã dẫn đến kết quả đó chứ không phải có tới ngần đó dự án đội vốn đắp chiếu ở Việt Nam nhưng thực sự, chỉ cần số dự án đội vốn đắp chiếu chiếm 0.005% kết quả tìm được trên google thôi cũng đã đủ để chúng ta cảm thấy sợ hãi những cơn bão không mùa ấy đến chừng nào. 

Một ví dụ đầy sức nặng chính là Dự án Metro Sài Gòn. Trong cuộc họp báo đầu tháng 9 vừa rồi, Ban Quản lý Dự án này đã thừa nhận "do đơn vị tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm, chưa cập nhật được giá nên dẫn đến nguồn vốn đầu tư dự án bị đội lên đến 1 tỷ USD". 

Vâng, 1 tỷ USD có thể là số tiền đủ để khắc phục hậu quả cơn bão số 10 cho các tỉnh miền Trung, nơi mà người dân đang trông chờ vào cứu trợ từ chính phủ và cả từ những nhà hảo tâm mọi miền đất nước.

Trước bão lũ thiên nhiên, khắc phục hậu quả của nó, chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng chống nó không dễ dàng nhưng không phải là chúng ta không thể làm được. Còn trước bão không mùa, bão do chính con người gây ra, người dân chẳng có cách nào có thể khắc phục được hậu quả hay phòng bị nó cả. 

Họ chỉ có một thứ duy nhất để trông đợi, đó là sự công minh của pháp luật, sự nghiêm khắc của Đảng và Chính phủ, để đào thải ngay những con người đã gây ra bão không mùa ấy, chỉ vì một lý do duy nhất: tham lam vô đối và vô trách nhiệm đến tàn bạo.

Hà Quang Minh
.
.